Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 13 Tháng 1 2022 07:24

Việc hình thành Kinh Tin Kính

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Việc hình thành Kinh Tin Kính

Bốn Công Đồng Chung Đầu Tiên

 

Các Kitô hữu tiên khởi không quan tâm đến triết lý, thần học. Họ làm chứng về Đức Kitô, Đấng gọi Thiên Chúa duy nhất của Kinh Thánh là Cha và đã phái Thánh Linh đến với họ. Họ rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28,19). Thế nhưng phải nói thế nào cho thế giới chung quanh hiểu niềm tin đó? Tại sao Thiên Chúa duy nhất vừa là Cha là Con, là Thánh Thần? Tại sao một nhân vật chào đời, sống rồi chết, lại là Chúa, vì Chúa thì bất biến?

Kinh Tin Kính các tín hữu nay vẫn đọc ngày Chúa nhật, là kết quả của bốn công đồng chung các Giám mục, là những vị hữu trách trong Giáo Hội. Bản kinh đã được hình thành khá vất vả, với nhiều tranh chấp lẫn bạo lực, nhiều xung đột cá nhân, văn hóa, khu vực, tù đày, gây gỗ, đồ máu, sự can thiệp của chính quyền và quân đội ... Đó là hậu trường của việc hình thành Kinh Tin Kính.

I. ĐỨC GIÊSU, THÁNH LINH LÀ THIÊN CHÚA?

1,1. Cuộc khủng hoảng Ario

Từ thế kỷ thứ II, để bảo vệ niềm tin độc thần của Thánh Kinh, nhiều người tìm nhưng cách giải thích khác nhau về niềm tin Ba Ngôi trong công thức rửa tội. "Ảo thân thuyết" nói Đức Giêsu có thân xác giả, "Nghĩa tử thuyết" nói Ngài là người thường được Chúa nhận là Con. Kẻ thì bảo Cha ở trong Con và đồng thụ nạn, kẻ lại nói Con thấp hơn và lệ thuộc vào Cha. Họ thường dựa vào Ga 14,28: "Cha Tôi cao trọng hơn Tôi" để quả quyết như vậy.

Sau biến cố 313, các cuộc tranh luận không dừng ở địa phương nữa nhưng lan nhanh khắp đế quốc. Nổi bật là lối giải thích của Linh mục Ario. Ario phụ trách giáo xứ Baucalis thuộc giáo phận Alexandria, vốn đạo đức và tài năng, được nhiều người mến chuộng. Ông muốn bảo vệ Thiên Chúa duy nhất, chỉ mình Ngài không có khởi sự. Vì thế ông nói Chúa Con có khởi sự được tạo dựng, không đồng bản tính với Cha; Ngôi Lời bất toàn, đồi thay và chỉ được gọi là Chúa ...

Alexandro, Giám mục Alexandria không chấp nhận điều đó. Chúa Con, Lời Thiên Chúa phải hiện hữu từ vĩnh cửu như Cha. Vì nếu Ngài không phải là "Thiên Chúa làm người" thì con người không thể được Thiên Chúa hóa và không được cứu độ. Năm 318, Ario và một số thân hữu bị vạ tuyệt thông. Nhưng ông không bỏ cuộc, ông thuyết phục nhiều bạn học cũ trong đó có Giám mục Eusebio. Cuộc tranh luận giữa hai phe bùng nổ từ trong rạp hát ra đến chợ búa, công trường. Ario còn viết một số tác phẩm và ca vè dân gian bênh vực cho ý tưởng của mình.

Hoàng đế Constantin, sau khi thống nhất đế quốc, đã tìm cách vãn hồi trật tự. Ông nghĩ đây là cuộc tranh luận về từ ngữ như triết học nên ra lệnh cho đôi bên phải giải hòa. Đến khi thất bại, hoàng đế nghe Giám mục Osio cố vấn, viết thư mời tất cả các Giám mục về dự công đồng. Ông tin rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội ảnh hưởng lớn đến sự hiệp nhất của đế quốc.

