Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 24 Tháng 12 2012 16:00

Suy niệm Giáng Sinh 2012: Con Trẻ Đang Gõ Cửa! (Lc 2,1-14)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy niệm Giáng Sinh 2012: Con Trẻ đang gõ cửa! (Lc 2,1-14)

Hôm nay Ðấng Cứu Thế, Ðấng Giải Phóng muôn dân đã được sinh ra. Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân và đang ở giữa chúng ta!Ðó không chỉ là một biến cố vô cùng vĩ đại cho cả vũ trụ, nhưng còn là một điều rất gần gũi và rất nhân bản: Thiên Chúa toàn năng vô biên đã trở nên một hài nhi yếu đuối đang cần đến một bà mẹ. Vâng, Thiên Chúa đã trở nên một hài nhi, một con trẻ, một con người, đã bước vào đời với tiếng khóc và nước mắt, đang cất tiếng cầu cứu, đang giơ đôi tay nhỏ bé về hướng mẹ để tìm được ấp ủ và chở che.

Quả vậy, Thiên Chúa đã trở nên một hài nhi đang cần đến tình yêu chở che của con người: Từ việc đi tìm kiếm một chỗ nghỉ chân cách vô vọng, cho tới việc phải lén lút chạy trốn trước lưỡi gươm tàn ác của Hê-rô-đê, v.v…! Nhưng phải chăng con trẻ Giêsu nếu được sinh ra trong thời đại văn minh tân tiến của chúng ta ngày nay sẽ gặp được nhiều may mắn hơn chăng? Ai sẽ bảo đảm được điều đó? Tôi thiết tưởng rằng số phận của Người vẫn không được may mắn và sáng sủa hơn, nếu không nói là rất có thể còn tồi tệ và nguy hiểm hơn.

Nhìn vào cuộc sống xã hội ngày nay, người ta phải nhận định rằng tuy phương diện vật chất đã được cải tiến rất nhiều, nhưng lòng ích kỷ của con người vẫn không thay đổi, nếu không nói là còn trở nên thâm hiểm hơn. Do đó, họ đã giết chết hàng triệu đứa trẻ ngay trong bụng mẹ chúng, vì họ coi chúng như những đối thủ cạnh tranh với đời sống hưởng thụ ích kỷ của họ. Nhiều nơi trên thế giới, các trẻ con đã bị coi như những thành phần thừa thải và tốn kém cho xã hội và gia đình. Người ta từ chối trao trả cho chúng những quyền lợi thuộc về chúng. Vâng, các trẻ em ngày nay thường bị chèn ép, bị đối xử tàn tệ và thiếu đi các điều kiện cũng như không gian để phát triển cuộc sống của chúng trong sự tự do và trong sự hồn nhiên vui vẻ.

Con trẻ đang gõ cửa! Ngày nay tiếng gõ cửa tìm một nơi nghỉ chân như thế, càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vì bầu không khí của xã hội nhân loại ngày nay thường tỏ ra thù nghịch với trẻ con, đến nỗi nhiều khi người ta có cảm tưởng: Xã hội ngày nay là một xã hội của người lớn, của người trưởng thành, chứ không phải là của trẻ con. Trẻ con không có chỗ đứng trong đó. Chẳng những thế, nhiều nơi trong thế giới hôm nay, trẻ con còn bị coi như một hình thức nguy hiểm hay như một tai họa mà người ta cần phải tránh. Một ví dụ điển hình: Nhiều người khi đi thuê nhà hay thuê phòng ở đã không dám nói mình có con nhỏ, vì nếu chủ nhà biết họ có con nhỏ thì sẽ bị từ chối ngay lập tức. Thật là một hiện tượng phản nhân bản. Cũng vì thế, việc bóp chết, việc tiêu diệt sự sống bất khả tự vệ, sự sống vô sinh, việc phá thai, không những chỉ được coi như một rủi ro đáng tiếc mà thôi, nhưng còn được coi như một cái “mốt” của sự tiến bộ thức thời, một kiểu thoát ly tân tiến.

