Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên.
(Tr) Thánh Hec-vic (Hedwig), Nữ tu.
(Tr) Thánh Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a A-la-côc (Alacoque), Trinh nữ.
Rm 2,1-11; Lc 11,42-46.
HÃY CHÚ TRỌNG BÊNTRONG
Qua trang Tin Mừng vừa nghe, ta thấy Chúa Giêsu khiển trách giới lãnh đạo Do Thái giáo xưa về ba điểm. Điểm thứ nhất là chuộng hình thức: họ đặt ra đủ các loại thuế gọi là lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa, trong khi lại xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến dành cho Ngài. Điểm thứ hai là háo danh: họ luôn cố tỏ ra bên ngoài vẻ đạo mạo, uy nghi nhưng thực chất chẳng khác gì các mồ mả ô uế. Điểm thứ ba là giả hình: họ cắt nghĩa thật tỉ mỉ về lề luật và yêu cầu người khác tuân theo, trong khi họ lại chẳng mấy để tâm đến.
Có thể nói rằng cả ba điều đáng trách trên đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là thiếu tình yêu thương. Vì chưa yêu Chúa đủ, những người Pharisiêu và các kinh sư chỉ chăm chú, xét nét hình thức bên ngoài mà quên đi bổn phận chính yếu với Thiên Chúa. Vì chưa yêu tha nhân đủ, họ thích khoe khoang, coi mình hơn người khác, thiếu đồng cảm với những mảnh đời khốn khó không có điều kiện giữ đạo như họ.
Việc rửa tay trước khi ăn lúc khởi đầu chỉ là nhằm mục đích vệ sinh, thế nhưng sau này người Do Thái lồng ghép vào đó một ý nghĩa tôn giáo, đó là việc rửa tay trước khi ăn nhằm mục đích thanh tẩy tâm hồn và làm cho thức ăn nên thanh sạch. Chúa Giêsu không đồng ý với quan niệm này, vì thế khi được một người Pharisiêu mời đến nhà dùng bữa, Chúa Giêsu đã cố tình không rửa tay trước khi ăn để có dịp sửa lại quan niệm sai lầm đó.
Nhân dịp sửa sai quan niệm về thanh sạch khi rửa tay trước khi dùng bữa, Chúa Giêsu nhắc mọi người về bổn phận phải làm việc bác ái, bố thí. Những việc bác ái, bố thí này có khả năng đền bù và tẩy xóa bớt những tội chúng ta đã phạm. Sách Giáo Lý Công Giáo dạy chúng ta rằng việc cầu nguyện và bác ái có khả năng đền bù và xóa bớt những tội nhẹ mà chúng ta đã phạm.
Nhìn vào những người Pharisiêu nơi trang Tin Mừng hôm nay, rất có thể chúng ta cũng như họ khi chỉ biết quan tâm đến hình thức bên ngoài, chẳng hạn như chúng ta đánh giá người khác dựa trên quần áo, tóc tai, vẻ đẹp bên ngoài, hay là chúng ta chỉ chăm sóc đến sự sạch sẽ của bát đĩa, quần áo mà quên đi vẻ đẹp của tâm hồn.
Chắc chắn khi chỉ trích những người Biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chỉ lo đến bề trong, để rồi có người dựa vào đó mà biện minh cho sự lười biếng của mình bằng việc “giữ đạo tại tâm”. Thực ra Chúa Giêsu muốn chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, nghĩa là phải lưu tâm đến cả hai, chớ không nên coi nhẹ cái nào, tuy nhiên Ngài cũng cho biết bên trong thì vẫn cần thiết hơn, chẳng hạn đối với việc rửa tay trước khi ăn, thì rửa tay cho sạch vẫn không bằng làm cho lòng mình nên sạch trong.
Ta ý thức rằng chính những tội chúng ta phạm mới làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nhơ bẩn, đó có thể là những tội như gian dối, hận thù, ghen ghét, kiêu ngạo, lười biếng .v.v…
Tình yêu vốn chẳng có biên giới. Đây chính là điều làm nên nét đẹp và sức quyến rũ của tình yêu: nó làm cho ta hạnh phúc, nhưng chẳng bao giờ khiến ta mãn nguyện. Ai nói rằng mình đã yêu đủ thực là người chưa yêu. Chúa Giêsu đã gói gọn tất cả các luật lệ nơi con người vào một điều duy nhất: mến Chúa – yêu người (Mc 12, 33).
Như vậy, tình yêu chính là nguyên nhân và cùng đích của tất cả lề luật, và do đó, nó trường cửu, trong khi cách nó được thể hiện ra bên ngoài có thể thay đổi theo thời gian hoặc khác nhau giữa các nền văn hóa. Ngay từ những ngày đầu, thánh Phaolô nhắn nhủ với các tín hữu Rô-ma rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì là hoàn hảo.”(Rm 12, 2)
Ngày nay trong xã hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành thì sẽ bị người ta dè bửu... Ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc đào tạo trí thức, hay kỹ thuật để sau này kiếm sao được nhiều tiền chứ không mảy may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm.
Nói cách khác, xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có màng chi đến trái tim! ... Như vậy, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương nhiên có mặt trong thời buổi này; đồng thời sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân xuất hiện nhan nhản trong xã hội là lẽ thường tình.
Huệ Minh