Văn hoá giao tiếp: Bài 4 – Văn hóa giới thiệu
Posted by Ban Biên Tập
Các nghi thức trong phép xã giao khá đơn giản, nhưng không phải ai cũng hiểu biết và nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nếu biết áp dụng các quy tắc giới thiệu thì bạn sẽ chiếm được cảm tình của mọi người, và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đối diện.
VĂN HOÁ GIAO TIẾP
BÀI 4: VĂN HÓA GIỚI THIỆU
THẦY GIUSE NGUYỄN VĂN QUÝNH
GIỚI THIỆU VÀ TỰ GIỚI THIỆU
Trước hết là giới thiệu.
GIỚI THIỆU
Giới thiệu là làm cho hai hay nhiều người xa lạ biết danh tánh, chức vụ hay nghề nghiệp của nhau, để thuận tiện cho việc xưng hô và trò chuyện.
1.Giới thiệu ai trước?
Khi cần giới thiệu, bạn nên giới thiệu người ở vị trí thấp hơn với người ở vị trí cao hơn, nghĩa là bạn sẽ nhắc tên hay chức vụ của người ở vị trí cao trước. Chúng ta có các trường hợp sau đây:
+ Giới thiệu cấp dưới với cấp trên. Thí dụ: “Thưa giám đốc, em xin giới thiệu đây là anh Tính, quản đốc mới của em”.
+ Giới thiệu người trẻ với người già. Thí dụ: “Thưa ba mẹ, đây là thầy Hùng, giáo viên chủ nhiệm của con”.
+ Giới thiệu người nam với người nữ. Thí dụ: “Chị Hoàng, đây là anh Dũng, kỹ sư cơ khí của công ty Rạng Đông”.
+ Giới thiệu người đến sau với người đến trước. Thí dụ: “Chị Ánh, đây là anh Toàn, kế toán trưởng công ty em”.
Lưu ý:
+ Không giới thiệu trẻ em với bất cứ ai.
+ Không giới thiệu những người chỉ gặp nhau ngắn ngủi.
2.Phải làm gì khi giới thiệu?
+ Khi giới thiệu, tay mặt đưa về phía người dưới và nói với người trên. Thí dụ: “Thưa ba má, đây là chị Hoan, học cùng lớp với con”.
+ Giới thiệu người nọ với người kia. Thí dụ giới thiệu ông Bình cho ông An, tay mặt chúng ta đưa ra phía ông Bình và nói: “Xin giới thiệu ông Bình, chánh trương giáo xứ Lộc Hoà”. Rồi đưa tay về phía ông An và nói: “Ông An, ca trưởng ca đoàn Thánh Tâm”.
3.Phải làm gì khi được giới thiệu?
+ Hai người được giới thiệu cúi đầu chào nhau, hoặc có thể bắt tay nhau và nói: “Hân hạnh được biết ông”.
+ Nếu là người trên và người dưới, thì khi người trên đưa tay ra, người dưới mới được bắt.
+ Nếu hai người đã quen nhau thì không cần giới thiệu. Chúng ta chỉ nói: “Chắc hai anh chị đã quen nhau”.
+ Nếu một người định giới thiệu ta với một người bạn đã quen biết, ta nên đỡ lời: “Thưa anh, chúng tôi đã biết nhau rồi”.
4.Giới thiệu tên hay chức vụ trước?
+ Chúng ta giới thiệu tên người đó trước và chức vụ của họ sau. Thí dụ: “Tôi rất hân hạnh được giới thiệu Bà Lê Thị Hồng Gấm, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh”.
+ Tuy nhiên, trong một buổi lễ, đối với một vị khách đặc biệt, chỉ cần giới thiệu chức vụ của họ mà thôi. Thí dụ: “Xin giới thiệu: cha chánh xứ Lái Thiêu”.
5.Thứ đến là tự giới thiệu.
TỰ GIỚI THIỆU
1.Cách thế tự giới thiệu
Khi tự giới thiệu, ta chỉ nêu tên và công việc của mình. Thí dụ: “Xin chào, tôi tên là Xuân Hồng. Tôi đang làm việc trong Ban Truyền Thông của GP Phú Cường”.
2.Tâm tình khi giới thiệu
Mục đích tự giới thiệu là để mọi người dễ xưng hô và trò chuyện với nhau. Vì thế, ta không nên khoe khoang công việc của mình, chỉ cần nêu một chức vụ tiêu biểu. Bởi lẽ, “Giản dị là linh hồn của lịch sự”.
3.Thái độ khi giới thiệu
Khi tự giới thiệu, ta nên tỏ ra lịch sự, nhã nhặn và khiêm nhường. Nhất là, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện, mắt hướng về những người đối diện.
Các bạn thân mến,
Trên đây là “Văn hoá giới thiệu”, các bạn nên mạnh dạn thực hành khi có dịp, để sớm trở thành con người lịch lãm, nhất là được mọi người kính trọng và quý mến.
Chúc các bạn thành công. Mến chào tạm biệt các bạn.