Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 07 Tháng 11 2014 17:22

Có được phép ngưng việc trợ giúp dinh dưỡng và hydrat hóa đối với những người ở trong tình trạng thực vật kéo dài không?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Có được phép ngưng việc trợ giúp dinh dưỡng và hydrat hóa đối với những người ở trong tình trạng thực vật kéo dài không?


Câu hỏi: Có một trường hợp “quyền được chết” xảy ra ở Virginia với những ý kiến trái chiều của các giáo sĩ Công Giáo và các nhà bình luận. Có được phép ngưng việc trợ giúp dinh dưỡng và hydrat hóa đối với những người ở trong tình trạng thực vật kéo dài không?

Trả lời: Tôi nghĩ thế nào cũng có tranh luận, John J.Paris cho là “được”, còn William E.May thì bảo là “không”.

Đây là trường hợp xảy ra với Hugh Finn, một tín hữu Công Giáo đến từ Louisville, bị đứt động mạch chủ trong một tai nạn xe hơi, khiến não của anh bị tổn thương nặng. Người ta gắn vào cơ thể anh ống dẫn để truyền thức ăn và thực hiện quá trình hydrat hóa.

Tôi chưa từng được biết về biểu đồ hóa học của trường hợp này, nhưng hầu như mọi người có những ý kiến khác nhau về nó. Tin tức cho biết, vợ anh muốn gỡ bỏ ống dẫn thức ăn, còn bố mẹ và anh chị em của người này thì không muốn như vậy. Vị Thống đốc của bang đã đưa vụ này lên Tòa Tối Cao của bang Virginia. Yêu cầu không gỡ ống truyền thức ăn của ông đã bị tòa án bác bỏ, người ta buộc phải ngưng trợ giúp hydrat hóa, và Hugh Finn đã chết 8 ngày sau đó.

Một vài khách viếng thăm và các thành viên trong gia đình đã làm cho vấn đề thêm phức tạp khi cho rằng ông Finn không rơi vào tình trạng thực vật kéo dài (PVS). Một vài tranh cãi trong số này có phần hơi vặt vãnh, nhưng đó là những lời xác nhận cá nhân của các nhân chứng. Biểu đồ và ghi nhận hóa học chắc chắn cũng đóng một vai trò quan trọng ở đây.

Tôi nghĩ là sẽ không có một câu trả lời đơn giản, độc nhất cho tất cả mọi trường hợp, như là luôn luôn đúng, hay luôn luôn sai. Những nguyên tắc và giả định chắc chắn phải được áp dụng cho những cá nhân và bệnh lý của một trường hợp nào đấy trên nền tảng ứng với từng trường hợp một.

Trong một số mục trước đây, tôi thường nói đến tuyên bố Dinh dưỡng và Hydrat hóa: Những suy tư mục vụ và luân lý của Ban Bảo Vệ Sự Sống thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ. Đây là tài liệu hướng dẫn tuyệt vời và là một quy chiếu đáng tin cậy mà theo tôi, dù không cố gắng đưa ra giải đáp cho mọi trường hợp tiền lệ, nhưng nó đã cung cấp những nguyên tắc luân lý và giả định cần thiết để giải quyết các trường hợp riêng lẻ.

Có một câu hỏi cụ thể trong tuyên bố của các Giám Mục liên quan trực tiếp đến vấn đề này: “Những bệnh nhân rơi vào vô thức kéo dài có được xem là một trường hợp đặc biệt không?” (c.6). Không cần phải lặp lại nơi đây toàn bộ câu trả lời (nếu ghi ra toàn bộ câu trả lời thì chắc là không cần đọc hay nghiên cứu gì thêm nữa), hai điểm nhỏ cũng đủ để giúp cho việc bàn thảo rồi.

