Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 14 Tháng 8 2023 07:10

Nước Trời-Nước Đời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “NƯỚC TRỜI – NƯỚC ĐỜI”


TMĐP- Ước gì người Kitô hữu chúng ta không lẫn lộn Nước Trời với Nước Đời, không để Nước Trời bị chìm nghỉm trong Nước Đời, hay bị Nước Đời cuốn trôi, vì thiếu phân định dưới ánh sáng và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần.

Vì được kêu gọi đi tìm Nước Trời giữa cuộc đời, nên có lúc người môn đệ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải phân định đâu là Nước Trời và đâu là Nước Đời. Cũng vì Nước Trời đã có mặt trong cuộc đời, ở giữa mọi người, mà người môn đệ không khỏi nhiều phen hoang mang tự hỏi không biết mình còn đang bơi trên dòng Nước Trời hay từ lâu đã chìm nghỉm trong dòng Nước Đời?

Trước hết, để tìm nhanh và chắc chắn tìm được, người ta phải biết rõ đối tượng được tìm, nơi mình muốn kiếm; nếu không, sẽ cứ “mãi loanh quanh cho đời mỏi mệt”, và đường sẽ mãi là “đường đi không đến”.

Đức Giêsu không muốn chúng ta đi tìm một Nước Trời không tưởng, mơ hồ, trừu tượng, nhưng một Nước Trời được định hình rõ ràng, và định nghĩa chính xác.

Trước hết, Nước Trời là chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại, như khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”, Ngài đã trả lời họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,4-6).

Nước Trời cũng là cung lòng hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu,ở đó, “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” được mời đến nghỉ ngơi bồi dưỡng (x; Mt 11,28-30).

Ngoài ra, Nước Trời còn được Đức Giêsu mô tả như hạt cải nhỏ tí teo được gieo trong ruộng. “Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13,32); như nắm men được vùi vào thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men (x. Mt 13,33); hay như kho báu và viên ngọc quý, mà người ta sẵn sàng bán tất cả những gì người ta có, để mua cho kỳ được (x. Mt 13,44-46); Nước Trời còn được Ngài mô tả như cỏ lùng mọc chung với lúa, và ông chủ đã kiên nhẫn chờ đến muà gặt sẽ nhặt riêng lúa ra để cho vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì đem đốt đi (x.Mt 13,36-43).

Nước Trời cũng giống như tiệc cưới, mà ai cũng được mời vào dự, nhưng có người không mặc áo cưới đã bị đuổi ra (Mt 22, 1-14); như tên đầy tớ không có lòng thương xót không những đã bị rút lại món nợ trước đó đã được ông chủ tha cho, mà còn bị nghiêm khắc trừng phạt (x. Mt 18,23-35); hoặc như những người làm vườn nho, dù được nhận vào sớm hay muộn, từ giờ đầu hay tận giờ cuối, tất cả đều được ông chủ trả cùng một đồng lương (x. Mt 20,1-16).

Như thế, Nước Trời không là những gì cực kỳ hoành tráng, vĩ đại, hay xa vời, tít tắp mây xanh, nhưng rất gần gũi như thúng bột, đồng lúa, cỏ lùng, vườn nho, thửa ruộng; nhỏ bé như hạt cải, nắm men; đầy giá trị như kho tàng, ngọc quý; chan chứa niềm vui của người đau ốm tật nguyền được chữa lành và ngập tràn hạnh phúc của người đã chết nay được sống lại, bởi Nước Trời là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta (x. Mt 1,23). Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ, và là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14, 6) của toàn thể nhân loại. Chính Ngài ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai tin vào Ngài.

Vì Thiên Chúa làm người ấy đã tự nguyện bỏ địa vị Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế, và khiêm hạ vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá (x.Pl 2,6-8), nên Nước Trời của Ngài, đúng hơn Nước Trời là chính Ngài cũng không ra ngoài những gì bé nhỏ, đơn sơ, âm thầm, từ bỏ, xoá mình. Chẳng thế mà đối tượng được Ngài chọn làm công dân Nước Trời gồm toàn những người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khiêm nhu, những người sầu khổ, khóc lóc, muộn phiền, những trái tim trong sạch, giàu lòng thương xót, khao khát điều công chính, và tận lực xây dựng hoà bình, nhất là những con người nhẫn nhịn cam chịu mọi bất công, sỉ nhục, vu khống, bách hại vì Tin Mừng (x. Mt 5,2-12).

