Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 08 Tháng 11 2016 17:53

Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 2: Nhận diện các dấu chỉ

Posted by 
Rate this item
(1 Vote)
  Bài 2: NHẬN DIỆN CÁC DẤU CHỈ

Tin Mừng: (Lc 12: 54 -56)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi", và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức", và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?

Sau khi trở về với cội nguồn, trở về nguyên quán, trở về với sứ mạng của Giáo Hội, cũng là của chính mình, chúng ta cùng nhìn lại những thách đố đang diễn ra và đang tác động trên thế giới cũng như cho sứ mạng của Giáo Hội. Đây là một công việc phải làm của người lính canh, khi anh được trao cho trách nhiệm canh gác, anh phải nhận diện ra những thách đố và cơ hội cho những con người, những sự vật hay công việc mà anh đảm nhận.

Đọc ra những dấu chỉ
Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy sự thành công của một người hệ tại ở việc người đó có nhìn ra được trong chính hoàn cảnh, môi trường sống của mình những nguồn lực để bản thân thăng tiến hay không. Hay nói khác đi, mỗi người cần có một tầm nhìn trong cuộc đời để có thể đạt đến những thành công.

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ĐG cũng nêu cho chúng ta thực tế đó của cuộc sống. Không những thế, dựa vào thực tế của cuộc sống, ĐG còn đưa các thính giả đang lắng nghe và chính chúng ta đi thêm một bước nữa, tiến xa hơn một bước trong đời sống thiêng liêng khi đặt câu hỏi về sự nhận biết cuộc đời, nhận biết ơn cứu độ, nhận ra sự hiện diện của TC: “cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”

Những người lãnh đạo được đòi hỏi là phải nhìn thấy toàn bộ “chuyến đi” trong đầu của mình trước khi họ bắt đầu khởi hành cùng với những người dưới quyền. Họ hiểu những gì đang được đòi hỏi nơi họ để có thể đạt được mục đích; họ nhận ra những rào cản dọc theo hành trình.

John C. Maxwell, trong cuốn Lãnh đạo-Những điều ước hẹn từng ngày, tr.65, viết như sau:
“Con cháu ông Ít-xa-kha am hiểu thời cuộc, biết Ít-ra-en phải làm gì: hai trăm thủ lãnh và tất cả anh em đồng tộc dưới quyền họ” (1Sbn 12:33)

Trước khi thực hiện một quyết định, họ đã có sự phân định. Những người con của ông Ít-xa-kha đã nhận định được 3 nhân tố chính:
Văn hóa: họ am hiểu về con người và địa dư nơi họ sống
Thời cuộc: hiểu biết với thời gian và phân định đâu là lúc thuận tiện cho họ thực hiện
Chiến lược: họ nhận biết dân Israel cần làm gì và các bước họ cần phải theo

Còn bạn thì sao? Bạn có phải là một trong những “người con của Ít-xa-kha không? Bạn có am hiểu về văn hóa của bạn – những khuynh hướng của nền văn hóa đó, những huyền thoại của nó, những điểm mạnh, những sự nguy hiểm của nó hay không? Bạn có hiểu về thời đại bạn đang sống: những lề thói và những xu hướng chung của nó không? Và bạn có một chiến lược để đối phó với cả nền văn hóa lẫn thời đại không?

Câu hỏi vừa rồi cũng đang dành cho linh mục chúng ta, những người được TC mời gọi trở nên mục tử cho dân Ngài. Chúng ta có thể lập lại câu hỏi cho chính mình như sau: chúng ta có am hiểu về văn hóa nơi chúng ta đang sống? Những điểm mạnh, sự nguy hiểm của nó? Chúng ta có nhận ra những lối sống và xu hướng của thời đại này? Và chúng ta có phương án, chiến lược nào để có thể đối phó với nền văn hóa và thời đại hiện nay không?

Để trả lời câu hỏi vừa rồi, tôi xin được dựa trên sự khôn ngoan của Giáo Hội được đúc kết qua những giáo huấn của Công Đồng Vat. II và của các ĐGH.

Những thay đổi sâu xa và mau chóng (Gaudium et Spes)
Văn kiện này của công đồng Vat. II khẳng định rất mạnh mẽ cho chúng ta về trách nhiệm phải đọc được những dấu chỉ của thời đại: “Ðể chu toàn phận vụ của mình, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, điều cần thiết là phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (số 4).

Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định mạnh mẽ bổn phận phải đọc ra cho được dấu chỉ thời đại, hiến chế này còn mô tả cho chúng ta những nét chính yếu của thế giới ngày nay, những đặc điểm này đã được ĐTC Phanxico nói đến cách ngắn gọn hơn trong tông huấn Evangelii Gaudium đã nói: “Ở thời đại chúng ta, nhân loại đang trải qua một bước ngoặt trong lịch sử của mình, như chúng ta có thể thấy từ các tiến bộ đang được thực hiện trong rất nhiều lãnh vực. Chúng ta không thể không ca ngợi các bước đi đang được thực hiện để cải thiện phúc lợi của dân chúng trong các lãnh vực như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và truyền thông. Nhưng đồng thời chúng ta phải nhớ rằng đa số dân chúng bây giờ sống ngày nào biết ngày ấy, với những viễn tượng đáng sợ. Một số dịch bệnh đang lan rộng. Tâm hồn nhiều người bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi và thất vọng, ngay cả ở những nước được cho là giàu có. Niềm vui sống thường xuyên phai nhạt, thiếu tôn trọng người khác, và nạn bạo lực ngày càng nhiều, tình trạng bất bình đẳng cũng gia tăng. Người ta đấu tranh để sống, và thường là sống với phẩm giá tối thiểu. Thay đổi của thời đại đã được khởi động bởi những tiến bộ khổng lồ, mau chóng và tích luỹ về phẩm và lượng trong các khoa học và kỹ thuật và được đem áp dụng ngay vào các lãnh vực khác nhau của tự nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở một thời đại tri thức và thông tin, dẫn tới các hình thức quyền lực mới và thường là không được gọi tên.” (số 52)

Nền văn hóa loại trừ (Laudato Si)
Trọng tâm của thông điệp Laudato Si không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường, nhưng còn đưa đến câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị nền tảng cho đời sống.
Thật vậy, khi bàn về những biến đổi và tác động sâu rộng của tự nhiên, ĐTC Phanxico khẳng định cho chúng ta một nguyên tắc: “thái độ đón nhận tự nhiên chính là thái độ sống của chúng ta: Nếu chúng ta đến gần thiên nhiên và môi trường chung quanh, mà không có chút rộng mở để kinh ngạc và trầm trồ, nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ huynh đệ và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của sở hữu chủ, của người tiêu thụ hay chỉ là của những người bốc lột tài nguyên, không có khả năng thiết đặt ranh giới cho chú tâm trực tiếp của mình.” (số 11)

Từ nguyên tắc đó, ngài lý giải về sự thay đổi nhanh chóng, những hoàn cảnh biến đổi sâu rộng mà công đồng Vat. II đề cập trong GP (số 5). Ngài cho thấy mục đích của sự thay đổi nhanh chóng và liên tục không cần thiết cho công ích và sự phát triển toàn diện và bền vững cho con người và sự thay đổi có thể là một điều đáng ước muốn, nhưng lại gây bất ổn, nếu như nó tạo sự suy thoái cho vũ trụ và phẩm chất sống của một phần lớn nhân loại. (x. số 18).

Tất cả những suy thoái, bất ổn đó xuất phát từ một thái độ sống, chủ nghĩa loại trừ. Quả vậy, đối với ĐTC Phanxico, sự biến đổi sâu rộng theo hướng suy thoái đó là việc nhanh chóng giảm thiểu mọi thứ thành rác rưởi, một nền văn minh loại trừ (số 22). Với nền văn minh loại trừ này, con người - có lẽ và cũng thực sự là thế - sẽ bị bỏ quên và nếu nói một cách mạnh mẽ, con người cũng có thể bị giảm thiểu thành rác rưởi: “người nghèo bị khước từ quyền được sống nhất quán với phẩm giá bất khả xâm phạm của họ” (số 30). Nếu bị khước từ quyền được sống nhất quán với phẩm giá bất khả xâm phạm, người nghèo có còn là một nhân vị hay không? Hay đã trở nên một phế phẩm cần phải được loại ra? Và hình như, đó là điều vẫn đang xảy ra trong xã hội, một thực trạng thật đau lòng mà ĐTC Phanxico đề cập đếp trong số 25: “Buồn thay, có một sự dửng dưng trước sự bi đát đang diễn ra trên những phần xác định của thế giới. Sự thiếu sót về mặt phản ứng trước bi kịch này của anh em, chị em của chúng ta là một dấu chỉ đánh mất cảm nghiệm về trách nhiệm với tha nhân, mà xã hội phải được xây dựng dựa vào đó.” (bản dịch của cha Augustino Trinh).