Trước hết, vấn đề thuật ngữ! Cái tên “thực vật” trong “tình trạng thực vật kéo dài” hàm chứa một ngụ ý tiêu cực nào đấy có thể khiến người ta quên rằng chúng ta đang nói về một người nào đó, một bệnh nhân bị rơi vào vô thức, chứ không phải về một cái gì đó, một loại thực vật thấp hơn con người. Vì thế, các giám mục đã sử dụng thuật ngữ “các bệnh nhân rơi vào vô thức kéo dài”, nghe có vẻ có tính con người hơn.

Thứ hai là giả định rất có lý của các giám mục: “Dưới ánh sáng của mối bận tâm này, chúng ta phải đưa ra những phán đoán có suy xét kỹ lưỡng rằng khi những tranh luận về tính hợp pháp trong luân lý Công Giáo vẫn còn tiếp diễn, thì những quyết định về các bệnh nhân này phải được hướng dẫn bởi một giả định ủng hộ việc trợ giúp y tế về dinh hưỡng và hydrat hóa” (s. 6).

Dĩ nhiên, một giả định thì cũng chỉ là một giả định. Các giám mục tiếp tục giải thích rằng giả định này có thể không thắng được thực tế, khi “chẳng có một hy vọng khả lý nào để duy trì sự sống” (chẳng hạn, khi không thể tránh được cái chết sắp xảy đến do nguyên nhân khác) hoặc điều ấy là quá liều lĩnh hoặc trút những gánh nặng quá lớn để có thể thực hiện việc điều trị “đặc biệt” xét về mặt luân lý như vậy.

Hơn nữa, các giám mục cũng làm rõ: “Không được rút bỏ những biện pháp như thế [phương pháp trợ giúp hydrat hóa] để gây ra cái chết” (s. 6). Vì thế, tất cả các trường hợp thì không được trả lời trước, nhưng một tiền giả định vững chắc thì có trước để dùng mà suy xét tất cả các trường hợp.

Thể chế dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vatican (1995) cũng nói đến cùng một giả định như vậy khi giải thích nguyên tắc tỷ lệ thích đáng trong việc chữa trị: “Việc cung cấp thức ăn và chất lỏng, dù là nhân tạo, là một phần của việc điều trị bình thường trong mức độ phù hợp với bệnh nhân; ngừng cung cấp một cách không thích đáng chính là một kiểu làm chết êm dịu” (s. 120)

Những hướng dẫn tôn giáo và đạo đức của NCCB (Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Quốc Gia) (1994) cũng nói rõ: “Nên có một giả định ủng hộ việc cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa cho tất cả các bệnh nhân, bao gồm những bệnh nhân cần được trợ giúp y tế về dinh dưỡng và hydrat hóa miễn là nó giúp ích và không gây ra gánh nặng nào liên quan đến bệnh nhân” (s. 58)

Vào ngày 2.10.1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói rõ về nguyên tắc giả định này và về tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ 1992, khi các ngài về Tòa Thánh nhân dịp ad limina, rằng:

Tuyên bố của ủy ban bảo vệ sự sống của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, “Dinh dưỡng và Hydrat hóa”, nhấn mạnh rất đúng rằng việc cắt bỏ cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa nhằm gây ra cái chết cho một bệnh nhân phải bị loại trừ và, trong khi suy xét cẩn thật đến tất cả mọi yếu tố liên quan, giả định là phải ủng hộ việc cung cấp trợ giúp ý tế về dinh dưỡng và hydrat hóa cho tất cả các bệnh nhân cần những điều này. Không phân biệt được điều này sẽ là nguồn gốc gây ra hàng loạt những bất công cùng những đau khổ kèm theo, tác động đến những ai đang phải chịu khổ vì bệnh tật hay những suy yếu do tuổi già và những người thân yêu của họ.

