Điều chúng ta tin. Phần 7: Sứ vụ Giáo hội hướng về vinh quang
Posted by Ban Biên TậpJoshua J. Whitfield
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong chương 17 Tin mừng Gioan cho thấy rõ rằng các môn đệ cần hân hoan nên một trong sự thánh thiện, kết hiệp cùng nhau trong vinh quang tự nguồn gốc thần linh, vinh quang của Chúa Cha và Chúa Con. Đây là Giáo hội lữ hành trong sự thành hình. Còn bây giờ, khi cùng Đức Giêsu tiến sâu hơn vào lời cầu nguyện này, chúng ta sẽ khám phá Giáo hội trong sự phát triển.
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,15-17). Một lần nữa, lời cầu nguyện của Đức Giêsu hướng về sự thánh thiện chứ không phải việc chạy trốn. Đức Giêsu không muốn các môn đệ vùi đầu vào cát, tránh né chuyện trần thế như thể họ hết sức thanh tịnh. Ngài muốn họ nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-16). Việc cầu xin để các môn đệ được gìn giữ khỏi sự dữ vang vọng lại lời Kinh Lạy Cha.
“Xin thánh hiến họ trong sự thật”. Có một số bản dịch dùng từ “thánh hóa”. Ý nghĩa rõ rệt nhất ở đây là Đức Giêsu đang cầu nguyện cho các môn đệ được nên thánh trong sự thật. Họ sẽ được bảo vệ khỏi ác thần theo mức độ mà họ được thánh hiến trong sự thật. Sự thật là “lời”. Sự thật là Đức Giêsu. Trước đó trong Tin mừng, Đức Giêsu nói rằng Chúa Cha đã thánh hiến và sai Ngài đến trần gian (Ga 10,36). Giờ đây, Ngài cũng xin cho các môn đệ được như thế.
“Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Cho đến lúc này, chúng ta đã chứng kiến sự hình thành, cũng như sự duy nhất và thánh thiện của Giáo hội. Giờ đây, chúng ta bắt đầu xem xét về tông đồ tính. Hãy lưu ý đến diễn trình đã nhắc ở bài trước: Chúa Cha sai phái Chúa Con, rồi Chúa Con sai phái các môn đệ, đặt họ làm tông đồ. Tôi gọi đây là sứ vụ hướng tới vinh quang, vận động này đã khởi đầu tự bên trong Thiên Chúa nhưng theo thời gian sẽ bao phủ khắp cả công trình tạo dựng. Nó bắt đầu ngay từ đây. Chúa Cha sai phái Chúa Con và Chúa Con sai phái các môn đệ; và rồi các môn đệ lại sai phái thế hệ môn đệ tiếp theo, và cứ thế kéo dài cho tới bạn này nay, hay bất cứ khi nào có ai đó đưa bạn đến với Giáo hội hay giới thiệu Đức tin cho bạn lần đầu tiên. Sứ vụ hướng đến vinh quang này, động hướng tông đồ này khởi đi từ Chúa Cha rồi trải dài cho tới bạn.
Chúng ta nhận thấy động hướng vĩ đại này của ân sủng và Thần Khí ngay trong Kinh thánh và lịch sử. Như tôi đã nói, điều này đánh dấu sự phát triển thực sự của Giáo hội, cả về mặt thiêng liêng và quy mô địa lý. Trong chương đầu sách Công vụ Tông đồ, Đức Giêsu nói rằng các môn đệ phải làm chứng về Ngài “tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Xem xét sách Công vụ Tông đồ trong tổng thể của nó, bản văn bắt đầu tại Giêrusalem nhưng không kết thúc ở Rôma. Đó là sứ vụ hướng tới vinh quang, là sự tăng triển tin mừng của Đức tin và của Giáo hội. Như Giáo hội dạy, đây là lý do mà bản chất Giáo hội chính là truyền giáo, bởi vì sứ vụ ấy có nguồn gốc từ “sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, là mục tiêu tối hậu để đón nhận muôn dân bước vào “sự thông hiệp của Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần Tình yêu” (GLHTCG, số 850).
“Và Con thánh hiến chính mình vì họ, để họ cũng được thánh hiến trong chân lý” (Ga 17,19). Vì ở đây Ngài nói về sự thánh hiến nên lời nguyện ngày thường được gọi là “lời nguyện thượng tế” hay “lời nguyện linh mục” của Đức Giêsu. Khi Chúa Cha thánh hiến Đức Giêsu, Đức Giêsu đồng thời cũng thánh hiến chính mình bởi vì Ngài chia sẻ bản tính thần linh của Chúa Cha. Hơn nữa, chính nhân tính của Đức Giêsu được thánh hiến, nên đó chính là sự thánh hiến dành cho chúng ta. Nghĩa là, khi chúng ta dự phần vào nhân tính của Đức Kitô, chúng ta được thánh hiến trong Ngài, trong chân lý. “Đấng thánh hiến và những người được thánh hiến, tất cả đều có cùng một nguồn gốc” (Hr 2,11). Mặc dù không lâu nữa Đức Giêsu sẽ không còn hiện diện với họ theo cách thế như trước, họ vẫn được thánh hiến trong Ngài. Nghĩa là, khi cộng đoàn các môn đệ trở nên tông đồ, họ sẽ mãi duy nhất và thánh thiện. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta cần nhớ kiểu mẫu mà sự thánh hiến ấy mang lấy, đó chính là thập giá. Nói về thánh hiến cũng rất gần với nói về hy tế. Chính qua Thập giá, nhờ máu Ngài mà chúng ta được thánh hiến (x. Hr 13,12). Vì điều nó gợi ra, điểm then chốt này tương hợp với sự thánh hiến của chúng ta, và cũng là điều làm nên hy tế. Dĩ nhiên, đây là lý do Thập giá sẽ luôn là một phần của Đức tin và đời sống Giáo hội.
