Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 21 Tháng 7 2013 16:13

Đức Giám Mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đức Giám Mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức

 

Ngày sinh:
24/06/1891
Thụ phong LM:
02/04/1927
Thụ phong GM:
16/09/1951
Ngày mất:
01/07/1971

Khẩu hiệu:
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHÚA

 

Sơ lược tiểu sử:

1) Thiếu thời và học vấn

Đức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức sinh ngày 24/6/1891. Thân sinh ngài là cụ Trần Hùng, nguyên quán xứ Thọ Ninh, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đã lên nhập cư tại xứ Thổ Hoàng, huyện Hương Khê tự 3 đời. Cụ là ngoại sinh của Cha Nguyễn Hoàng, một vị giáo sĩ thời danh trong lịch sử nước nhà cận đại.

Cụ Trần Hùng đã theo giúp Cha Nguyễn Hoàng, hồi đó đang làm Lễ Bộ Tả Tham Tri ở Huế, dưới triều Đồng Khánh. Ở đó cụ đã kết duyên với bà Thị Nhiều, người Quảng Nam và đã sinh hạ được 4 người con. Một người con trai chết khi còn bé, Đức Cha là con thứ ba, hồi đó còn gọi là Gioan Baotixita Long. Sau khi Cha Nguyễn Hoàng đã về quê hưu trí, thì gia đình ngài cũng về Hà Tĩnh, ở tại họ Thổ Hoàng ít lâu, rồi sang ở Thổ Vương. Năm ngài lên 10 tuổi, cụ thân sinh mất, thọ 53 tuổi.

Được hấp thụ một nền giáo dục chắc chắn trong gia đình, năm 12 tuổi, ngài dâng mình cho Chúa, làm nghĩa tử Cha già Liên, một vị linh mục thông minh và đạo đức. Cũng thời kỳ ấy, người chị đầu ngài (Chị Tịnh) mất. Sau khi học tập với cha già ít lâu, năm 1908, ngài vào học tại Chủng viện Xã Đoài và đổi tên là Gioan Baotixita Đức.

Ngài có óc thông minh, sâu sắc và chăm chỉ, nên suốt sáu năm ở Chủng viện, niên khoá nào ngài cũng chiếm giải nhất. Mãn trường năm 1914, ngài được bề trên phái đi giúp cố Nhàn, dạy bổn đạo tân tòng tại họ Thanh Bích, xứ Đông Tháp 3 năm (1914-1917), rồi được gọi về làm giáo sư Đại Chủng viện. Năm 1920, bề trên chọn ngài với thầy Nhiên cử đi học trường Penang bảy năm, cũng dịp ấy mẹ ngài (thọ 60 tuổi) và người em gái (chị Vân) qua đời.

Thầy Gioan Baotixita học ở trường Penang 7 năm, có tiếng là một học sinh giỏi, ngày 15/8/1925, ngài chính thức nhập hàng giáo sĩ và trong vòng một năm ấy (ngày 1.10) chịu bốn chức nhỏ trong hàng giáo sĩ. Năm sau cũng ngày 15/8, ngài lãnh phụ phó tế, rồi tiếp đó, ngày 8/9 lãnh phó tế. Đến đây thời hạn du học đã hết, ngài trở về nước nhà. Ngày 2.4.1927, ngài thụ phong linh mục do Đức cha Andrê Bắc tại Nhà thờ Chính toà Xã Đoài, rồi đặt ngài làm giáo sư Tiểu Chủng viện như trước. Suốt trong 12 năm ngài chuyên môn dạy Latinh, Pháp văn và Lịch sử Giáo Hội. Tính ngài hiền lành, trung thực luôn để ý đến sự khai trí tiến đức cho học sinh, nên ai cũng mến phục. Năm 1939, ngài được bằng nhậm xứ Kẻ Gai. Trong 3 năm ở đó, ngài lo tu bổ thánh đường và đang chuẩn bị vật liệu sửa sang nhà xứ, thì năm 1942, ngài được lệnh Bề trên sai đi quản xứ Vạn Lộc. Ở đây ngoài việc coi xứ, ngài đặc biệt chú ý đến củng cố Phước viện sở tại. Ở đâu ngài cũng được giáo dân mến phục vì đức tính hiền lành và yêu thương ngài.