Vì thế, từ cả thẩm quyền địa phương lẫn hoàn vũ, tất cả đều cho rằng cần phải có một giả định có nền tảng tốt là phải cung cấp trợ giúp hydrat hóa trừ phi không có một hy vọng khả lý nào cho thấy có thể duy trì sự sống hay chính việc cung cấp phương tiện này là quá liều lĩnh và là nặng gánh để được xem là đặc biệt xét về mặt luân lý trong một trường hợp cụ thể.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ cũng lưu ý đến những cuộc tranh luận trong nội bộ Công Giáo về điểm này. Dường như tất cả các tác giả Công Giáo đều đồng ý về những nguyên tắc cơ bản, nhưng họ có quan điểm khác nhau cách nào đó về việc áp dụng chúng cho từng trường hợp cụ thể. Từ những gì tôi đọc được, có một số tranh luận không chỉ về việc áp dụng, nhưng là về những bất đồng thực sự trong nguyên tắc. Vì thế, đôi khi đó không phải là một cuộc tranh luận về một “hy vọng khả lý duy trì sự sống”, hay về việc “những liều lĩnh và gánh nặng” là hơi quá để có thể được xem là đặc biệt xét về mặt luân lý và vì thế không là điều bắt buộc. Đúng hơn, có một số định nghĩa và nguyên tắc thực sự có vấn đề ở đây, và chính chúng đã chủ yếu gây ra điều tranh cãi. Có nhiều khả năng người ta nại đến vấn đề liên quan đến hydrat hóa, phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa thế nào về nó.

Tôi nghĩ, chính Daniel Callahan là người đầu tiên nói về thuật ngữ “những cá nhân chịu đựng kiên cường về sinh học” và những người đó là ai, ngoại trừ những người đang chết một cách từ từ. Linh mục Richard McCormick đã viết về “sự tồn tại sinh lý học đơn thuần”, nghĩa là, theo tôi hiểu, một thân xác chỉ biết thở chứ không biết nói. Hai mươi năm trước, McCormick đã định nghĩa, một sự tự lập bảo toàn tốt bất kỳ khả năng nào cho kinh nghiệm ý thức là “thuyết sức sống”, và việc tiếp tục một sự sống chỉ đơn thuần vật lý thì không mang lại lợi ích con người nào. Linh mục Kevin O’Rourke thì viết rằng: “Nếu chức năng nhận thức và tình cảm không thể được phục hồi thì có thể từ chối hoặc gỡ bỏ việc cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa.” Linh mục Paris trong bài viết America nói trên cũng nói về việc phục hồi một sự hiện hữu có chức năng nhận thức.

Tất cả những định nghĩa trên đã làm tôi nghĩ đến “thuyết nhị nguyên”, vốn hoàn toàn phân tách hợp thức xác-hồn để rồi xem sự hiện hữu thuần “thể lý” không thực sự được xem là sự hiện hữu của cá nhân hay mang tính con người. Một khi định nghĩa như thế thì vấn đề hydrat hóa đã được giải đáp rồi.

Một vài người có thể sẽ hỏi “Điểm nhắm tới ở đây là gì?” Mục đích của việc cung cấp thức ăn và hydrat cho những cơ thể thuần vậy lý là gì khi nó chẳng đưa đến một lợi ích mang tính con người nào? Tôi bỗng nhớ đến tư tưởng nhân chủng học của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II được trình bày súc tích trong Thể chế dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vatican: “Cái gì là và cái gì xảy ra về mặt sinh học thì không bao giờ là mơ hồ. Ngược lại, nó có một sự liên đới mang tính luân lý; nó là một mệnh lệnh ngụ ý nhắm đến hành động. Cơ thể đích thực là một thực tại nhân vị, là dấu chỉ và là nơi của những tương quan với người khác, với Chúa và với thế giới” (s. 41)

Cơ thể đích thực là một thực tại nhân vị! Sự sống thể lý của con người là một điều tốt đẹp của chính người đó, chứ không chỉ là một điều tốt đẹp dành cho những mục đích khác. Sự sống thể lý là một điều tốt đẹp tự bản chất của chính người đó, chứ không chỉ là một điều tốt đẹp mang tính công cụ cho những kế hoạch khác. Trong học thuyết nền tảng của Công Giáo, bạn là linh hồn của thân xác mình cũng như là thân xác của linh hồn mình. Cả hai không phân biệt trừ khi bạn chết.

