Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng Nghe Chúa Thánh Thần
Posted by Ban Biên TậpDẫn nhập
Chúa Thánh Thần là Tình yêu[1] và Ngài đổ vào lòng ta tình yêu của Thiên Chúa[2]. Chúng ta đừng làm trái tim chúng ta câm nín[3]. Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được diễn tả bằng hình Lưỡi-Lửa. Lưỡi lửa biểu tượng “Tình yêu-ngỏ lời”. Vậy, Chúa Thánh Thần là “Tình yêu-biết nói”. Và Ngài là gió. Gió biểu tượng sự đổi mới: “Ngọn gió canh tân”[4]. Thực tế, gió muốn thổi đâu thì thổi. Nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu”[5]. Và “Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”[6]. Đức Phanxicô cử hành thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng 2023, tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, vào Chúa Nhật 10/10/2021. Ngài khích lệ lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần nói gì?
Lắng nghe sám hối
“Khi người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi về sự công chính và việc xét xử”[7]. Ngày nay, tội lỗi, sự dữ quá lớn, đức tin quá nhỏ. Khủng hoảng lãnh đạo, giảm sút lòng tin.
Thánh Thần nhắc lại Lời Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và Tin vào Phúc âm”. Truyền thuyết, có một vị Thiền Sư, 100 tuổi. Ngài trao cho đồ đệ một thanh kiếm và dặn: “Con hãy đi theo các bậc cao niên và giúp họ mang lại hòa bình cho Đất Nước. Thanh kiếm này cũng là một tấm gương. Soi vào đó, con sẽ biết ai ngay, ai gian trên đường con phục vụ”. Sau mười năm chinh chiến, thanh bình ngự trị quê hương. Trên đường trở về, người đồ đệ đã dừng lại bên một dòng sông để tắm gội. Không ngờ, khi soi mình vào mặt nước, anh thấy mặt mình là mặt cọp, rất dữ tợn. Khi về đến nơi, biết tin: Thầy ra đi, cách đây mười năm rồi. Và để lại lá thư có viết: “Thầy trao lại gương soi của Thầy. Từ đây, con hãy soi vào đó, để biết tu sửa cho hết quãng đời còn lại”. Người đồ đệ soi gương ba lần mỗi ngày. Sau mười năm, mặt cọp biến thành mặt người. Một khuôn mặt phúc hậu, ai nhìn vào cũng như thấy hào quang tỏa sáng, đem lại một sức sống kỳ diệu, thanh tịnh, an lành và siêu thoát. Anh và chốn tu viện anh ở, trở nên điểm tựa tâm linh nổi tiếng cho mọi người.
Sám hối là một hồng ân. Xin ơn sám hối và soi gương Chúa Kitô. Dần dần Ngài biến đổi ta và giúp ta từ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới với nội tâm tin yêu, luôn ca ngợi và chia sẻ tình thương của Chúa. Chúa Kitô xuất hiện trong tâm hồn người Kitô hữu. Ngài sống trong tôi. Và chính Ngài tỏa sáng nơi tôi, lan tỏa sự bình an cho mọi người, cho thế giới tăm tối hôm nay.
Lắng nghe khiêm tốn
Theo VietcatholicNews, 15/10/21, tại Vương cung thánh đường ở Denver, Colorado, người ta thấy hàng chữ: “Satan sống ở đây”. Chúng ta biết, lý lịch của Satan là Lucifer, thần ngạo mạn. Dụ ngôn: “Người Biệt phái và người thu thuế”[8]. Chúa hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người hèn mọn”[9]. Truyền thuyết, có một nhà tu hành, sau nhiều năm tu tập công phu. Anh cảm thấy như được thông biết mọi sự. Các thầy anh học, không ai đủ trình độ giúp anh tu tập thêm. Anh liền lên đường tìm danh sư học cao đạo. Anh leo lên đỉnh núi, nơi có sư phụ siêu đẳng để thụ giáo. Hai bên gặp nhau và anh đã tự hào cho sư phụ biết về quá trình, đẳng cấp tu luyện và không thầy nào có thể giúp anh học thêm. Nghe xong, sư phụ phá lên cười và chỉ vào phần hạ bộ của học trò, rồi quay về phòng. Không hiểu phép gì, mà suốt đêm hôm đó, anh bị kích dục và bị cám dỗ về sắc dục rất nặng nề. Sáng hôm sau, anh gặp lại sư phụ và quỳ gối xin tạ ơn vì đã nhận ra bài học: “Khiêm hạ”. Kiêu căng gắn liền với sắc dục. Sắc dục là đối kháng cân bằng của tự kiêu, ngạo mạn. Kiêu ngạo và xác thịt không bao giờ tàn lụi. Nó chỉ được chữa trị và giảm bớt nếu có thuốc khiêm hạ. Chúa làm ngơ trước những bệnh dịch, tai họa, đau khổ, yếu đuối, tội lỗi xảy ra để giúp ta trở nên khiêm nhường. Trong bài ca “Mừng vui lên”, hát trong đêm vọng Phục sinh: “Tội hồng phúc”. Hãy lắng nghe tội lỗi và hành động Satan, trong hội thánh và giữa thế gian hiện nay. Lắng nghe Chúa Thánh Thần nhắc nhở: Con chỉ là bụi tro, là chiếc bình sành dễ vỡ, và luôn mang trong mình một chiếc dằm kiêu căng, để khiêm hạ. Đức giáo hoàng Phanxicô: “Tôi là người tội lỗi thích làm việc thiện”.