DGM.GB. TranHuuDuc

2) Phụ tá Tổng quản Đại giám

Giữa lúc ấy thì cuộc cách mạng tháng Tám bùng nổ đem lại một biến chuyển lớn lao trong chính trị nước nhà và một ảnh hưởng sâu xa đến tình hình Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng. Nhận thấy thời thế khó khăn cho công việc quản trị Giáo phận nầy, Đức cha Bắc giao cho Cha Chính Châu, hồi đó còn làm hạt trưởng Xã Đoài triệu tập Hội đồng linh mục toàn Giáo phận ngày 27/7/1945. Ngài cử Cha Gioan Baotixita Đức làm Tổng quản Đại giám giúp Ngài trong công việc nội trị và ngoại giao. Sau 34 năm tận tuỵ với Giáo phận, Đức Cha Bắc vì tuổi già sức yếu lâm bệnh rồi tạ thế ngày 30/71946. Trong 5 năm trời đảm đang nhiệm vụ Tổng quản, giữa thời thế rất khó khăn này, Cha Gioan Baotixita đã phải đau khổ trăm phần, trải bao phen gian nguy, nhiều lần túng cực, thế mà ngài cứ thản nhiên bình tĩnh, cậy trông ơn trên, lấy đức khôn ngoan mà giải quyết mọi việc cách xuôi thuận. Ngài đã vận động cho công cuộc tổ chức thành lập Liên đoàn Giáo phận nhà ngày 3/6/1946 và đã nhận chức Tối cao Cố vấn. Trước đây Liên đoàn Công giáo sở dĩ được tổ chức hoàn bị, có nền tảng chắc chắn và phát triển mạnh mẽ, một phần lớn là nhờ tài lãnh đạo khôn khéo của Ngài. Ngài đã cho xuất bản tờ báo Tiến Hành, rồi tiếp đó tạp chí Xây Dựng, ngài đã liệu hết cách để mở lại trường Tiểu Chủng viện từ lâu vì thời thế bị đóng cửa học sinh về ngày 1.5.1946 và ngày 29.5.1948, đoàn chủng sinh sau 28 tháng trời lưu lạc đã được ngài kêu gọi trở lại tiếp tục học hành. Ngài đã nhiệt liệt ủng hộ chính quyền trong công cuộc kháng chiến xây dựng nước nhà.

Đối với Hội đoàn ngoài công giáo, ngài đã xử trí một cách sáng suốt và nhã nhặn làm cho kẻ mới tiếp kiến ngài lần đầu tiên đã phải mến phục. Tóm lại về phương diện nội trị cũng như ngoại giao, ngài đã tỏ ra kiên toàn mọi tư cách một nhà lãnh đạo của Giáo Hội.

3) Giám quản Tông toà

Giữa lúc Toà Giám mục Giám phận Vinh đang trống ngôi như thế trong 5 năm, giữa lúc toàn thể giáo sĩ và giáo dân đang khắc khoải nhìn về Toà Thánh chờ đợi một giải pháp, thì ngày 19/7/1950, Thánh Bộ Truyền giáo ở Rôma, sau khi đã nhận định tình hình và biết rõ tài đức với sự nghiệp của Cha Gioan Baotixita, đã đặt ngài lên chức Giám quản Tông toà ban cho ngài toàn quyền quản trị Địa phận. Tin vui ấy đến với Địa phận ngày 4.11.1950 và đã đem lại một nỗi vui mừng khôn tả, một sự cởi mở khoan khoái cho tâm hồn 18 vạn dân 3 tỉnh. Cha Gioan Baotixita, vì lợi ích Giáo phận, vâng lời đảm nhận lấy trách nhiệm nặng nề ấy. Công việc đầu tiên của ngài là lo giải quyết những vấn đề lâu nay chưa ổn định được. Ngày 21/2/1951, trường thần học, sau hơn 4 năm bị đóng cửa, đã mở đón các sinh viên trở về. Kết quả, cuối tháng 3 năm đó đã có 7 vị linh mục tân khoa chịu chức ở Thanh Hoá, ngài xếp đặt lên vị trí trong hàng giáo phẩm, cải tổ các Phước viện… và công bố bản “Đường lối hiện thời của người Công giáo”.