Khuynh hướng duy-thế-tục (Christifideles laici - Người Kitô hữu giáo dân)
Một trong những thách đố to lớn cho Giáo Hội, cho linh mục chúng ta ngày hôm nay chính là khuynh hướng duy thế tục (tục hóa). Chúng ta cũng cần phải bàn về nó.
Trong tông huấn Christifideles laici - Người Kitô hữu giáo dân, thánh giáo hoàng GP II đã đưa ra cho chúng ta những “khuôn mặt” của khuynh hướng này: “Say sưa vì những cuộc chinh phục kỳ diệu của một sự phát triển khoa học kỹ thuật mà không gì chặn đứng được, và nhất là bị mê hoặc bởi cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa (x. St 3:5), qua việc sử dụng tự do cách vô giới hạn, con người tự chặt đứ cội rễ tôn giáo sâu xa nhất của họ: quên lãng Thiên Chúa, họ nghĩ rằng Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ, họ từ chối Thiên Chúa để rồi sấp mình thờ lạy những “ngẫu tượng” đủ loại.” (CL, số 4)

Sự phát triển mạnh mẽ cùng với tiến bộ khoa học và sự loại trừ, giảm thiểu tất cả trở thành rác rưởi, “khuynh hướng duy thế tục đã và đang tác động rất mạnh đến các các cá nhân, nhưng một cách nào đó, tác động tới nhiều toàn thể cộng đồng” (CL, số 4); nó đưa đến vô vàn những thảm trạng cho con người ngày nay, cách riêng là việc không tôn trọng phẩm giá con người và những xung đột trên thế giới:

Chúng ta hãy nghĩ thêm đến vô số xúc phạm mà phẩm giá của nhân vị con người đang phải chịu hôm nay. Một khi không được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá của mình là hình ảnh sống động của Thiên Chúa (x. St 1,26), con người làm mồi cho những hình thức nhục nhã và lệch lạc nhất là “biến họ thành dụng cụ”, thành nô lệ cho thế lực mạnh hơn một cách khốn khổ. “Thế lực mạnh hơn” này có thể mang nhiều bộ mặt khác nhau: ‘ý thức hệ, quyền lực kinh tế, những hệ thống chính trị phi nhân, hình thức kỹ trị khoa học, sự xâm nhập của các “phương tiện truyền thông – xã hội”. Một lần nữa, chúng ta đang đối diện với một quần chúng là những anh chị em của chúng ta, bị xúc phạm trong những quyền căn bản, đôi khi là hậu quả của thái độ dung túng quá đáng, thậm chí của sự bất công rành rành của một số luật dân sự: quyền được sống và toàn vẹn thân thể, quyền có nhà ở và việc làm, quyền có gia đình và sinh sản có trách nhiệm, quyền được tham dự vào sinh hoạt công cộng và chính trị, quyền được tự do lương tâm và tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình. (CL, số 5)

Chúng ta không thể quên một hiện tượng khác ghi dấu nhân loại đương đại: hơn bất cứ thời điểm nào khác của lịch sử, nhân loại ngày nay bị tác động và rung chuyển bởi những tình huống xung đột. Đây là một hiện tượng đa dạng, phân biệt với sự đa dạng hợp pháp của các não trạng và các sáng kiến, và biểu lộ qua sự đối kháng tệ hại giữa các cá nhân, các nhóm người, các tầng lớp, các quốc gia và các khối quốc gia. (CL, số 6)
Và rất nhiều những thách đố khác.
Vậy đâu là giải pháp cho chúng ta, những linh mục, những tông đồ của ĐK?

Evangelii Gaudium – giải pháp cho các thách đố hiện nay
“Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập”. (EG, số 1)
ĐTC Phanxico đã khẳng định cách mạnh mẽ như thế ngay từ đầu thông điệp của ngài. Không chỉ thế, trong sứ điệp Truyền giáo 2014, ngài còn mời gọi: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em”.

