Â
Gửi người bạn không cùng niềm tin
Bạn thân mến!
Bạn không phải là người Đạo Chúa. Thỉnh thoảng bạn hỏi tôi: Tại sao bạn là người Công Giáo? Tại sao bạn “phải” học triết học? Việc học của bạn có ích lợi gì chứ? Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn một chút về mối bận tâm của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, tốt hơn, chúng ta nên bắt đầu với những câu hỏi căn bản: Tôi là ai? Sống tốt là sống thế nào? Vì lịch sử triết học và kinh nghiệm nhân sinh thì quá rộng lớn, nên tôi chỉ bàn đến một số nhân vật tiêu biểu.
Bạn biết đấy, chúng ta đều có thân thể. Cũng có điều gì đó khác thân thể, mà chúng ta gọi là linh hồn. Thời Hy-lạp cổ đại có hai nhà tư tưởng vĩ đại: Plato và Aristotle. Là con người, tôi được thừa hưởng kho tàng khôn ngoan của các vị.
Plato cho rằng, linh hồn có ba phần: “lý trí” để nhận ra điều thiện, “ý muốn” để tạo sức mạnh, “ham muốn” có thể mất kiểm soát. Nếu cả ý muốn và ham muốn đều tuân phục lý trí, nếu lý trí nghe theo điều thiện, thì linh hồn sẽ bình an và con người là chính trực. Lúc ấy, người ta sẽ có đời sống lương thiện. Nếu ba thành phần (giới lãnh đạo, binh sĩ, người dân) trong xã hội sống hài hòa với nhau, thì sẽ có hòa bình, sẽ có đời sống lành mạnh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu linh hồn quên mất điều thiện, nếu ham muốn bất tuân lý trí, thì con người sẽ trở thành gian ác, chiến tranh sẽ xảy ra. Thế nên, giáo dục giúp linh hồn nhớ điều thiện, giúp linh hồn phân biệt thiện ác, giúp linh hồn sống theo điều thiện hảo.
Từ một góc nhìn khác, Aristotle nói, linh hồn có ba cấp độ: “có sự sống” là cấp độ dành cho cây cối, động vật và con người; “có cảm giác” là cấp độ dành cho động vật và con người; “có lý trí” là cấp độ chỉ dành cho con người. Thế nên, ông gọi con người là động vật có lý trí. Con người có rất nhiều tiềm năng. Những tiềm năng này có thể trở thành hiện thực. Khi con người hoàn thành chức năng của mình như là một người tốt, thì họ sẽ cho thấy đúng bản tính người của mình. Để biết bản tính người là gì, chúng ta hãy nhìn các tấm gương sáng trong lịch sử nhân loại, ví dụ Socrates. Hơn nữa, khi con người được sinh ra, nó được sinh ra trong một gia đình, một dòng họ, một thành bang. Điều ấy có nghĩa là con người là con vật có tính chính trị. Tôi không tự đủ cho chính mình, tôi cần ai khác, cần gia đình khác. Chỉ trong một thành bang, con người mới tự đủ cho nhau. Để làm được điều ấy, mọi người trong thành bang phải biết nhau, gặp gỡ nhau, có tình bạn với nhau. Tình bạn ấy không chỉ vì lợi ích, không chỉ vì sở thích, mà còn phải vô điều điều kiện, chỉ vì sự thiện mà thôi. Khi ấy, công ích sẽ được tôn trọng, và công ích của cộng đồng cũng chính là lợi ích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu linh hồn thiếu vắng điều thiện, nếu linh hồn ngừng chiêm ngưỡng sự thiện tối cao, nếu các tiềm năng bị thui chột, nếu chúng ta đánh mất sự tự chủ; thì chúng ta sẽ sống không theo bản tính nữa, chúng ta sẽ tồi tệ, công ích sẽ chẳng còn. Thế nên, giáo dục giúp con người phát triển tiềm năng theo bản tính người.
Là người Công Giáo, tôi được thừa hưởng nguồn sức sống từ Kinh Thánh. Thánh Augustine và thánh Aquinas là những người đã kết nối “túi khôn của nhân loại” với “Lẽ Trời từ Kinh Thánh”. Augustine nhận ra Sự Thiện tối cao mà Plato nói, chính là Thiên Chúa. Aquinas nhận thấy Động Cơ đệ nhất mà Aristotle nói, chính là Thiên Chúa.
Augustine nhận thấy, chẳng có linh hồn nào tốt lành cho bằng linh hồn của Thầy Giêsu, vì Thầy luôn nhận ra sự thiện và tuân theo, vì Thầy luôn tìm và thấy ý muốn của Thiên Chúa, vì “lương thực của Thầy là làm theo ý Cha”. Aquinas cho thấy, chẳng nơi ai cho bằng nơi Thầy Giêsu, “tiềm năng người” được hiện thực hóa cách hoàn hảo, hoàn hảo đến nỗi, Thầy Giêsu vừa là người vừa là Chúa, và là cầu nối con người với Thiên Chúa.
Augustine kinh nghiệm được, không chỉ lý trí con người tìm kiếm sự thiện, mà thực ra, Đấng Thiện đi tìm con người trước, soi sáng cho con người khi nó kiếm tìm, ban ân sủng cho con người đủ sức mạnh trên đường tìm kiếm. Aquinas khám phá ra sự tuyệt hảo của trí khôn và giới hạn của nó, giới hạn không phải là điểm dừng mà là một tiềm năng đang đợi chờ trí khôn Thiên Chúa đánh thức; thế nên, lý trí và mặc khải hòa quyện nên một.
Với Augustine, tình yêu trong Chúa là một tình yêu có trật tự và đầy khôn ngoan. Với Aquinas, sự hiểu biết trong Chúa là một sự hiểu biết vẹn toàn và đầy sức sống.
Augustine không chỉ nói về điều ác như Plato nói, Aquinas không chỉ nói về sự dữ như Aristotle nói, các ngài còn nói như Kinh Thánh nói, như Thầy Giêsu nói. Cái ác không chỉ do con người tự gây ra và “ráng mà chịu”, cái thiện không chỉ là một nguyên lý một sức mạnh. Đấng Thiện Hảo có liên hệ thân thiết với con người, Thầy Giêsu làm bạn, làm anh em với con người để cứu con người khỏi sự ác, để tha thứ lỗi lầm, để chữa lành vết thương, để thương mến con người.
Bạn có thể cho rằng, nói như thế có quá lý tưởng, quá lý thuyết và quá lạc quan. Tôi cho rằng, chẳng “quá” chút nào. Cuộc sống bộn bề tranh chấp hằng ngày làm cho con người khó lòng khám phá ra sự cao quý của chính mình. Tôi muốn trở thành bạn vì tôi thấy bạn hơn tôi! Tôi muốn sống kiếp khác vì tôi từ chối kiếp này! Không, dù kém cỏi thế nào, tôi vẫn có giá trị vô song; dù đen tối thế nào, cuộc đời tôi vẫn là một đời đáng sống. Trí khôn của con người và niềm tin vào Thầy Giêsu mang lại cho tôi sức sống ấy.
Tôi rất mong thư từ bạn gửi cho tôi. Mong bạn chia sẻ với tôi về suy nghĩ, kinh nghiệm và niềm tin của bạn, để tình bạn của chúng ta thêm thâm sâu và đậm đà.
Sài Gòn, ngày…tháng…năm…
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Published inGiúp nhau sống đạo
Tagged under