Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 28 Tháng 6 2023 06:54

Khuynh hướng thống trị trong Giáo hội

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KHUYNH HƯỚNG THỐNG TRỊ TRONG GIÁO HỘI

 

TMĐP- Giữa phong ba bão táp đang nổi lên tấn công những thiếu sót của con cái trong Giáo Hội, chúng ta cầu nguyện nhiều hơn để mỗi người luôn ý thức mình là chi thể của một Thân Thể có Đức Kitô là Đầu, và được kêu gọi nên thánh trong cùng một niềm hy vọng, một ước muốn “xây dựng Hội Thánh” (x. 1 Cr 14,12.26).

Liền sau khao khát cháy bỏng, sôi sục “được sống” ở mỗi người là khuynh hướng thống trị người khác. Vì thế, nếu để bản năng và các khuynh hướng tự tung tự tác, thì hầu như không ai trong chúng ta chịu phục tùng người khác, trái lại, ai cũng muốn và tìm mọi cách để thống trị, bắt người khác phục tùng mình.

Chẳng thế mà ở đâu cũng tiềm tàng, phát sinh và sinh sôi nảy nở nhanh những thể chế thống trị, những hệ thống khai thác, bóc lột người khác và rất nhiều thủ đọan, chiến thuật, chiến lược xoay quanh việc bảo vệ vững chắc pháo đài cơ chế thống trị kiên cố này.

Gần đây, trên các trang mạng, người ta mổ xẻ, bàn tán nhiều về tệ nạn “giáo sĩ trị” trong Giáo Hội. Thực ra, con số những giáo sĩ quên sống đòi hỏi và lý tưởng của đời tu “ở mức báo động đỏ” không nhiều, cũng như con số những giáo sĩ rơi vào tội ác ấu dâm chưa bao giờ vượt ngưỡng 1%, nhưng dư luận truyền thông thì ra sức thổi phồng đến độ nhiều người có cảm tưởng hàng ngũ giáo sĩ đã hoàn toàn băng hoại, rữa nát, làm nhiều tín hữu hoảng hốt, lo lắng cho tương lai và sự trường tồn của Giáo Hội.

Trong Tin Mừng Mátthêu, vấn nạn giáo sĩ trị đã xảy ra, khi các môn đệ tranh giành giữa nhau: ai ngồi bên phải, bên trái Thầy, ai có quyền hơn ai, ai sẽ làm to, làm lớn. Vấn nạn này đã phát sinh từ việc bà mẹ của hai môn đệ, con ông Dêbêđê đã to gan chạy chức, chạy quyền giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt cả Nhóm Mười Hai cho hai con mình khi thưa với Đức Giêsu: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21).

Như thế, giáo sĩ trị đã nhen nhúm ngay giữa lòng các giáo sĩ, khi giáo sĩ cũng mải mê tìm thống trị giáo sĩ, cũng miệt mài toan tính chuyện phe cánh, băng đảng để thao túng, chèn ép, bắt các giáo sĩ yếu thế khác phải quỵ luỵ, phục dịch mình. Những giáo sĩ khát quyền lực và uy danh để áp đặt quyền thống trị của mình trên các anh em giáo sĩ khác này tuy không nhiều, nhưng tai họa họ gieo cho cộng đoàn giáo sĩ thì vô cùng lớn lao, vì họ không khác những kẻ nội thù nguy hiểm, khi tham vọng thống trị của họ ngày càng trở nên mù loà, hung hãn.

Khi Đức Giêsu gọi các môn đệ trong Nhóm Mười Hai lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27), Ngài muốn dậy các môn đệ trong Nhóm bài học khiêm tốn phục vụ nhau, và công khai chống lại lối sống giáo sĩ trị, giáo phẩm trị hay bất cứ cơ chế thống trị nào khác. Bài học của Ngài dạy các môn đệ là những vị thuộc hàng giáo phẩm, giáo sĩ hôm đó thật quá rõ, và chúng ta không thể suy diễn cách nào khác, với ý đồ làm nhẹ đi nguy cơ giáo sĩ trị có thể lũng đọan các giáo sĩ ngay trong nội bộ, hàng ngũ giáo sĩ.

Cũng trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu vạch trần chủ nghĩa và lối sống giáo sĩ trị của những giáo sĩ Do Thái lúc bấy giờ. Những lời khiển trách, lên án của Ngài thật đanh thép, cứng rắn và không một chút nhân nhượng, thoả hiệp. Ngài thẳng thừng lột mặt nạ đạo đức, thánh thiện, công chính của những giáo sĩ “thống trị” giáo dân khi nói với đám đông: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”; họ là những kẻ lười biếng, ỷ lại, hưởng thụ, chỉ “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 3- 4); họ kiêu hãnh, khoe khoang, trịch thượng, cửa quyền, thích được người ta khúm núm cúi đầu chào hỏi ở những nơi công cộng (x. Mt 23,5-7) ; họ độc địa, ích kỷ, “khoá cửa Nước Trời không cho người ta vào”, và tham lam, giả hình là người nhân đức để “nuốt hết tài sản của các bà goá” (Mt 23,13.14), họ khắt khe cắt nghĩa từng chi tiết Luật Môsê, nhưng chính họ lại bất chấp “công lý, lòng nhân và thành tín”, sống xa hoa hưởng thụ, “ăn chơi vô độ” (Mt 23,23.25) và hành xử gian ác đến nỗi Ngài đã phải nặng lời gọi họ là “Đồ mãng xà, nòi rắn độc!” (Mt 23,33).