Nước Trời của Ngài còn tôn lên cao những người hèn mọn, bé nhỏ khi Ngài quả quyết: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4), vì Nước Trời là của những ai giống như trẻ nhỏ (x. Mt 19,14). Nước Trời ấy còn chọn cho mình niềm vui lớn khi một tội nhân trở lại, vì trên trời” ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Nước Trời còn độc đáo ở chỗ ai cũng được mời vào, khách nào cũng là khách quý và bất kể ai cũng có quyền xin nhập tịch, chỉ với một điều kiện: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), vì ai làm phúc cho những người bé nhỏ nhất, tức những người ở tận cùng xã hội, bị bạc đãi, bỏ rơi, không được ai cho ăn mặc, không được ai thăm nuôi, tiếp đón, không được ai săn sóc, chăm nom, chia sẻ, người ấy chính là khách quý, là công dân ưu tú của Nước Trời, vì họ đã làm phúc cho chính Đức Giêsu, vua Nước Trời (x. Mt 25,31-46).

Nước Trời còn đặc biệt ở tiêu chuẩn quy định ngôi thứ, phẩm trật. Theo đó, “ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em, vì ngay Đức Vua của Nước Trời khi đến thế gian đã không “để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).

Như thế, Nước Trời không giống Nước Đời, vì Nước Đời có lãnh thổ là đất đai, sông biển, núi đồi trong khi Nước Trời không biên giới, vì lãnh thổ là trái tim, tâm hồn mỗi người; Nước Đời được xây dựng trên sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhưng Nước Trời đặt nền móng trên niềm tin vào Thiên Chúa, và tình thương của Ngài; Nước Đời giải quyết vấn đề bằng quyền lực, áp lực, bạo lực, nhưng Nước Trời điều phối sinh hoạt bằng tình yêu dâng hiến, chia sẻ, thứ tha (x. Mt 5,21-27. 38-48); Nước Đời tìm vinh quang, lợi nhuận qua khôn ngoan của thế gian, trong khi Nước Trời tìm khôn ngoan ở thập giá Đức Giêsu chịu đóng đinh (1 Cr 1,22-25); Nước Đời đo lường thành công của công dân ở tiền của, chức tước, quyền thế, phe phái, ảnh hưởng, nhưng Nước Trời đánh giá phẩm chất của công dân ở mức độ chạnh lòng thương và ân cần phục vụ; Nước Đời nể sợ, o bế người giàu, nhưng Nước Trời cảnh báo người giàu khó nhận được visa vào Nước Trời; Nước Đời ưu tiên người quyền thế, địa vị cao, gia thế khủng, nhưng Nước Trời lại trân trọng người bị xã hội loại bỏ, bóc lột, bạc đãi; Nước Đời sợ kẻ có quyền, trọng kẻ có tiền, kết thân với kẻ đương thời mạnh phe cánh, nhưng Nước Trời gọi những người khốn khổ, khố rách áo ôm, sống vô gia cư, chết vô địa táng là công dân ưu tú; lãnh tụ Nước Đời dùng uy mà thống trị, dùng quyền mà khống chế, nhưng Nước Trời dùng khiêm hạ phục vụ của đầy tớ trung tín mà quản trị (x. Mt 20, 24-28); Nước Đời dùng mánh lới để chạy quyền, chạy chức, chạy tôi, nhưng Nước Trời lấy thành tâm sám hối và nhân hậu bao dung làm kim chỉ nam cho mọi sinh hoạt; Nước Đời bon chen, đấu đá, tranh giành ngôi thứ, quyền lợi bao nhiêu, thì Nước Trời từ bỏ, xoá mình, chịu thiệt thòi và hy sinh cho người khác bấy nhiêu; Nước Đời ki cóp, thu gom, tích luỹ của cải vật chất thật nhiều, thì Nước Trời lại buông bỏ, trở nên nghèo khó đến độ không còn gì, kể cả chỗ ngả lưng, gối đầu như Đức Giêsu (x. Lc 9,57-58); Nước Đời tìm lời khen, huân chương, mâm trên, cỗ nhất (x. Mt 23, 6-7), Nước Trời chỉ tìm vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn; Nước Đời thích phô trương, nên làm gì cũng phải hoành tráng, vĩ đại để nổi danh, nổi tiếng vang lừng (x. Mt 23,14), trong khi Nước Trời từ cầu nguyện đến ăn chay, từ thiện đều thực hiện trong kín đáo, âm thầm, đến nỗi tay trái không biết việc tay phải làm (x. Mt 6,3); Nước Đời truy sát kẻ thù, lấy oán báo oán, nợ máu phải trả bằng máu, nhưng Nước Trời lại “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” mình (Mt 5,44); Nước Đời chỉ tìm hạnh phúc trong cuộc sống này, nhưng Nước Trời là Men làm cho thúng bột Nước Đời dậy lên yêu thương là Đức Giêsu; là ánh sáng soi dẫn Nước Đời trên đường ngay nẻo chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và là Muối làm cho Nước Đời mặn nồng hạnh phúc đích thực, viên mãn và vĩnh cửu ở cuộc sống mai hậu là chính Thiên Chúa làm người, phần thưởng và gia nghiệp trên Nước Trời của tất cả mọi người đã sống trong Nước Đời (x. Lc 9,25; Mc 8,36).