Lắng nghe đổi mới
“Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới”[10]. Chức năng của Chúa Thánh Thần là đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta. Chúa thánh Thần: “gợi lên những con đường và ngôn ngữ mới cho Giáo hội; khuyến khích người Công giáo: thoát khỏi những lối mòn mệt mỏi của mình, tuyệt đối tránh những câu trả lời giả tạo và hời hợt”[11].
Từ kinh nghiệm lễ Ngũ Tuần này, người ta rút ra hai chìa khóa vàng: “Luật thời điểm và luật can đảm”, có liên quan tới đổi mới. Đúng vào thời điểm : “Lửa và Gió” các tông được đổ đầy ơn khôn ngoan, sức mạnh, tầm nhìn, can đảm mở toang cửa, dấn thân, ra đi loan báo tin mừng Phục sinh, tin mừng hy vọng. Can đảm là ưu phẩm của người lãnh đạo trong đạo ngoài đời thời đổi mới.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Thời giáo dân đã điểm”. Thời điểm đến thì mọi sự sẽ thuận lợi. Thượng hội đồng Giám mục thế giới: đúng vào thời điểm Công đồng 60 năm, 1962-2022. Chúa Thánh Thần điều khiển thế giới qua con đường văn hóa. Theo chu kỳ vận niên văn hóa Việt Nam. Đúng là thời vận của Giáo hội. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự trên anh em”[12]. Đối với Đức Thánh Cha: “Một cuộc mạo hiểm mà mỗi người đều phải tham gia”. Ngài chất vấn : “Chúng ta đã sẵn sàng mạo hiểm hay sợ điều mới mẻ? Chúng ta thoái thác điều đó không giúp ích gì và chúng ta đã luôn làm như thế? Ngài đã khai triển cái nhìn về một vị Thiên Chúa vốn không cư ngụ ở những nơi vắng vẻ và yên tĩnh, xa rời hiện thực nhưng đồng hành với chúng ta và liên kết với chúng ta ở nơi chúng ta hiện diện, trên những nẻo đường thường gian nan của cuộc sống. Xa rời cám dỗ bảo thủ và kiên quyết thực hiện việc cải cách, cố gắng tham gia vào sự thay đổi mang tính thời đại. Để thực hiện được những điều này, các Giám mục Ý nói rằng: cần có cơ cấu mục vụ để cộng đoàn phân định và quyết định, bởi vì tiến trình hiệp hành là nhằm tái khám phá ý thức trở thành một cộng đoàn, sự ấm áp của một ngôi nhà chào đón và nghệ thuật chăm sóc[13]
Lắng nghe hiệp hành
Giáo hội là Dân Thiên Chúa và là Gia đình của Chúa, lắng nghe tiếng gọi hiệp hành. Hiệp hành, hiệp thông, tham gia, đối thoại lắng nghe nhau và lắng nghe Thánh Thần. Đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì phải đi cùng nhau. Hiệp nhất trong dị biệt, trong đa dạng, trăm hoa đua nở. Thống nhất trong những điều chính, tự do trong những điều còn nghi ngờ bác ái trong hết mọi sự. Cảm thức đức tin, phân định và quyết định hiệp hành. Không chỉ hiệp hành trong đạo mà hiệp hành với toàn thể nhân loại. Rất phù hợp với Văn hóa Việt Nam: Tính Cộng đồng, tự trị và hài hòa. Và thực tế: “Rồng rắn theo nhau” mới bạo; chim bay có đàn và bay theo “Chim đầu đàn” sức bay rất nhẹ; ngựa phi có bày, nước phi mới hay”!
Kết luận
Chúa Giêsu đã lắng nghe bằng trái tim, như chuyên viên nghệ thuật gặp gỡ, chứ không chỉ bằng đôi tai. Một sự lắng nghe đích thực. Trong Giáo hội, chúng ta đang lắng nghe như thế nào ? Đâu là phẩm chất lắng nghe của trái tim chúng ta? Theo Công đồng, Đức Kitô đã nhờ Thánh Thần ban sự sống cho giáo dân. Họ được Thánh Thần sức dầu và mọi hoạt động của họ phải thấm nhuần Thánh Thần[14]. Chính ngài làm cho họ mỗi ngày một thêm ý thức về trách nhiệm riêng của họ và lôi kéo họ phục vụ Đức Kitô và Giáo hội ở khắp mọi nơ[15]. Không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể đổi mới và truyền giáo. Kinh nghiệm Giáo hội Phương Đông: “Không có Thánh Thần, Hội thánh chỉ là tổ chức bình thường”[16]. Lắng nghe Chúa Thánh Thần là tuyệt đối khôn ngoan. Vì, Thượng Hội Đồng được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Người Công giáo trên thế giới, từ ngày 17/10, được mời gọi, tham gia vào suy tư mà Đức Thánh Cha đã khởi động. Ngài cũng cảnh báo “ba nguy cơ” có thể mắc phải : ”Chủ nghĩa hình thức, trí thức và bất động”. Lời giải đáp của Chúa Giêsu: “Chỉ có thể ăn chay và cầu nguyện mới giải trừ được”. Công thức ngàn đời của Hội thánh: “Cầu nguyện, hy sinh mới tới việc tông đồ”. Việc tông đồ lớn nhất của giáo hội lúc này là Thượng hội đồng Giám mục thế giới. Phong trào chầu thinh lặng một giờ mỗi ngày, mỗi tuần tùy theo hoàn cảnh, trước Thánh Thể, theo lời mời gọi của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta là đúng thời. Cùng với sự khiêm nhường tột cùng. Chắc hắn, Chúa Giêsu sẽ sai Thánh Thần. Và Thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn. Xác tín, Ngài đồng hành với con, với giáo hội và với thế giới./.
Truyền thông, TGP.SG, tháng 10. 2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)