Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 07 Tháng 4 2016 15:02

Sự thánh thiện nằm trong cách tiêu dùng của chúng ta !

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sự thánh thiện nằm trong cách tiêu dùng của chúng ta !


Việt Nam là nước đang phát triển và vẫn còn nằm trong danh sách các quốc gia nhận nguồn vốn hổ trợ chính thức ODA và nguồn vốn này đã trở thành một phần không thể thiếu được trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Nghĩa là đất nước chúng ta vẫn còn nghèo và rất cần sự trợ giúp của các nước khác trong quá trình xây dựng và phát triển. Thế nhưng, qua bài viết “ Thú chơi vàng “ đế vương” của người Việt ” đăng trên Tin Mới Online, tác giả Bảo An đã cho chúng ta thấy lối tiêu dùng hoang phí của một bộ phận khá lớn các doanh nhân thành đạt, các đại gia tại Việt Nam hiện nay quả là điều khiến chúng không thể không suy nghĩ. Tác giả cho biết: “ Ngoài việc thể hiện đẳng cấp với biệt thự, siêu xe, giờ đây đại gia Việt còn chơi "ngông" khi dùng vàng với những mục đích không tưởng. Từ ở nhà dát vàng, làm đẹp bằng vàng… đến cả thú chơi ăn vàng, uống vàng.” *

Tâm lý chơi sang là một trong những biến tướng khác nhau của một căn bệnh đó là bệnh chuộng hư danh, bệnh sĩ đang rất phổ biến trong đại bộ phận người dân trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay. Nhưng chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng mình không có lỗi trong việc tiêu dùng những đồng tiền của mình để mua sắm hay hưởng thụ bất cứ điều gì mình thích. Thực ra, việc tiêu xài của mỗi cá nhân đều gây ảnh hưởng đến cán cân tiêu dùng chung của toàn xã hội. Nếu có một bộ phận những người tiêu xài một cách hoang phí tất nhiên cũng sẽ từng đó những người khác phải chịu sống trong cảnh nghèo đói, túng thiếu. Vì thế, tiêu dùng cũng đòi hỏi phải có văn hoá, đạo đức. Tiêu dùng hoang phí trên sự nghèo khổ của đồng loại đó cũng là một tội ác. Đó là lý do vì sao ông phú hộ giàu sang đã phải sa hỏa ngục. Ông không vào hỏa ngục vì ông giàu có, nhưng ông vào hỏa ngục vì đã ăn uống tiệc tùng thừa mứa mà không hề quan tâm đến có người nghèo đói Lazarô đang ở ngay khi trước cửa nhà mình. Trong chương trình “ Bạn hữu đường xa” phát trên sóng FM Khánh Hòa, một người tài xế đã tâm sự: “ Mỗi khi ông chủ xe đi nhậu, tôi phải ngồi đợi suốt đêm trong xe. Dĩ nhiên là tôi rất mệt và rất mong muốn được về với gia đình, nếu ông chủ có thể tự đón xe về hay cho phép tôi về nghỉ rồi chỉ gọi tôi khi cần về thì đỡ biết mấy. Nhưng mà người ta có tiền mướn mình thì họ có quyền sử dụng mình theo ý của họ thôi”. Thế đấy, đồng tiền không hoàn toàn im lặng như chúng ta tưởng, nó có thể nói lên văn hóa, đạo đức của chính người đang sử dụng nó.

Thực ra, chính tiêu chuẩn đánh giá của xã hội cũng góp phần tạo nên căn bệnh chuộng hư danh. Vì thế, một suy nghĩ khá phổ biến trong não trạng con người thời nay đó là việc sở hữu những của cải đắt tiền cũng là một cách giúp làm thay đổi giá trị con người. Họ sẵn sàng mở hầu bao chi một số tiền rất lớn cho một sản phẩm tiêu dùng cao cấp chỉ để làm tăng giá trị bản thân trong cái nhìn người khác. Trong một xã hội mà người ta quý trọng nhau bởi cái hình thức bên ngoài, “ thấy người sang bắt quàng làm họ” , ưa thích sự giả dối, người dân không được giáo dục để biết tôn trọng giá trị thật và hướng tới những giá trị thật thì làm sao con người trong xã hội đó có khả năng miễn nhiễm với bệnh sĩ, bệnh hư danh ?


