Điều chúng ta tin, Phần 6: Giáo hội duy nhất và thánh thiện
Posted by Ban Biên TậpJoshua J. Whitfield
Tình yêu và vinh quang mà Đức Giêsu đề cập và cầu nguyện thể hiện ra sao nơi các môn đệ, nơi Giáo hội giữa lòng thế giới? Một lần nữa, DNA của Giáo hội được tìm thấy chính trong chương 17 Tin mừng Gioan.
“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, còn Con về cùng Cha” (Ga 17,11). Nhưng Đức Giêsu lại đang ở trong thế gian, tại Giêrusalem. Thế mà Ngài lại nói ra lời này và những lời về vinh quang trước đó, cứ như thể Ngài đang không hiện diện trong thế gian. Chắc chắn điều này không nhắm đến vấn đề học thuật, bởi khi các Kitô hữu hành động như thành viên nước trời, thì theo một nghĩa nào đó, họ không còn ở trong thế gian. Phaolô đã tuyên bố rằng sự sống của chúng ta hiện đang “tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Nghĩa là, khi sống đời sống và các nhân đức của một Kitô hữu, như khi bạn tha thứ dù chẳng có lý gì để tha thứ, yêu thương dù chẳng có lý gì để yêu thương – thì có thể hiểu rằng bạn không còn thuộc về thế gian nữa. Theo một nghĩa nào đó, bạn đang ở thiên đàng. Hay nói đúng hơn, thiên đàng tỏ hiện ở trần gian thông qua hành vi yêu thương của bạn. Đó không phải thoát ly thực tế; đó là một sự biến đổi. Như Chúa đã nói với Gabrielle Bossis, một nhà thần bí đức hạnh: “Chúng ta hãy khởi tạo thiên đường” (Ngài và tôi, 17/10/1940). Đức Giêsu được tôn vinh nơi các môn đệ (Ga 17,10). Thế giới này không còn thuần túy là thế giới nữa. Thế giới được biến đổi nên giống thiên đàng.
“Lạy Cha rất thánh, xin giữ họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho Con, để họ cũng nên một như Chúng ta” (Ga 17,11). Ở đây chúng ta bắt đầu đi vào trung tâm điểm của vấn đề. Đức Giêsu sẽ không còn hiện diện cách thể lý với các môn đệ, nên Ngài xin Chúa Cha che chở họ, gìn giữ họ trong danh của Người, để họ trung thành theo con đường của Đức Giêsu. Nhưng rồi Đức Giêsu nói: “để họ cũng nên một như Chúng ta”. Hãy nhớ Đức Giêsu từng nói: “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10,30). Chúa Cha và Chúa Con là một cách mật thiết và độc nhất – “đồng bản thể” như Tín biểu Nicêa diễn tả - là một tự yếu tính. Đức Giêsu nói về việc các môn đệ nên một như “như Chúng ta”. Điều đó có nghĩa gì?
Từ “một” mà Gioan sử dụng trong tiếng Hy Lạp là hēn, biểu thị sự duy nhất về mặt số lượng. Nó không có nghĩa là “hiệp nhất” hay “đồng lòng” nhưng là “một”. Điều này thật ý nghĩa. Bạn thấy đấy, chúng ta được kêu gọi đâu phải để lúc nào cũng tán đồng với nhau hay thậm chí nhất định phải yêu thích nhau. Sự duy nhất mà Đức Giêsu cầu nguyện còn vượt xa hơn sự hiệp nhất. Đó là sự duy nhất thực sự, theo số lượng, thuộc yếu tính, có thể nhìn ngắm và đụng chạm. Chúa Cha và Chúa Con chia sẻ sự hiệp nhất về bản tính và tình yêu. Sự duy nhất mà Đức Giêsu khao khát nơi các môn đệ cũng giống vậy, một sự hiệp nhất về bản tính và tình yêu. Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Theo đó, Giáo hội và con người có thể được bảo toàn nếu họ còn là một” [Chú giải Tin mừng Gioan, Chương 17, Bài 3, 2213]. Ở đây không đơn thuần là sự hiệp nhất về tình cảm hay kể cả luân lý, dù điều đó cũng quan trọng. Đức Giêsu cầu nguyện để các môn đệ “nên một như Chúng ta là một” – hēn. Sự duy nhất mà Đức Giêsu cầu nguyện là một điều gì đó có tính gắn kết mật thiết hơn những cách lý giải thông thường về sự hiệp nhất. Xét cho cùng, nó thuộc về bí tích, về Giáo hội – duy nhất, thánh thiện, tông truyền.