1,2. Công đồng Nicêa (325)

Có đến 318 nghị phụ từ khắp nơi đồ về (300 Giám mục Đông phương, 2 linh mục Roma). Mới hôm nào còn trốn chui trốn nhủi, nay các nhà anh hùng bỡ ngỡ đoàn tụ trong lâu đài lộng lẫy. Cuộc tranh luận kéo dài một tháng trong ôn hòa. Nhóm Ario bị kết án. Giám mục Osio đưa ra bản Kinh Tin Kính trong đó khẳng định Chúa Con đồng bản tính (Homoousios) với Chúa Cha, xác định Cha và Con bằng nhau hoàn toàn. Ario và 2 giám mục theo ông bị đày qua Ba Tư. Ba giám mục khác không đồng ý nhưng ký nhận, về sau rút lại, bị phát lưu qua Gallia.

Ngoài ra công đồng cũng chỉnh đốn một số kỷ luật Giáo Hội: ngày lễ Phục Sinh vào chúa nhật, hạn chế việc giáo sĩ sống với phụ nữ. (Công đồng Elvira năm 300 ra luật độc thân giáo sĩ cho Tây Ban Nha). Đức cha Paphnuce tuy độc thân, đã đề nghị đừng áp đặt luật đó cho mọi giáo sĩ. Về thứ tự các Giáo đoàn lớn ta thấy: Roma, Alexandria, Antiokia, Giêrusalem.

1,3. Nửa thế kỷ xáo trộn

Thỏa hiệp trong công đồng Nicêa chẳng bao lâu bị đặt lại vấn đề. Nhiều người không đồng ý chữ Homoousios vì không có trong Kinh Thánh. Họ cảnh giác sợ rơi vào lạc giáo không phân biệt Cha với Con. Đa số các vùng Đông phương theo họ, trừ thánh Athanasio, Giám mục Alexandria (+373). Giáo hội bên Tây vẫn trung thành với Nicêa ... Để xoa dịu quần chúng, Hoàng đế phát lưu Athanasio, mở công đồng Tyro (335), ân xá cho Ario và đón ông về cách trọng thể (năm sau ông qua đời).

Thời hoàng đế Constans, việc chia rẽ càng gia tăng. Tại Công đồng Sardica (343), Đông phương đòi kết án Athanasio. Từ năm 351, hoàng đế Constantius theo hẳn Ario. Phía Latinh bị lưu đày: đức Liberio, thánh Hilario, giám mục Osio thành Cordoba ... Đức Liberio bị áp lực, đã kết án những ai dùng từ homoousios để truyền bá thuyết Sabellius (Hình thái Thuyết: một Chúa với ba hình thức). năm 359, hoàng đế thành công khi đưa ra công thức homoios: "Chúa Giêsu giống Chúa Cha theo như Kinh Thánh dạy". Thánh Giêrônimô tỏ ra đau đớn kêu lên: "Cả thiên hạ bỡ ngỡ, khi thấy mình thuộc về Ario". Riêng Antiokia bị chia thành năm nhóm với những Giám mục cho mỗi nhóm.

1,4. Công Đồng Constantinopoli (381)

Cùng trong hướng suy nghĩ của Ario, khoảng năm 360, Macêdonius, giáo chủ Constantinopoli chối Thánh Linh không phải là Thiên Chúa. Một vấn nạn thần học mới được đặt ra. Thánh Basilio và Grêgoriô Naziano đã tìm thấy một cách trình bày mới, bằng cách phân biệt bản tính (Ousia) và ngôi vị (Personna). Một Chúa, một bản tính, ba ngôi vị. Lối trình bày mới vừa diễn tả được việc đồng bản tính vừa thoát khỏi "Hình Thái Thuyết" của Sabellius.

Hoàng đế Théodose, người tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo, đã quyết định chấm dứt các tranh luận. Năm 381, hoàng đế triệu tập Công đồng Constantinopoli với 181 giám mục Đông phương, nhưng 36 vị theo Macêdonius bỏ về. Công đồng lấy lại Kinh Tin Kính Nicêa và thêm lời tuyên tín về Thánh Thần "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha mà ra, Người cùng được phụng thờ và tôn kính với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con"...

Về Đức Chúa Con, công đồng thêm: "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người...". Các giám mục Pháp và Bắc Ý cũng họp nhau tại Aquiléa truất phế các giám mục theo Ario. Phe Ario biến dần, chỉ còn sót lại nơi dân German do giám mục Wulfila phổ biến.