Rõ ràng những đầu tư đó không hề đem lại giá trị thực sự, vì giá trị con người nằm ở thái độ sống và cách cư xử của chúng ta với mọi người. Người giàu có thực sự không phải là người sở hữu được nhiều phương tiện sống xa hoa cho bản thân nhưng chính là người sở hữu nhiều tình thương của mình dành cho đồng loại. Mẹ Têrêsa đã chiếm một vị trí rất đẹp trong trái tim của mọi người nhưng không phải vì Mẹ đã xuất hiện trên một du thuyền lộng lẫy, một chiếc máy bay hiện đại hay một xe hơi đời mới nhưng trong đời sống, vị trí xuất hiện của Mẹ luôn là những khu ổ chuột, những người nghèo khó, bệnh hoạn, những kẻ sắp chết nằm bên vệ đường...Mẹ đã không dùng điện thoại sang trọng nhưng mỗi lời Mẹ nói ra đã trở thành những thông điệp giá trị mà con người ngày nay vẫn trân trọng khắc ghi, vì mỗi lời Mẹ thốt ra đều hướng đến những thân phận cùng khổ, là những kêu gọi, những sẻ chia kịp thời cho nhân loại vơi bớt khổ đau…

Khi được Chúa đã quan phòng ban cho chúng ta một cuộc sống sung túc đầy đủ, chúng ta hãy sử dụng những phương tiện sống của mình một cách đơn sơ, khiếm tốn và nhất là phải biết nói không với hấp lực của chủ nghĩa tiêu thụ. Bởi lẽ, xung quanh nơi chúng ta sống vẫn còn rất nhiều những cảnh đời nghèo khổ, những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vẫn không được cơm no aó ấm. Và cuộc sống chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi chúng ta biết chia sẻ, biết cho đi chứ không phải là sở hữu, biết hưởng thụ được nhiều vật chất của cải của đời này.

Xin mượn bài thơ trong bài “ Xóm mù” của tác giả Nguyễn Trung Tây như một nhắc nhở cho thái độ sống của chúng ta như sau:

Nếu biết rằng, dù có là phú quý cao sang,
cửa nhà gác tiá lộng lẫy huy hoàng,
vàng chôn trong nhà, phần chìm phần nổi,
nhưng đời nhân gian rồi cũng sẽ chìm vào dĩ vãng,
tôi sẽ sống khác, khác rõ ràng,
tương tự cõi âm phủ và chốn dương gian.

Nếu biết rằng không phải chỉ có riêng tôi sống trên mặt đất,
nhưng còn bao nhiêu triệu triệu người khác,
giống y như tôi, họ cũng biết đói khát,
biết đau khi bị gáo nước lạnh tạt vào mặt,
thì tôi sẽ sống khác,
sống tử tế hơn.
Và tôi sẽ không bao giờ sống
lạnh tanh như một xác chết đã chôn,
tối thui cặp mắt mù lòa,
không nhận ra
nhân diện của Bụt, của Phật, và của Chúa,
trên khuôn mặt của nhân gian,
và của những người anh chị em đói khổ bần hàn
sống chung quanh.

Những cuộc đời như thế, nhạt! tanh!
Buồn ơi là buồn cho những mảnh vụn đời có máu lạnh!

*http://www.tinmoi.vn/thu-choi-vang-de-vuong-cua-nguoi-viet-011350408.html

Điền Phương Thảo

Read 975 times Last modified on Thứ bảy, 09 Tháng 4 2016 19:18