4) Thăng quyền Giám mục

Trong khi ấy Toà Thánh nhận xét Giáo hội Giáo phận Vinh đã trưởng thành, giáo sĩ Việt Nam đã đầy đủ khả năng: Một Nghị định mới của Thánh Bộ Truyền giáo được công bố. Ngày 19/8/1951, Cha Gioan Baotixita tiếp thư Toà Khâm Mạng Huế tin cho biết: Toà Thánh quyết định giao Giáo phận Vinh cho Hàng Giáo phẩm bản quốc, đồng thời đặc cử ngài làm Giám mục với hiệu toà Nicietane, quản trị Giáo phận Vinh thay mặt Toà Thánh. Ai nói hết nỗi vui mừng và hiên ngang của toàn thể Giáo phận Vinh khi nghe tin ấy. Riêng Cha Gioan Baotixita, ngài hồi hộp lo sợ, quyết định xin từ chối, nhưng vì các cha yêu cầu mãi và sợ thiệt hại cho Giáo phận, ngài phải vâng lời Toà Thánh nghiêng vai lãnh lấy trách nhiệm cao trọng, nhưng rất nặng nề ấy. Ngài là vị Giám mục Việt Nam tiên khởi Giáo phận Vinh.

Cuộc đời giám mục của Đức cha Trần Hữu Đức đã khai mạc bằng một ngày khánh nhật của Giáo phận. Nhờ Liên đoàn Công giáo, Khánh nhật của Giáo phận đã được tổ chức rất long trọng. Nhưng riêng cha Trần Hữu Đức, ngài đã biết rõ cái ý nghĩa thâm sâu của ngày lịch sử ấy. Đối với ngài ngày ấy, chỉ là một cuộc “khải hoàn vào thành thánh” tiên báo những ngày đau thương của tuần lễ tử nạn.

1954, hiệp định Genève được ký kết, phong trào di cư nổi lên cuồn cuộn như thác lũ từ Bắc vào Thanh Hoá và vào Nghệ-Tĩnh-Bình. Một số giáo dân Quỳnh Lưu đi trước kéo theo một số ở Phủ Diễn, Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò, Xã Đoài, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Đức cha Trần Hữu Đức như ngơ ngác, như mất tinh thần, thấy cả một đoàn con cái trên 50.000 người trong ba tỉnh bỏ Giáo phận ra đi vào miền đất vô định. Chưa hết, nhiều linh mục, nhiều chủng sinh và cả linh mục Trần Thanh Ngoạn, Giám đốc Đại Chủng viện Xã Đoài, cũng ra đi di cư luôn nốt.

Lòng Người tê tái sầu muộn, nhưng biết sao được, vì nhân tình thế sự đổi thay, vì chương trình an bài của Thiên Chúa Quan Phòng, Người đành giơ tay chấp nhận để rồi không phải chỉ bằng đó mà còn nhiều điều khác phải chấp nhận nữa. Đó là cuộc chiến từ năm 1966 đến năm 1972 do Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Bao nhiêu máy bay Mỹ đã oanh tạc miền Bắc, cào nát cả Giáo phận. Nhà thờ Chính toà, các cơ sở của Giáo phận, Đại Chủng viện, Tiểu Chủng viện, Trường tập, Bệnh viện sụp đổ hoàn toàn… Nhiều hòm Hài Cốt của các Thánh Tử Đạo tan tành.

Nhiều giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ, linh mục và cả Đức cha phó Nguyễn Đình Nhiên cũng đã từ trần hôm ngày 24.3.1969. Thêm vào đó biêt bao nhiêu nỗi cơ cực trong tâm hồn, ngoài thể xác đã làm cho ngài già hẳn đi đến độ kiệt quệ và từ trần hồi 3 giờ sáng ngày 5.1.1971, nghĩa là ngài làm Giám mục 20 năm cộng với 5 năm Tổng quản. Như vậy là 25 năm tất cả, ngài đã dâng hiến để phục vụ Nước Chúa trong phần Hội Thánh của vùng Nghệ Tĩnh Bình.

Nguồn: giaophanvinh.net

Read 5000 times Last modified on Thứ sáu, 18 Tháng 9 2015 16:38