TMĐP- Chúng ta cũng không tránh khỏi những cám dỗ ngày càng tinh vi,hiện đại của ma quỷ.
Không phải ngẫu nhiên mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng “Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ” ngay chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, đoan Tin Mừng mà cả ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật rất chi tiết (x. Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13). Riêng trong Tin Mừng Mátthêu, chúng ta thấy một chi tiết rất đáng quan tâm, đó là “tên cám dỗ đến gần Người” (Mt 4,3). Tên cám dỗ đây chính là quỷ, được nhắc đến 3 lần trong đọan Tin Mừng gồm 11 câu (Mt 4,5.8..11), đồng thời cũng được gọi là Xatan khi Đức Giêsu nghiêm nghị nói: “Xatan kia, xéo đi!” (Mt 4,10).
Như thế Xatan, quỷ hay tên cám dỗ là một, và chúng là thụ tạo với bản tính thiêng liêng đã từng được hầu cận, phụng sự Thiên Chúa như các thiên thần trên Thiên Đàng.
Kể từ ngày phản nghịch và bị tống khứ vào hoả ngục, đám thiên thần bất trung, phản nghịch bị trừng phạt này chỉ còn một mục tiêu duy nhất phải thực hiện cho kỳ được, đó là cám dỗ con người làm điều xấu xa, đồi bại, gian ác, tức là những điều Thiên Chúa ghê tởm, nghiêm cấm, hầu lôi kéo con người theo chúng chống lại Thiên Chúa, mà hậu quả là những người đi theo chúng sẽ thuộc về chúng, trở thành cánh tay nối dài của chúng, và chịu chung với chúng hình phạt hoả ngục đời đời.
Là tên cám dỗ, qủy rất tài tình với ngón nghề dụ dỗ, gạ gẫm, mua chuộc, mồi chài. Ngón nghề có khi ngon ngọt, mùi mẫm, nhưng cũng có lúc đe dọa, tạo áp lực, gây lo lắng, hoang mang, hoảng loạn, miễn sao đối tượng bị cám dỗ xuôi lòng, buông tay, thả trôi đời mình theo ý muốn dẫn nhân loại đến bất hạnh, hủy diệt, chết chóc của chúng.
Sở dĩ trong Mùa Chay, chúng ta đặc biệt đề cập đến ma quỷ, vì Đức Giêsu đã công khai chịu ma quỷ cám dỗ khi Ngài vào hoang địa ăn chay bốn mươi đêm ngày. Bàn về ma quỷ ở người Kitô hữu sẽ không là gì khác hơn ngoài nhận diện bộ mặt thật của chúng, vạch trần mưu hèn kế bẩn của chúng, tố cáo hành vi gian tà và bạo lực của chúng, nhất là cảnh giác mọi người trước vô số cạm bẫy của chúng ngày đêm giăng kín trên hành trình của con người.
1/ Là tên cám dỗ, ma quỷ mon men đến gần con người.
Để cám dỗ nguyên tổ ăn trái cấm, Rắn độc là Xatan đã mon men đến gần bắt chuyện với Evà. Đến gần bà, Xatan mới cám dỗ được bà khi nhẹ nhàng chia sẻ: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (St 3, 4-5). Nói lời này, Xatan vừa nhỏ nhẹ trấn an để Evà đừng sợ, và tin tưởng vào hắn, vừa khiêu khích, đánh thức khát vọng muốn biết hết mọi sự là khát vọng vốn tiềm ẩn nhưng rất sôi nổi trong lòng mọi người, bởi trong các khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống, khát vọng tuyệt đối, thì khát vọng biết là khát vọng nổi trội và mãnh liệt hơn cả.
Để cám dỗ Đức Giêsu, quỷ đã “đến gần Người” và tỉ tê khích tướng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi” (Mt 4,3) ; “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi!” (Mt 4,6) và đưa bả vinh quang thế gian ra mồi chài Ngài: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9).
Xatan quả rất tinh ranh khi xúi Đức Giêsu làm phép lạ biến những hòn đá thành bánh, ngay lúc Ngài đang đói, sau bốn mươi ngày đêm ăn chay (x. Mt 4,1-2); rất ma mãnh khi bày ra trước mắt Ngài “các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy” và đề nghị cho Ngài với điều kiện ngay trong lúc Ngài chẳng có gì, nếu không muốn nói là thiếu thốn mọi sự, kể cả của ăn. Bằng chứng là chỉ sau khi “quỷ bỏ Người mà đi” thì “các sứ thần mới tiến đến hầu hạ Người” (Mt 4,11).
Dù biết Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, quỷ vẫn dữ dội tấn công Ngài, huống hồ với chúng ta, chắc chắn quỷ không dễ dàng buông tha, khi tìm mọi cách, mọi cơ hội để mon men đến gần cám dỗ. Cơ hội có thể là khi chúng ta có tâm trạng, khi chúng ta nổi máu kiêu căng, tham vọng, khi chúng ta buồn chán muốn giải khuây bằng bất cứ thú vui nào, dù xấu xa, tồi tệ. Cách thức ma quỷ dùng để mon men tiếp cận thì vô số, không sao kể hết, dưới muôn hình vạn trạng rất khó đoán, khó lường: có lúc dưới bộ dạng người thánh thiện, tử tế ; có khi qua bộ tịch ngôn sứ, dáng dấp thiên thần, nên rất nhiều người lầm tưởng và sập bẫy, sa chân.