Hóa ra, sự đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng là giải pháp cho tất cả mọi vấn nạn. Tất cả những xáo trộn, bất công, … đã, đang và nếu có tiếp tục xảy ra trong tương lai, đều do thiếu vắng niềm vui của Tin Mừng. Và dĩ nhiên, để có thể giải quyết và vượt qua tất cả những thách đố ngày nay, niềm vui Tin Mừng phải được thấm đượm nơi tâm hồn mọi người và toàn thể thế giới. Ở đây, tôi xin được nêu ra một số khía cạnh thể hiện Niềm Vui của Tin Mừng, như một sự lặp lại lời của ĐTC để tất cả chúng ta xác tín và cố gắng đem vào cuộc sống.

Niềm vui đó thể hiện qua các khía cạnh sau:
Thứ nhất, nói không với não trạng loại trừ. Bởi vì, “chúng ta đã tạo ra một văn hoá “dùng một lần” hiện đang lan rộng. Không còn đơn thuần là vấn đề bóc lột và áp bức, mà là một vấn đề mới. Rốt cuộc thái độ loại trừ làm thay đổi ý nghĩa của tư cách là thành phần của xã hội chúng ta đang sống; những người bị loại trừ không còn là phần phụ thuộc hay bên lề hay bị tước quyền trong xã hội—họ thậm chí không còn là thành phần của xã hội nữa! Những người bị loại trừ không phải là những người “bị bóc lột” mà là những người bị gạt ra ngoài, những “đồ thừa” (số 53) … Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.” (số 54)

Thứ hai, nói không với tiền bạc. “Chúng ta thản nhiên chấp nhận sự thống trị của tiền bạc trên chúng ta và các xã hội của chúng ta. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể làm chúng ta không để ý tới sự kiện nó phát sinh trong một khủng hoảng sâu xa về con người: sự chối bỏ địa vị tối thượng của con người […] nó bộc lộ rõ sự mất thăng bằng và trên hết là sự thiếu quan tâm đối với con người; con người bị giản lược vào một nhu cầu duy nhất của họ mà thôi: tiêu thụ” (số 55). Thay vào đó, “tiền phải phục vụ, không phải cai trị! […] những người giàu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo” (số 57).

Thứ ba, nói không với tình trạng bất bình đẳng, nguồn gốc của bạo lực. “Bao lâu tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội còn chưa được đảo ngược, thì không thể nào xoá bỏ bạo lực […] (số 59)
Đặc biệt, là những linh mục của ĐK, chúng ta cũng cần phải có được những đặc điểm sau của Niềm Vui Tin Mừng:
Trước tiên, chúng ta phải nói có với thách thức của một linh đạo truyền giáo. “Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ … một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó chứ không khuyến khích việc gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê loan báo Tin Mừng. Kết quả là chúng ta thấy nhiều người hoạt động rao giảng Tin Mừng, tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh” (số 78). Hay nói khác đi, chúng ta chỉ biết tìm kiếm sự tự do, an nhàn, thoải mái cho bản thân; việc tìm kiếm phần rỗi các linh hồn lại là thứ yếu và nhiều khi làm cho qua, thiếu đi “lửa” dấn thân trong sứ vụ mà đáng ra chúng ta phải đặt lên hàng ưu tiên.

Kế đến, ngay cả nơi những người hoạt động mục vụ, sự xác tín trong đức tin cũng còn rất mỏng dòn: “nhiều nhà hoạt động mục vụ, mặc dù họ cầu nguyện, nhưng ngày càng thêm mặc cảm tự ti dẫn họ tới thái độ tương đối hoá căn tính và các niềm tin Kitô giáo của họ. Điều này tạo ra một cái vòng lẩn quẩn. Rốt cuộc họ cảm thấy không hài lòng với bản thân họ và với công việc họ làm; họ không đồng hoá mình với sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình và điều này làm suy yếu sự dấn thân của họ. Tình trạng này cuối cùng bóp nghẹt niềm vui truyền giáo bằng một thứ ám thị rằng họ giống như mọi người và có tất cả những gì người khác có. Như thế hoạt động rao giảng Tin Mừng của họ trở thành bị ép buộc, họ dành rất ít công sức và thời gian cho công việc này” (số 79).