“Con không chỉ cầu nguyện cho họ, nhưng còn cho những ai sẽ tin vào con nhờ lời họ, để tất cả chúng nên một…” (Ga 17,20-21). Đây là điểm mà chúng ta nhận ra một cách rõ ràng hơn nữa, không chỉ nơi nguồn gốc mà còn trong sự phát triển của Giáo hội. Các môn đệ được sai đến với chúng ta. Nếu bạn muốn biết ở đâu trong các Tin mừng chính lời Đức Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, bạn đang gặp được tại đây. Chúng ta là “những người sẽ tin nhờ lời họ”. Nhưng điều này cũng cho thấy điều mà Đức Giêsu khao khát nơi các môn đệ - để họ nên một, thánh thiện và tông truyền – và các môn đệ trong tương lai, tức chúng ta cũng như vậy.
Và đây là khi ý tưởng được đưa vào thực tiễn: “tất cả nên một”. Ngài cầu nguyện cho những người sẽ tin nhờ lời các môn đệ, để tất cả họ cũng được nên một – hēn. Một lần nữa, với cá nhân tôi mà nói, đây là lý do tôi hết sức lo lắng về sự vô tư không chối cãi được của chúng ta trước vấn đề chia rẽ trong Kitô giáo. Việc thiếu đi nhận thức về vấn đề chia rẽ trong Kitô giáo và chủ nghĩa bè phái, một quan niệm kỳ quặc cho rằng điều quan trọng là mối tương quan cá nhân với Đức Giêsu mà không kể đến sự hiệp thông với tha nhân, thực là một điều dễ gặp phải, nhất là trong cộng đoàn có học thức. Nhưng chúng ta đừng tự lừa dối mình bằng việc cho rằng cách nghĩ này liên hệ gì đó với Tân ước. Không phải vậy. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho sự nên một. Cũng như các môn đệ xưa nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một, các môn đệ hôm nay cũng vậy. Từ lâu trước khi trở lại Công giáo, điều ám ảnh tôi đó là Đức Giêsu muốn chúng ta nên một, nhưng chúng ta lại chưa hề là một.
Nhưng tại sao điều này lại quan trọng đến vậy? Đức Giêsu tiếp tục: “như Cha ở trong Con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…” (Ga 17,21). Có đúng hay không sự nên một của chúng ta, trong tư cách là các môn đệ, chính là điều kiện để chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa? Ít nhất là theo câu này, sự nên một của các môn đệ, điều dường như gắn liền một cách có điều kiện với sự ngự trị của Thiên Chúa, đóng vai trò như một cảnh báo nghiêm trọng về sự phớt lờ của chúng ta trước mối chia rẽ Kitô giáo. Sự dự phần của chúng ta vào Thiên Chúa đòi hỏi cả sự thông phần của chúng ta với người khác. Làm sao chúng ta có thể gây chia rẽ và cứ vô tư lãnh nhận phúc lành của Thiên Chúa? Sự hiệp nhất của chúng ta với người khác là chuyện hệ trọng. Chúng ta hãy nhớ, ở đâu có hai hay ba người họp lại, thì Đức Giêsu hiện diện ở đó (x. Mt 18,20). Các mối tương quan giữa chúng ta với người khác có tính chất quan trọng đối với tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Những câu Kinh thánh này khiến tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thỏa hiệp với chủ nghĩa bè phái và sự chia rẽ trong Kitô giáo. Chúng thôi thúc tôi suy tư về Giáo hội như một người Công giáo, nghĩ về Giáo hội như sự hiệp thông, một sự hiệp thông thánh thiện và tông truyền.
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến sự duy nhất trở nên quan trọng. Hãy nhớ rằng, Đức Giêsu sai phái các môn đệ vì lý do này: “để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Người ta cho rằng Gandhi đã từng nói: “Nếu không vì các Kitô hữu thì tôi đã là Kitô hữu”. Xét từ kinh nghiệm của ông về các Kitô hữu, đó là chuyện phải lẽ. Khi kinh nghiệm của bạn về Kitô giáo lại là sự xung đột giữa các thừa sai; hay khi một mặt bạn có Đức Thánh cha còn mặt khác là các nhà truyền giáo qua màn ảnh nhỏ, các nhân vật nổi tiếng trên Twitter và các nhà giảng thuyết của đại giáo đoàn, mỗi người đều tuyên bố đại diện cho Kitô giáo, thì cũng hợp lý thôi việc những người có lý trí nhìn vào những tiếng nói khác nhau ấy và từ bỏ Kitô giáo, vì cho rằng chẳng có gì khả tín hay đáng tin ở đấy cả. Thật ngạc nhiên đối với tôi vì có nhiều Kitô hữu không nhận ra điều này. Và cũng kinh ngạc việc biết bao nhiêu Kitô hữu và các tổ chức Kitô giáo, thuộc tất cả các hệ phái, dành rất nhiều thời gian, sức lực và tiền của cho công cuộc truyền giáo và các sứ vụ, với sự rao giảng vụng về, trợ giúp qua loa, v.v…, nhưng lại rất ít người nói về điều này: “để tất cả chúng nên một… để thế gian tin”. Đối với tôi, việc các Kitô hữu dù ở bất kỳ bậc sống nào cũng gặp khó khăn khi thuyết phục mọi người về Đức Giêsu có lý do hết sức rõ ràng, đó là vì những chia rẽ của chúng ta trở nên quá nhiều và nghiêm trọng. Sự hiệp nhất ảnh hưởng đến sự đáng tin. Đức Giêsu đã nói như thế. Đây mãi là chân lý và là điều chúng ta luôn tin tưởng.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
https://www.simplycatholic.com/