Ở thời niên thiếu, chúng tôi đã được xem một cuốn phim tình cảm đen trắng do Ý sản xuất trong một rạp chiếu bóng ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Cuốn phim mang tên “Ngày Mai Đã Muộn Rồi,” (Demain Il sera trop tard!) liên quan đến việc giáo dục giới tính phù hợp cho giới trẻ. Cuốn phim nêu ra chuyện nếu hôm nay không được chỉnh sửa hay là được làm đúng, ngày mai đã quá trễ, muộn màng.
Tuổi ấy, chúng tôi không hiểu nhiều về tình tiết của câu chuyện, và luận đề cuốn phim đưa ra, nhưng sau này, rất thích lập lại tên của cuốn phim trong nhiều tình huống của cuộc sống. Phải chăng, đừng để đến ngày mai mà muộn màng, những gì làm được hôm nay thì hãy làm.
Bây giờ bước vào tuổi già, bạn đã có bao điều hối hận: phải chi ngày trước mình biết cách yêu thương, định hướng cho bản thân và nỗ lực hơn, biết trân quý bạn đời hơn, biết giáo dục con cái hơn… Trước khi biết mình qua đời, người sắp chết cũng có bao nhiêu điều phải hối tiếc.
Bước qua một năm mới, chúng ta cũng có những điều tự hỏi vì sao đã bỏ phí trong năm qua.
Và rồi qua một ngày, có bao giờ bạn thấy hối hận đã không làm việc ấy ngay hôm nay không?
Thời gian cứ trôi đi và chẳng bao giờ dừng lại để chờ đợi ai, cũng chẳng chờ cho chúng ta làm xong việc này hay kết thúc một việc khác. Một ngày qua đi và một ngày không trở lại, và công việc ấy chúng ta không làm hôm nay, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội thực hiện nữa.
Không phải là cứ một đời người, hay một năm, mà một ngày cũng đã là quá muộn!
Bạn tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa qua một cuộc giải phẫu khá quan trọng. Tôi có dự định đi thăm người bạn ấy hôm nay, nhưng quen thói lần lữa, giải đãi, lòng hẹn lòng đợi một này nào đó, thật rỗi rảnh sẽ đi thăm bạn. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến, vì chỉ vài ngày sau đó, bạn tôi đã từ giã cuộc đời này, mà tôi thì vẫn chưa thực hiện được cuộc viếng thăm đơn giản ấy, nên lòng ân hận mãi.
Thân bằng quyến thuộc của chúng ta không thiếu gì những người già, đang nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, cần một lần thăm viếng, một cái cầm tay hay một lời nói thân tình. Những người này không còn thời gian để đợi chúng ta, mà chúng ta thì cứ mãi “lòng hẹn lòng!”
Có bao nhiêu bậc cha mẹ già, trên ngưỡng cửa ngôi nhà xưa, ngóng chờ những đứa con trở về một lần thăm viếng. Nhưng rồi thì vì thời gian bận rộn vì công việc làm ăn, cuối tuần còn đưa con đi chơi thể thao, học đàn, học võ; kẹt một chuyến du lịch xa, hay bận rộn vì con chó con mèo, con cá lia thia trong chậu, sợ bỏ đói, không ai chăm sóc.
Thật lòng không biết có ai hối hận không, nhưng đừng để bao giờ phải hối hận.
Giá mà ta làm việc ấy hôm nay, hay tự đặt cho mình một mệnh lệnh: “Hãy làm việc ấy hôm nay!” Ngày không thể không đi và đêm không đến vì việc ấy ta làm chưa xong!
Suốt đời, chúng ta đã bỏ bao nhiêu cơ hội, để làm một việc hay để nói một lời.
Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc nhở “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người… (*) mà ngày xưa, tình duyên đôi lứa đã một lần muộn màng, vì người con trai đã bỏ đi cơ hội nghìn vàng, để ngậm ngùi suốt đời.
Có người hối hận để mất một cuộc tình, nhưng cũng có người đánh lỡ mất cả cuộc đời, để rồi than thở:
Richard Templar là một tác giả người Anh, người đã viết nhiều cuốn sách về con đường thành công trong cuộc sống. Ông chia sẻ “con đường dẫn đến thành công” của mình trong một loạt sách, trong đó 100 quy tắc đơn giản được trình bày để đạt được thành công, trong kinh doanh, tiền bạc hoặc cuộc sống nói chung. Và “quy tắc của cuộc sống” của Richard Templar là “đừng để qua ngày mai!”
Người ta thường hẹn trong ngày mai sẽ làm công việc dự định hôm nay, nhưng đối với nhà thơ Norma Cornett Marek lại khác: “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến!” đó cũng là tựa đề bài thơ của bà. “Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay? Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình!”
Không ai biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng, một lời nói giã biệt, vì không một ai, trong chúng ta, trẻ hay già, đoan chắc rằng, họ sẽ sống qua hôm nay, để ngày mai thấy mặt trời lên! Trên trái đất này, đêm nay có những người cũng lên giường như chúng ta, nhưng ngày mai, họ không còn thức trở dậy!
Đó chính là ân huệ của cuộc đời chứ không phải là một chuyện đương nhiên: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!
Xin đừng để quá trễ, hãy nói với ai đó một lời yêu thương hôm nay. Hãy nói một lời xin lỗi. Hãy nói một lời cám ơn. Nếu ai cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc sống để hành động, để yêu thương, để dịu dàng với nhau…thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu!
Xin hãy làm điều đó hôm nay. Ngày mai đã muộn rồi!
Huy Phương
(*) Trần Duy Đức- Ngô Tịnh Yên