Cũng vì cả hai dòng Nước Trời và Nước Đời cùng chảy trên dòng sông cuộc đời, nên rất có thể chúng ta đang lẫn lộn Nước Trời với Nước Đời; đang rơi vào tình cảnh tâm muốn đi tìm Nước Trời, mà chân cứ đong đưa bước đi với Nước Đời; trí vẫn nghĩ mình đang đi trên đường Nước Trời, nhưng thực ra đã lạc sâu vào căn cứ, địa bàn của Nước Đời.

Quả thực, con đường Nước Trời ở đâu và thời nào cũng nhỏ hẹp và khó đi hơn những xa lộ của Nước Đời, nhưng không chỉ khó cho người giàu vì hành trang vật chất cồng kềnh khó qua cửa hẹp (x. Mc 10,23-27), mà còn khó cho tất cả mọi người, vì “gánh nặng ngang dọc” của thập giá mình phải mang, như điều kiện tiên quyết của người môn đệ muốn đi theo Đức Giêsu trên hành trình Nước Trời (x. Mt 7,13-14;10,37-39).

Gánh nặng ngang dọc là tham vọng đủ loại, kiêu căng đủ cấp, mưu mô đủ kiểu đang cố đẩy người môn đệ vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê giữa hai dòng Nước Trời và Nước Đời, khi tâm hồn thì mơ Nước Trời, nhưng thân xác lại ngụp lặn trong Nước Đời; khi tinh thần thấy rõ mồn một Nước Trời là hướng phải đi, bến bờ phải đến, nhưng đam mê không cho phép đôi chân yếu đuối thoát khỏi vòng vây của Nước Đời. Và cứ thế, Nước Trời nhỏ lại, phai dần, rồi héo úa, tàn lụi trong tâm tưởng, và nhường toàn phần cuộc sống cho việc đầu tư Nước Đời.

Vì đầu tư, nên bất cứ việc gì, sự gì mang lại lợi nhuận đều được khai thác triệt để, lợi dụng tối đa, nên sẽ không ngạc nhiên, nếu một ngày Nước Trời biến thành phương tiện trong tay những nhà đầu tư Nước Đời, như những ông Pharisêu giả hình bị Đức Giêsu nặng nề khiển trách trong Tin Mừng Mátthêu (x. Mt 23), vì đã nhân danh Thiên Chúa để làm khổ Dân Chúa; nhân danh việc “thờ phượng” để chất lên vai giáo dân nghèo những gánh nặng oằn vai. Họ là những người đã dùng Nước Trời như phương tiện, bình phong, vỏ bọc để xây dựng Nước Đời của họ

Nhưng những chức sắc Pharisêu này không là thành phần duy nhất biết xử dụng Nước Trời như phương tiện, mà hầu như thành phần nào cũng bị cám dỗ dùng kế sách, thủ đoạn, mánh lới của Nước Đời để làm lớn, làm mạnh, làm lung linh, huy hoàng Nước Trời, mà quên hẳn Nước Trời không sinh hoạt như Nước Đời; và hầu hết chúng ta đều bị đẩy đưa chọn phương thức, đường lối của Nước Đời để lèo lái, xoay chuyển Nước Trời, mà quên rằng Nước Trời không giống như Nước Đời, vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa. Cụ thể là Nước Trời không có lãnh thổ địa lý, không có thủ đô, quân đội, cũng không dành riêng cho một chủng tộc, màu da, văn hoá, ngôn ngữ, trình độ, thánh phần nào, như Đức Giêsu đã khẳng định trước quan tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thực ra Nước Tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18,36); cũng như Ngài đã trấn an người đàn bà xứ Samari, bên bờ giếng Giacóp: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người pjhải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 20-21.23-24).

Ước gì giữa thế giới ngày càng điên đảo, người Kitô hữu chúng ta không lẫn lộn Nước Trời với Nước Đời, không để Nước Trời bị chìm nghỉm trong Nước Đời, hay bị Nước Đời cuốn trôi, vì thiếu phân định dưới ánh sáng và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, bởi lằn ranh giữa Nước Trời và Nước Đời không luôn dễ nhận ra, khi tinh thần thế tục mạnh hơn tinh thần Bát Phúc, và khát vọng Danh Lợi Thú mãnh liệt hơn Niềm Vui Tin Mừng.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/nuoc-troi-nuoc-doi/

Read 147 times Last modified on Thứ ba, 15 Tháng 8 2023 08:58