II. ĐỨC GIÊSU NHẬP THỂ THẾ NÀO?

2,1. Tranh luận về Kitô học

Sau khi xác tín về Chúa Ba Ngôi, các tranh luận xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể, việc kết hiệp giữa thiên tính Ngôi Lời và con người Đức Giêsu. Ngôi Lời vĩnh cửu còn Đức Giêsu được sinh ra, chịu chết. Ta có thể nói Thiên Chúa sinh ra, chịu nạn chịu chết không?

Appolinarius, giám mục Laodicea (+390), bạn của thánh Athanasio tìm cách giải quyết. Theo triết học thời đó, Đức Giêsu như mọi người gổm xác và hổn. Nơi Ngài linh hổn được Ngôi Lời đảm nhiệm. Đức Giêsu không thể phạm tội. Nhưng ngay sau đó, nhiều người có cảm tưởng Appolinarius phủ nhận việc cứu chuộc. Họ nói: chỉ những gì của con người được Đức Kitô đảm nhiệm mới được cứu độ.

Thời đó có hai khuynh hướng thần học:

Tại Alexandria : người ta khởi từ Ngôi Lời, nhấn mạnh sự duy nhất nơi Đức Kitô. Đức Kitô là Ngôi Lời mang xác phàm, đó là điều kiện để con người được thần hóa (lược đồ Ngôi Lời - Xác).

Tại Antiokia: người ta nhấn mạnh về hai phương diện nơi Đức Kitô, khởi từ hai bản tính để đi đến thống nhất. Họ cố bảo vệ trọn vẹn nhân tính Đức Giêsu (lược đồ Ngôi Lời - Người).

Hai quan điểm trên đưa đến cuộc tranh luận gay gắt giữa hai đối thủ tương xứng là thánh Cyrillo d'Alexandria và Nestoriô ở Constantinopoli. Vị Giám mục ở đế đô, vốn nguyên quán Antiokia, là nhà hùng biện đầy nhiệt huyết. Khoảng năm 424 ông cấm các tín hữu khẩn cầu Đức Maria như Théotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Kinh Thánh không có hạn từ này và Đức Maria chỉ là Mẹ của nhân vật Giêsu. Và như thế, Đức Giêsu chỉ được phúc mặc lấy Thiên Tính, thân thể ngài là đền thờ của Ngôi Lời (2 ngôi vị).

Ngược lại, thánh Cyrillo muốn bảo vệ sự duy nhất nơi Đức Kitô và lòng tin chung của tín hữu. Ngài bênh vực Đức Kitô gần như chỉ có một bản tính và liên lạc với đức Celestinô I kết án Nestorio. Ngài yêu cầu Nestorio ký vào bản văn xác định nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời và Con người kết hợp thành một. Nestorio liền nhờ bạn hữu ở Antiokia là các giám mục Gioan và Theodoret tố cáo Cyrillo theo Appolinarius. Thấy tình hình xáo trộn, hoàng đế Théodose II liền triệu tập Công đồng Ephesô, yêu cầu các tỉnh đều cử đại biểu. Thánh Augustino cũng được mời, nhưng qua đời trước khi đến công đồng.

2,2. Công đồng Ephesô (431)

Các sử gia đương thời cho ta thấy nhiều xung đột trong diễn biến công đồng. Thánh Cyrillo được Roma ủy quyền chủ tọa, đã đưa theo 50 Giám mục vùng Ai Cập, rồi cùng với 110 vị ở Palestina và Tiểu Á, đã quyết định khai mạc công đồng khi các giám mục vùng Antiokia và Syria chưa kịp đến, mặc cho đại diện cho hoàng đế và 60 Giám mục yêu cầu hoãn cuộc họp.

Chỉ trong một ngày, Công đồng truất chức Nestorio vắng mặt, cùng 12 mệnh đề bị kết án. Dân chúng biểu lộ niềm hân hoan và chúc mừng Công đồng bằng cuộc rước đuốc vĩ đại đêm 22.6. Với giới bình dân, Đức Kitô đã thắng lạc giáo và tín điều Mẹ Thiên Chúa được xác định.