Trong tư duy của một số lớn những người hôm nay, đứa trẻ được coi như một cạnh tranh đối với sự tự do của họ, đối với tương lai thoải mái và sự yên tĩnh của họ, và như một đe dọa chiếm mất chỗ của họ! Vâng, chúng ta đã chất lên cuộc sống của mình đầy đủ thứ đồ vật, đủ thứ sản phẩm và chúng ta vẫn chưa hài lòng với những thứ mà chúng ta chiếm hữu và rồi sẽ vất bỏ. Tiếp đến, chúng ta vẫn luôn có chỗ cho con vật này hay con vật nọ trong nhà mình, và lấy chúng làm bạn, làm nguồn vui. Nhưng đối với một con người mới, một đứa trẻ, thuộc về chúng ta và đang đi vào cuộc sống chúng ta để chia sẻ với chúng ta, thì chúng ta lại không còn chỗ nữa, vì đứa trẻ bị coi như một gánh nặng bất khả kham cho chúng ta.

Con trẻ đang gõ cửa! Nếu chúng ta chấp nhận đứa trẻ, chúng ta phải kiểm tra lại một cách toàn diện thái độ của chúng ta đối với cuộc sống; chúng ta phải sẵn sàng coi cuộc sống như một món quà được dành cho những kẻ khác nữa, chứ không chỉ thu vén nó cho chính mình mà thôi. Chúng ta cần phải sửa sai tư duy và định kiến của mình về sự sống, hãy tập nhìn vào đứa trẻ không phải như một đe dọa đối với sự tự do của chúng ta, nhưng là một may mắn cho cuộc sống; không phải như một đối thủ cạnh tranh, sẽ giành giật lấy phần đất sống của chúng ta, nhưng là sức mạnh sáng tạo cho tương lai nhân loại.

Ði kiếm chỗ trọ! Ðó không phải chỉ là thảm cảnh của hàng ngàn hàng vạn trẻ con vô sinh, nhưng của cả hàng triệu người vô gia cư. Vâng, khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người di cư đã phải bỏ lại quê hương, bỏ lại nhà cửa và mọi sự, để đi tìm sự sống còn, sự tự do và một cuộc sống có nhân phẩm. Giờ đây tất cả họ đang phải sống trong cảnh bất an, đầy đe dọa và nguy hiểm, đang phải sống nheo nhóc đói rét và không có tương lai. Tiếng kêu cứu của hàng triệu người đó đã vang thấu tới trời: Họ đang cần được cứu trợ! Nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự và hy vọng cũng nhờ đó mà cảm thông được phần nào thảm cảnh đau thương của những người đồng loại hôm nay. Vâng, tất cả chúng ta đều thông cảm cho sự bất hạnh đó!

Nhưng nếu sự thể bất hạnh đó xảy ra trước cửa nhà chúng ta, liệu chúng ta có cảm thấy khó xử không? Chắc chắn rằng những người dân cư ở Bê-lem xưa cũng đã có những lý dó hợp lý để từ chối không tiếp nhận đôi vợ chồng nghèo, đến từ Na-da-rét, với những lời thoái thác: Thật đáng tiếc, nhà chúng tôi không còn giường trống nữa! Hay: mọi phòng trong nhà đều có người ở cả rồi, ông bà sang nhà bên cạnh hỏi xem sao! Tương tự như vậy, chắc chắn chúng ta cũng tìm ra được những ly do rất hợp lý, để từ chối thực thi đức bác ái với những người vô gia cư đang hy vọng chờ trước cửa nhà và cửa lòng chúng ta.

Cuối cùng, đi kiếm chỗ trọ: Cũng có nghĩa là những chương trình lạc quyên cho các nạn nhân của những thiên tai, lụt lội, v.v… đặc biệt trong mùa Giáng Sinh đang chờ đợi sự góp phần của chúng ta. Tất cả mọi nạn nhân của đủ thứ tai ương đang gõ vào cửa lòng chúng ta và cầu xin chúng ta cho phép họ được dự phần vào các của cải vật chất đã được Thiên Chúa dựng nên cho hết mọi người và hiện Người đang trao phó cho chúng ta quản lý. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người. Còn những ai đón nhận Người, tức những ai tin vào danh Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa!» (Ga 1,11-12).

Trong giờ phút linh thiêng này, chúng ta cầu xin Người giúp chúng ta biết mở rộng lòng mình để có thể nghe được tiếng gõ cửa của Người, tin tưởng mở rộng mọi cửa ngõ để đón tiếp Người trong những trẻ vô sinh, trong những người vô gia cư, trong những người nghèo đói, v.v…, hầu chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa, những đứa con của Người Con, mà qua Người ánh sáng chân thật đã được chiếu vào thế gian trong đêm nay.


Nguyễn Hữu Thy (Theo vietcatholic)

Read 1597 times Last modified on Thứ tư, 26 Tháng 12 2012 15:14