Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 09 Tháng 1 2024 07:00

Tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần



GIANFRANCO RAVASI

“Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12, 31)

Câu nói này của Chúa Giêsu, về bản chất vốn gây ngạc nhiên, lại trở nên gần như gây bối rối trong câu tiếp theo sau đây: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (12, 32). Để tháo gỡ sự bối rối của những tuyên bố này, trước hết chúng ta bắt đầu với thực tại của từ “xúc phạm”, mà theo ngôn ngữ Kinh thánh, mang một ý nghĩa khác đối với định nghĩa chung của chúng ta. Điều răn nổi tiếng : “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, chắc chắn có thể gián tiếp áp dụng cho từ xúc phạm như một lời nguyền rủa phỉ báng chống lại thần thánh, nhưng ý nghĩa nguyên thủy của nó lại rẽ sang một hướng khác, được đánh dấu bằng từ “vô cớ”.

Trong tiếng Do Thái, thuật ngữ này ám chỉ sự "hư ảo" của thần tượng; do đó, vấn đề là sự thoái hóa của tôn giáo và sự kiêu ngạo của con người trong việc quyết định xem Thiên Chúa thực sự là ai theo ý của mình, định hình Ngài theo lợi thế của riêng mình và do đó chiếm hữu phẩm tính thần thiêng đặc thù. Vì vậy, “xúc phạm đến Thánh Thần” là một tội nặng hơn tội chửi thề đơn thuần hoặc xúc phạm đến thần thánh. Đó là một cuộc tấn công triệt để và có ý thức vào thực tại mật thiết và sâu xa của Thiên Chúa được Thánh Thần của Người làm đại diện. Đó không phải là tội yếu đuối như tội của người đàn bà ngoại tình có thể ăn năn và được Chúa Kitô tha thứ; thay vào đó, là một thách thức có ý thức nhằm chống lại Thiên Chúa.

Tại thời điểm này, chúng ta cần đưa ra lời giải thích cho áp dụng tiếp theo. Một đàng nó khẳng định khả năng được tha thứ tội chối bỏ liên quan đến Con Người, tức là Chúa Kitô. Lý do ở chỗ, có thể nói, phẩm giá của Ngài bị che khuất bởi cái dáng vẻ con người bên ngoài vốn có thể tạo ra sự không chắc chắn, nghi ngờ hoặc phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn, hãy nhớ lại câu trả lời của Nathanael với tông đồ Philip, người đã mời ông đến gặp Chúa Giêsu thành Nazareth : “Từ Nazareth có cái chi hay” (Ga 1, 46).

Mặt khác, nhất là thái độ của các kinh sư và pharisiêu, những người nhìn thấy những hành động vinh quang của Chúa Kitô, các phép lạ của Người, những lần trừ quỷ, tuy nhiên họ cố tình nhắm đôi mắt của lòng trí họ, vì họ nhận ra rằng “sự đa dạng” này của Chúa Giêsu sẽ phá vỡ hệ thống quyền lực và sự khai triển thần học của họ. Do đó, họ minh nhiên phủ nhận công trình mà Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Chúa Kitô: “xúc phạm đến Chúa Thánh Thần” và đó là sự chối bỏ có chủ ý đối với chân lý đã được biết đến như vậy, đó là sự chối bỏ có ý thức lời nói và việc làm của Chúa Giêsu dù họ biết việc ấy là đúng và thánh thiện, vì lợi ích “phạm thượng” của riêng mình.

Dưới ánh sáng này, kết luận hợp lý có thể chấp nhận được: sự tha thứ không thể được ban cho họ “đời này lẫn đời sau”, vì thiếu điều kiện tiên quyết cơ bản là sự ăn năn và thú nhận tội lỗi. Họ tự đặt mình bên ngoài chân trời cứu rỗi bằng lựa chọn của riêng mình. Chú giải lý tưởng nhất về tuyên bố này của Chúa Giêsu nơi những lời của bài giảng hùng hồn trong thư gửi tín hữu Do Thái: “Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa, mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa" (Dt 10, 26-27).

G. Võ Tá Hoàng

https://www.osservatoreromano.va

Read 204 times Last modified on Thứ tư, 10 Tháng 1 2024 09:31