Các nghị phụ thuộc phe Nestorio đến trễ phản đối bản văn của thánh Cyrillo, họ kết án Cyrillo và nhóm của ngài. Người ta không rõ ai trong các Giám mục không bị kết án nữa. Viên đại diện hoàng đế liền ra lệnh bắt cả hai vị, Thánh Cyrillo trốn kịp, được dân Alexandria tiếp đón trọng thể. Còn Nestorio bị lưu đày và qua đời tại Lybia.

Nội dung tín lý của công đồng Ephêsô không nhiều, và chỉ có một văn kiện kết án Nestorio. Các vị Giám mục Tiểu Á không chấp nhận lối trình bày của Cyrillo, các ngài cho rằng nhiều từ ngữ chưa chỉnh. Công đồng Ephesô chỉ xác định lại thế giá công đồng Nicea, bênh vực Đức Kitô duy nhất. Không còn ai tranh cãi về "Mẹ Thiên Chúa". Khoảng 20 tháng trôi qua (năm 433) nhờ Giám mục Gioan Antiokia, một công thức mới đã được thỏa thuận "Có sự hợp nhất của hai bản tính (...) và vì sự hợp nhất này, chúng tôi tuyên xưng Đức Nữ Trinh là Mẹ Thiên Chúa". Công thức này được Thánh Cyrillo chấp nhận và đức Sixto II châu phê.

2,3. Công đồng Calcedonia (451)

Thế nhưng thỏa hiệp 433 không làm vừa lòng những thành phần cực đoan của cả hai phía. Theodoret miền Syria luôn bảo vệ hai bản tính của Đức Kitô, không nói gì đến việc "kết hợp mà không lẫn lộn". Viện phụ Eutykes (+454) ở Constantinople, cho rằng nơi Đức Kitô, Thiên Tính bao trùm nhân tính đến độ chỉ còn thiên tính (Monophysis). Giám mục đế đô là thánh Flavianô liền tổ chức một công đồng kết án Eutykes. Vị này cầu cứu Tòa Thánh và Dioscorus là Giám mục Alexandria.

a/. Mẻ cướp Epheso (449): Hoàng đế Theodose II bạn của Eutykes mời tất cả những Giám mục ủng hộ vị này về dự hội nghị Epheso. Đức Leo I có cử ba đại biểu và gửi thư tỏ lập trường, nhưng vị Giám mục chủ tọa là Dioscorus, bạn Eutykes, không cho đọc lá thư đó. Nhóm Eutykes chỉ phải ký nhận Kinh Tin Kính Nicea. Ngược lại, Giám mục nào nói Đức Kitô hai bản tính thì đều bị truất chức. Quân lính triều đình được mời đến để "đánh chết những kẻ phân biệt hai bản tính". Thánh Flavianô bị đánh trọng thương rồi chết. Giám mục Theodoret báo tin cho Roma và Đức Leo liền phi bác "mẻ cướp Epheso". Thế nhưng học thuyết Eutykes được công khai tuyên truyền cho đến hoàng đế qua đời.

b/. Công đồng Calcedonia (451): Tân hoàng đế Marcianus (450-457) đứng về phía Roma. Hoàng đế yêu cầu Giáo hoàng đến chủ tọa công đồng. Nhưng Đức Lêo I không thể đi được vì Hung Nô đã xâm lăng đất Ý. Ngài cử sứ giả đến chủ tọa công đồng Calcedonia. Giám mục Dioscorus cũng đến và đề nghị kết án đức Lêo, ngược lại, ông bị tố cáo về tội lộng hành, bị cách chức và lưu đày. Thánh Flavianô được phục hồi.

Về Giáo lý, Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli và thơ đức Lêo được đem ra đọc. Ngay đó các nghị phụ đã đồng thanh tung hô : "Đây là đức tin các Giáo phụ, đức tin các Tông đồ. Tất cả chúng tôi đều tin như vậy... Phêrô đã nói qua miệng Lêo". Sau khi áp dụng kỷ luật cho những người tham gia vào mẻ cướp Ephêso, Công đồng đưa ra một công thức Đức Tin dựa vào hai bản văn trên: "Đức Kitô, chúng tôi nhìn nhận có hai bản tính không lẫn lộn, biến đồi, phân chia hay lìa nhau. Sự khác biệt giữa hai bản tính không bị mất vì kết hiệp, trái lại các đặc tính của môỵi bản tính vẫn nguyên vẹn trong một ngôi vị duy nhất".