Để rồi từ đó, họ “có thể rơi vào một thứ chủ nghĩa tương đối còn nguy hiểm hơn chủ nghĩa tương đối lý thuyết, bất kể phong cách linh đạo hay tư duy riêng của họ là gì. Nó chạm tới các quyết định thâm sâu và riêng tư nhất định hình lối sống của họ. Chủ nghĩa tương đối thực tế này hệ tại việc hành động như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thực hiện các quyết định như thể người nghèo không tồn tại, đề ra các mục tiêu như thể người khác không tồn tại, hoạt động như thể không có sự tồn tại của những người chưa đón nhận Tin Mừng. Đáng ngạc nhiên là những người rõ ràng từng có những xác tín học thuyết và thiêng liêng vững chắc cũng thường rơi vào một lối sống bám víu vào sự an toàn về tài chánh, hay một ước muốn quyền lực và danh vọng bằng bất cứ giá nào, thay vì hiến mình truyền giáo cho tha nhân. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm say mê truyền giáo” (số 80).

Do vậy, chúng ta phải nói không với ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng. ĐTC nêu lên một thực trạng rất đau lòng về sự dấn thân của một vài thành phần những người làm mục vụ (và dường như chúng ta có trong đó): “Khi mà chúng ta đang cần nhiều nhất một năng động truyền giáo để đem muối và ánh sáng cho đời, thì nhiều người sợ rằng có thể họ sẽ được yêu cầu đảm nhận một hoạt động tông đồ nào đó, và họ tìm cách tránh né mọi trách nhiệm có thể lấy mất thì giờ rảnh rỗi của họ. […] Điều tương tự cũng xảy ra đối với các linh mục sợ mất thời giờ rảnh rỗi của mình. Lý do thường là vì người ta cảm thấy nhu cầu quá mạnh muốn bảo vệ sự tự do riêng của họ, họ coi nhiệm vụ loan báo Tin Mừng như thể là một chất độc nguy hiểm thay vì là một lời đáp hân hoan trước tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta truyền giáo, hoàn thiện bản thân và sinh hoa kết quả. Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng” (số 81).

Những dấu chỉ: khó khăn hay cơ hội?
Đứng trước biết bao những khó khăn, những thách đố hay vấn nạn được đưa ra trong các giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta nghĩ gì? Chúng là những khó khăn, những ngáng trở trong mục vụ của chúng ta? hay chúng là những cơ hội, những dấu chỉ mời gọi chúng ta phải có cái nhìn tích cực hơn, dấn thân hơn trong sứ vụ linh mục?
Thay cho thái độ bi quan vô bổ trước cái ác, sự dữ, ĐTC mời gọi hãy xem chúng là những thách thức, những cơ hội giúp chúng ta lớn lên (x. số 84).

Để thêm một câu trả lời cho câu hỏi này, tôi xin trích dẫn một trang trong cuốn Lãnh đạo-Những điều ước hẹn từng ngày của John C.Maxwell, trang 59. Phần này, ông bàn về tư cách của người lãnh đạo trước những khó khăn khi trích dẫn biến cố David chuẩn bị ra chiến đấu với Goliath:
“David nói: “Đức Chúa là Đấng đã giải thoát con khỏi móng vuốt của sư tử và vuốt gấu, chính Người cũng sẽ giải thoát con khỏi tên Philitinh này (1Sm 17:37)

Hãy xem David trong trận chiến với Goliath. Làm thế nào David có thể chống lại tên khổng lồ mà cả quân đội của Israel đã phải sợ hãi mà rút lui. Đây là điều mà David đã làm

Đánh giá của David khác sự đánh giá của những người khác: David nhìn thấy một cơ hội
Cách thức của David khác với cách thức của những người khác: cậu quyết định dùng thứ vũ khí mà cậu biết rằng nó sẽ mang lại hiệu quả

Niềm tin của David khác với mọi người: tin rằng Thiên Chúa sẽ đánh bại Goliath
Tầm nhìn của David khác với mọi người: David muốn làm cho Thiên Chúa được thế giới biết đến như là một Thiên Chúa quyền năng nhất trên khắp mặt đất

Kinh nghiệm của David cũng khác với mọi người: David mang đến chiến trường những chiến thắng mà cậu đã có được với một con sư tử và một con gấu, chứ không là kinh nghiệm của những ngày tháng sợ hãi đến tê liệt
Thái độ cũng vậy, thái độ của David khác với mọi người: cậu xem Goliath không phải là một sự đe dọa quá to lớn để không thể đánh bại hắn, nhưng là một mục tiêu quá to lớn đến nỗi cậu không thể nào bắn trượt được.”

Cầu hỏi gợi ý:

Chúng ta, các linh mục, có thể làm được như David? Câu hỏi này xin được dành cho anh em trong những giây phút thinh lặng hôm nay.

Read 1573 times Last modified on Thứ năm, 10 Tháng 11 2016 17:56