Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 08 Tháng 4 2017 11:59

Ông này là ai vậy? (9.4.2017 – Chúa nhật Lễ Lá năm A)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ông này là ai vậy? (9.4.2017 – Chúa nhật Lễ Lá năm A)

Lời Chúa: Rước Lá: Mt 21,1-11
(Bài Thương Khó: Mt 26,14-27,66)

1 Khi thầy trò Ðức Giêsu đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Ðức Giêsu sai hai môn đệ và 2 bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang coat sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3 Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay.” 4 Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ:

5 Hãy bảo thiếu nữ Xion:
Kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi,
hiền hậu trên lưng lừa,
lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.

6 Các môn đệ ra đi và làm theo lời Ðức Giêsu đã truyền. 7 Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Ðức Giêsu cỡi lên. 8 Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9 Ðám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy:

Hoan hô Con vua Ðavít!
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!
Hoan hô trên các tầng trời.

10 Khi Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” 11 Ðám đông trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy!”

Suy Niệm

Từ trước tới nay, chưa một lần nào
Ðức Giêsu tìm cho mình chút vinh quang trần thế.
Còn bây giờ, khi cái chết đã gần kề,
Ngài chấp nhận sự tán tụng của đám đông,
và chính Ngài cũng muốn ngồi trên lưng một con lừa
để khiêm tốn tiến vào thành thánh.
Nhiều người trải áo hay chặt cành cây rải trên lối đi.
Tiếng hò reo vang dậy.
Người ta tung hô Ngài là Ðấng Mêsia, là Con vua Ðavít.
Quả thật Ngài là Vua Mêsia,
nhưng rồi đây người ta sẽ biết cách làm vua của Ngài:
qua đau khổ và cái chết ô nhục trên thập giá.

Lễ Lá là một lễ vui, nhưng lại đượm buồn.
Ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ.
Tuần thánh đã bắt đầu.
Ðức Giêsu bước vào những ngày cuối đời.
Rước lá đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ.
Theo Ngài giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó gì.
Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại
khi Ngài bị mọi người bỏ rơi,
điều đó khó hơn nhiều.

Chúng ta thường cảm thấy mệt khi nghe đọc bài Thương Khó.
Nếu chúng ta dành thì giờ để suy niệm về cuộc khổ nạn,
ta sẽ thấy lời nói và thái độ của Ðức Giêsu
có sức nâng đỡ và biến đổi ta,
giúp ta đón nhận mọi gai góc của cuộc sống.
Cần cảm nghiệm những đau noun trên thân xác Chúa,
nhưng đừng quên những nỗi đau sâu kín của trái tim Ngài,
và nhất là đừng quên nhận ra một Tình Yêu,
Tình Yêu vô cùng lớn đối với Cha và nhân loại.
Chỉ Tình Yêu mới làm cho khổ đau sinh trái.

Con Thiên Chúa không xa lạ với khổ đau của phận người.
Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội,
thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và giết chết.
Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ,
nhưng Ngài đón lấy đau khổ với rất nhiều tình yêu,
và lập tức nó có ý nghĩa.

Bạn có thể thấy mình giống Giuđa, Phêrô hay Philatô.
Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.
Hãy đi với Ðức Giêsu qua từng chặng đường,
từ Vườn Dầu đến tận Núi Sọ.
Ðừng theo Chúa như một người lạ quay video cho đám tang,
bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và cho bạn.
Sau khi đã thấm nhuần cuộc Khổ Nạn,
bạn sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn,
mến thánh giá của mình hơn,
và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho con tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Read 12032 times