Từ nay nền tảng Kitô học đã rõ rệt. Đức Kitô một ngôi vị và hai bản tính.

III. LIÊN HỆ GIỮA CÁC GIÁO HỘI

Công đồng Nicea khoản số 4, xác định sự liên đới giữa các giám mục trong từng vùng, được qui tụ và phân phối do một giám mục thuộc thành phố lớn. Đó là tiền thân của chức Thượng phụ Giáo chủ sau này. Khi đặt một Tân giám mục: phải được giấy đồng ý của các Giám mục trong vùng; được vị Thượng Phụ châu phê và được ba Giám mục tấn phong. Công đồng Nicea chỉ nói đến bốn tòa Giám mục lớn là Roma, Alexandria, Antiokia và Giêrusalem.

Khoản 3 của Công đồng Constantinopoli xác định khác hơn: "Giám mục Constantinopoli có quyền ưu vượt liền sau Roma, vì thành phố này là Roma mới". Từ nay Giáo hội đế đô đứng thứ hai trong "ngũ đầu chế" của Giáo hội thời đó, như một số người thường nói.

Ưu thế Giáo hội Roma, thủ đô đế quốc, nơi thánh Phêrô tử đạo là điều rõ rệt. Một đàng giám mục Roma can thiệp vào sinh hoạt các Giáo hội địa phương, và đàng khác các Giáo hội Đông phương vẫn nại đến Roma khi có những khó khăn về tín lý. Thế nhưng, nếu tại Calcêdonia các Nghị phụ đã coi đức Lêo là hiện thân của Phêro, thì cả đến thời đức Grêgorio, Đức Thánh Cha vẫn là một Giám mục giữa các giám mục. Theo lối nói thời nay, ngài cùng với "tập đoàn" Giám mục cai quản Hội Thánh.

TOÁT YẾU

Kinh Tin Kính là công thức tuyên xưng ngắn gọn của các tín hữu Kitô. Niềm tin của họ đặt nền trên mạc khải trong Thánh Kinh, thế nhưng cần phải hiểu mạc khải đó ra sao ? Kinh Tin Kính là kết quả của bốn công đồng chung Nicea, Constantinopoli, Epheso, và Calcêdonia.

Hai Công đồng đầu tiên diễn đạt niềm tin Một Chúa - Ba Ngôi :Công đồng Nicea (325) trả lời cho Ario chối Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa; Công đồng Constantinopoli (381) giải đáp cho Macedonius không tin Thánh Thần là Thiên Chúa.

Hai Công đồng kế tiếp xoáy mạnh vào mầu nhiệm Chúa Kitô nhập thể : khởi từ việc Nestorio không nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Công đồng Epheso (431) xác quyết Ngài chỉ có một Ngôi vị và tín điều Mẹ Thiên Chúa. Sau đó Eutykes nói Đức Giêsu chỉ có một bản tính, Công đồng Calcedonia (451) xác định việc Ngôi Hiệp cả thiên tính lẫn nhân tính nơi Ngài.

Trong tinh thần Vatican II về đại kết, chúng ta cần cảm thông với sự chân thành của những anh em "lạc giáo". Thường vì quá bênh vực một khía cạnh của chân lý, các vị để sót mất khía cạnh khác.

CÂU HỎI

1. Bầu khí cuộc tranh luận đạo lý với Ario?

2. Nội dung chính của Công đồng Nicea?

3. Định nghĩa Ngôi vị và Bản tính?

4. Hai khuynh hướng Alexandria và Antiokia?

5. Những lối viết về Đức Kitô ngày nay có thể theo suy nghĩ của Eutykes chăng? Thí dụ.

6. Bài học lịch sử bạn rút được nếu bạn phải tranh luận về đức tin?

7. Quyền tối thượng của Giáo Hoàng Roma?

Trích Cuộc lữ hành đức tin

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu, OP.

Read 368 times Last modified on Thứ sáu, 14 Tháng 1 2022 20:06