Với cá nhân tôi mà nói, chính điều này – hēn – đã khiến tôi bắt đầu hoán cải. Một khi nhận thức rằng Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ nên một, tôi không thể nào tin vào những tuyên bố kiểu như sự chia rẽ Kitô giáo dẫu sao cũng có thể chấp nhận hoặc có giá trị. Đó là điều không thể chấp nhận, và bất kỳ suy nghĩ nào cho rằng điều đó chính đáng thì đều sai lạc với những lời nói của chính Đức Giêsu, với lời cầu nguyện, với từ vựng của chính Ngài. Các môn đệ theo Đức Kitô phải nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một, biết được sự nên một ấy là gì không tất yếu khiến tôi lập tức theo Công giáo Rôma. Tuy nhiên, nó phá tan việc tán thành đầy tự mãn của tôi về sự chia rẽ Kitô giáo, như thể sự chia rẽ và chủ nghĩa bè phái đơn thuần là một phần nằm trong trật tự vạn vật, là điều không cần phải chất vấn. Nhận thức rằng, hiểu biết và kinh nghiệm của mình về một Kitô giáo bị chia rẽ không hề tương hợp với điều mà Đức Giêsu đã thực sự cầu nguyện, đã bắt đầu khiến tôi hoán cải. Và xa hơn nữa, tôi còn phải chấp nhận rằng, nếu Đức Giêsu đã thực sự cầu nguyện như vậy – cầu nguyện cho các môn đệ “nên một như Chúng ta là một” – thì hoàn toàn hữu lý việc Ngài ban cho chúng ta ân sủng và năng lực để sống trong và để đạt tới sự nên một ấy, nếu chúng ta biết buông bỏ những thành kiến chấp nhất của mình, biết chất vấn về những gì chúng ta được trao ban.
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho Con, Con đã canh giữ họ và không một ai trong họ bị hư mất trừ đứa con hư hỏng, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm” (Ga 17,12). Dĩ nhiên, đây là một ám chỉ bí ẩn và kinh hoàng về Giuđa Iscariot. Thánh Tôma Aquinô im lặng về vấn đề này. Thánh Augustinô đặt ra một quy chiếu mơ hồ đến Thánh vịnh 109,8. Còn riêng với cá nhân tôi, tôi chỉ đơn thuần đọc câu này trong sự tương phản đáng buồn với sự nên một mà Đức Giêsu cầu nguyện. Rõ ràng, cái giá phải trả rất đắt.
“Nhưng giờ đây Con về cùng Cha. Con nói những điều này khi còn ở thế gian để chúng chia sẻ niềm vui của con” (Ga 17,13). Ở đây, chúng ta thấy được vinh quang cũng là niềm vui. Vinh quang thuộc về Chúa Cha và Chúa Con, được chia sẻ nơi các môn đệ trong sự nên một: hoa trái của vinh quang và sự hiệp nhất ấy là niềm vui. Chạng vạng tối, khi nghĩ về sự ra đi của Đức Giêsu – khi các ông hỏi Ngài: “Thầy đi đâu?” – trái tim các môn đệ tràn ngập nỗi buồn (Ga 16,6). Còn bây giờ, vì vinh quang trong sự nên một, niềm vui thật có thể thành hiện thực, niềm vui của thiên đường ló rạng nơi trần thế. Giống như việc sứ thần Gabriel truyền tin cho Dacaria và Đức Maria, việc các thiên thần báo tin cho các mục đồng, niềm vui của thiêng đường đã được đưa vào thế giới tối tăm (Lc 1,14; 1,47; 2,10). Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về cộng đoàn các kẻ tin, về Giáo hội, và về đặc tính của cộng đoàn ấy. Đó là một cộng đoàn của vinh quang, của sự nên một và cũng là của niềm vui.
“Con đã ban cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Các môn đệ sẽ bị thù ghét trong thế gian. Đức Giêsu đã thẳng thắn về điều này ngay từ đầu giờ tối, và ở đây Ngài nói rõ thêm lần nữa (x. Ga 16,18-25). Như đã làm với phần lớn lời cầu nguyện này, trong “Các bài giảng về Tin mừng Gioan”, thánh Augustinô hiểu những lời về sự thù ghét của thế gian theo tính cách tiên báo. Ngài giảng: “Họ đã không cảm nghiệm nó trong những cuộc tử đạo của họ”. Khi đón nhận Tin mừng, các môn đệ – giống như Đức Giêsu – cũng bị thù ghét. Nhưng bằng cách đón nhận Tin mừng – một lần nữa, giống như Đức Giêsu – họ không còn thuộc về thế gian, như thánh Tôma Aquinô bình luận cách cô đọng trong tác phẩm “Chú giải Tin mừng Gioan”, “người ta không thể gắn kết với Thiên Chúa nếu không từ bỏ thế gian”. Cũng xin được nhắc lại rằng, chúng ta không nói đến việc chạy trốn khỏi thế gian hay bất kỳ hình thức nhị nguyên luận nào, nhưng là về sự thánh thiện. Đó là cách mà Giáo hội hiện hữu trong thế giới – không chỉ nên một mà còn nên thánh thiện.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
https://www.simplycatholic.com/