Thực vậy, nếu phải bình bầu, so sánh từ cổ chí kim, thì không người nào đã nặng lời quở trách, cũng không ai đã nghiêm khắc lên án “tận mạng” những giáo trị có đầu óc và lối sống giáo sĩ trị như Đức Giêsu đã lên tiếng vạch trần sự thật tồi tệ của họ và tai ương khôn lường họ gây ra cho giáo dân. Vì thế, dung dưỡng chủ nghiã giáo trị trong Giáo Hội, ủng hộ và củng cố cơ chế giáo trị để dễ bề cai trị, nắm đầu giáo dân đã, đang và mãi mãi không bao giờ là chủ trương của Giáo Hội, không bao giờ là điều Giáo Hội mong muốn và bao che, bênh vực.

Do đó, người Kitô hữu chúng ta cần hiểu: nếu có tình trạng giáo sĩ trị, ở đó có những giáo sĩ chỉ lo tìm vị thế có quyền lực, và ảnh hưởng trong Giáo Hội để bắt giáo dân phục vụ mình, mà không phục vụ giáo dân như ơn gọi “đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” của mục tử nhân lành “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Mt 20,28; Ga 10,10) thì đó chính là thiếu sót lớn trong việc chọn lựa ơn gọi đời sống, cũng như thiếu nhận thức về căn tính của Giáo Hội và thiếu xác tín về chỗ đứng, cũng như vai trò của mỗi người trong Nhiệm Thể Đức Kitô.

Thiếu sót trong việc chọn lựa ơn gọi, khi lầm tưởng làm môn đệ Đức Giêsu là để thống trị, trong khi chính Đức Giêsu là Chiên gánh tội trần gian, là Của Lễ toàn thiêu xóa tội muôn người, là người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa Giavê. Chính vì lầm tưởng mà giáo sĩ rơi vào cơn lốc xoáy của khuynh hướng thống trị để rồi vong thân, biến chất một cách tệ hại, đáng thương. Bên cạnh là nhận thức yếu kém về căn tính Giáo Hội, nên non nớt nghĩ rằng Giáo Hội cũng chỉ là một tổ chức trần thế, mà không là bí tích Đức Kitô; Giáo Hội chỉ là cơ chế quản trị theo kiểu thế gian có sức mạnh và ảnh hưởng xã hội, mà ở đó người tham vọng có nhiều cơ hội tiến thân, nhất là thiếu xác tín về chỗ đứng xứng đáng của tất cả các thành viên trong Giáo Hội, tức các chi thể trong Thân Thể duy nhất có Đức Giêsu là Đầu, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô: “Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta được tràn đầy một Thần Khí duy nhất… Thật vậy thân thể gồm nhiều bộ phận…” (1Cr 12,13-14). “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Ngài muốn… Như thế, bộ phận tuy nhiều, nhưng chỉ có một thân thể… Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất, và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,18. 22-26)

Quả thực, mầu nhiệm Giáo Hội như Thân Thể duy nhất có Đức Giêsu là Đầu không cho phép bất cứ một hệ thống, một chế độ, một cơ cấu thống trị nào phát sinh và tồn tại, vì yếu tính của Giáo Hội là Bí Tích Đức Giêsu, Đấng yêu thương, phục vụ và cứu độ bằng “dâng hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Do đó, ganh ghét, tỵ nạnh, ghen tuông trong Giáo Hội vì khác nhau ở phẩm trật, vị thế, chức quyền, trách nhiệm là điều không thể quan niệm, vì trong Giáo Hội “có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12,4-6).

Tóm lại, chúng ta không nên nghĩ chỉ có “giáo sĩ trị” khi giáo sĩ thống trị giáo dân, nhưng có cả giáo sĩ thống trị giáo sĩ, giáo dân thống trị giáo dân khi giáo dân dựa thế giáo sĩ để trị nhau, hoặc giáo sĩ dùng giáo dân để trị giáo dân thay mình, và không chừng còn có cả những giáo dân vì có địa vị xã hội, danh tiếng, thế lực, và tiền bạc cũng tìm cách thống trị giáo sĩ nữa … Nhưng trong bất cứ tình huống, kiểu cách, hay dạng thức thống trị nào, dù là giáo sĩ trị hay giáo dân trị, Giáo Hội đều lên án vì đi ngược Tin Mừng, chống lại mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh, và sự hiệp nhất của các chi thể trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô.

Ước gì giữa phong ba bão táp đang nổi lên tấn công những thiếu sót của con cái trong Giáo Hội, chúng ta cầu nguyện nhiều hơn để mỗi người, dù là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ hay Giáo Dân luôn ý thức mình là chi thể của một Thân Thể có Đức Kitô là Đầu, và được kêu gọi nên thánh trong cùng một niềm hy vọng, một ước muốn “xây dựng Hội Thánh” (x. 1 Cr 14,12.26).

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/khuynh-huong-thong-tri-trong-giao-hoi/

Read 237 times Last modified on Thứ năm, 29 Tháng 6 2023 19:41