2/ Chiến thuật “khó đỡ” của ma quỷ là đưa chúng ta “đi vào” bằng con đường thánh thiện của Thiên Chúa, nhưng đưa chúng ta “đi ra” bằng con đường gian ác của chúng:
Xatan không hoàn toàn sai khi dụ dỗ Evà: “ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5), bởi con người biết điều thiện điều ác là điều Thiên Chúa muốn, vì có biết mới tuân giữ, nên chính Thiên Chúa đã ban cho mỗi người khi sinh ra tiếng nói lương tâm để biết thiện, ác mà thực hành hoặc tránh xa, để đón nhận hoặc từ bỏ, chưa kể khát vọng muốn biết nhiều, biết rõ, biết đúng là khát vọng rất mãnh liệt ở mỗi người, nên khi nói với Evà điều này, Xatan đã gài sự thật của Thiên Chúa, đặt khát vọng chính đáng của con người được dưng nên giống hình ảnh Thiên Chúa vào kế hoạch gian dối, lừa bịp, gieo chết chóc của hắn, để Evà tin mà làm theo điều hắn muốn, đó là “ăn trái cây Thiên Chúa cấm” khi gọt dũa thật trơn tru, đẹp mắt mệnh đề thứ nhất để Evà vừa không quan tâm, vừa không sợ, vì không nhận ra mức độ trầm trọng của hành vi trái lệnh Thiên Chúa: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra…” (St 3, 4-5).
Xatan đã đưa Evà vào “con đường bị cám dỗ” bằng thánh ý của Thiên Chúa là muốn con người biết thiện ác mà phân định chọn lựa, nhưng lại đi ra với Evà, và Ađam bằng con đường bất trung, chống lại lệnh Thiên Chúa của chúng. Cũng vậy, quỷ đã dẫn Đức Giêsu vào cơn cám dỗ bằng câu giả định thường gặp trong Kinh Thánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (Mt 4,3.6) với ý đồ lừa Ngài vào bẫy kiêu căng, tham vọng, bất trung với Chúa Cha.
Vì thế, có nhiều người trong anh em chúng ta đã bị mê hoặc vì chỉ nhìn thấy đường vào “cám dỗ” ngợp hương hoa thiên đàng, đầy vinh quang Thiên Chúa, và rộn ràng, thống thiết lời kinh, nhưng không hề biết con đường cám dỗ ấy sẽ đưa ta đi xa Thiên Chúa, rời bỏ mái ấm Giáo Hội và lối ra sẽ chỉ còn lại ở ta “những bước chân đồng hành với ma quỷ”. Sở dĩ nghe theo ma quỷ, chúng ta sẽ chết chắc, bởi bản chất ma quỉ là xấu xa, xảo quyệt, dối trá, độc ác ; là kẻ tố cáo, gây chia rẽ, oán thù, bạo lực, chết chóc, nên chúng không thể nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt. Do đó, bất cứ sự thiện nào vào tay chúng cũng có nguy cơ trở nên sự ác, bất cứ điều tốt lành nào dính bén, đụng chạm đến chúng, cũng khó giữ được giá trị cao quý, tốt đẹp ban đầu, vì mọi sự, mọi việc, mọi tình huống, cơ hội đều bị chúng tìm cách biến thành đồi bại, gian ác phục vụ mục đích gây bất hạnh, tang thương, chết chóc cho con người, chống lại Thiên Chúa là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” và “là Tình Yêu” (x. Ga 14,6 ; 1Ga 4,8).
Ở đây, chúng ta thấy có một khác biệt nền tảng giữa Đức Giêsu và ông bà nguyên tổ trong khi bị cám dỗ, đó là Evà, Ađam đã để Xatan dẫn ra khỏi cám dỗ bằng con đường gian ác, bất trung là ăn trái cấm, trong khi Đức Giêsu đã đi ra bằng con đường công chính, thánh thiện, với niềm tin không gì có thể lay chuyển vào sức mạnh của lời Thiên Chúa, khi nói với ma quỷ: “Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), khi ma quỷ khích tướng Ngài làm phép lạ biến đá thành bánh; “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7), khi chúng thách Ngài gieo mình từ trên nóc Đền Thờ; “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10), khi chúng sẵn sàng dâng cho Ngài mọi vinh hoa lợi lộc của thế gian với điều kiện phải sấp mình bái lạy chúng.
Như Đức Giêsu và các thánh nam nữ từ khai sinh lâp địa đến ngày tận thế, mỗi người chúng ta cũng không tránh khỏi những cám dỗ ngày càng tinh vi,hiện đại của ma quỷ như thánh Phêrô, tông đồ trưởng đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù đich của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế ” (1P 5, 8-9).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/khi-ten-cam-do-den-gan-suy-niem-mua-chay/