Một người anh em có thể bị suy giảm chức năng “nhận thức-tình cảm”; anh ta có thể không đủ “khả năng” lý trí hay tương quan một cách sâu sắc; thậm chí từ lúc mới sinh, IQ của anh ta đã rất ít, rất thấp hay trống trơn, nhưng linh hồn của anh ta thì không ít, không thấp, không trống trơn. Anh ta là một trong số chúng ta, dù các chức năng của anh ta có kém cỏi và nghèo nàn đến đâu. Nếu không nghĩ như thế thì khi xếp loại, anh ta sẽ được xác định nằm bên ngoài phạm vi con người, để vào trong cõi nào đấy thấp hơn con người.

Dưới cái hiểu Công Giáo, chúng ta phải phân biệt giữa bệnh nhân đang chết và bệnh nhân không-đang-chết. Vì thế, “khi cái chết không thể tránh khỏi đang xảy đến,” có thể chọn lựa hầu hết tất cả những phương pháp chữa trị, trong mức độ việc chăm sóc bình thường cho bệnh nhân không bị gián đoạn (CDF, Tuyên Bố về Trợ Tử, số 4)

Từ những gì tôi đọc, dường như Hugh Finn không phải là một bệnh nhân đang chết, và chắc chắn không phải là một bệnh nhân mà cái chết không thể tránh khỏi đang xảy đến. Dĩ nhiên, một khi trợ giúp dinh dưỡng và chất lỏng bị gỡ bỏ thì anh ta sẽ trở thành một bệnh nhân đang chết, vì những gì đang được sắp xếp là một chuỗi những sự kiện được hiểu như là đang đối phó với cái chết.

Nhưng đã nói ở trên, các yếu tố trị liệu và y tế có thể ảnh hưởng đến phán đoán, nhưng điều tôi kịch liệt loại bỏ là tiêu chí “nhân thức-tình cảm” vốn thực sự gây ra vấn đề cho các bệnh nhân rơi vào tình trạng thực vật kéo dài và bất cứ những bệnh nhân mắc chứng bệnh kinh niên mà khả năng nhận thức bị suy yếu. Tôi tin rằng điều này không chỉ là một sự khác biệt trong việc áp dụng nhưng là một sự khác biệt trong nguyên tắc.

Sự sống con người là một điều tốt đẹp của chính con người – một sự tốt đẹp nhân vị từ bản chất, chứ không phải là một sự tốt đẹp mang tính phương tiện. Chân lý này không ngừng được lặp đi lặp lại trong Thông Điệp Evangelium Vitae. Đây không phải là một “thuyết sức sống” để bảo toàn hay kéo dài sự sống bằng các biện pháp có thể trong mỗi trường hợp bệnh lý. Không một tôn giáo nào ở Phương Tây quy định điều này, kể cả Công Giáo. Nhưng thách đố trong một trường hợp cụ thể là xem xét những yếu tố cá nhân và bệnh án thực tế có thể làm cho một phương tiện trở nên “đặc biệt”, chứ không kéo toàn bộ vấn đề xuống chức năng nhận thức-tình cảm hay khả năng tương quan khi mà, theo định nghĩa, việc suy yếu về tâm thần đang xảy ra.

Việc đánh giá từng trường hợp là một thách đố đòi hỏi sự nỗ lực và có khi là rất khó khăn nhưng phải đối diện với thách đố ấy để những bệnh nhân mắc các chứng bệnh kinh niên, những người bị suy yếu về tâm thần không bị loại trừ, và để những người này không bị đối xử dựa trên những định nghĩa dễ thay đổi nhưng được đối xử trên thực tế bệnh lý của mình.

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 62)

Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Read 1177 times