Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 16 Tháng 12 2019 07:55

Thiên Chúa đồng thân đồng phận với con người

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thiên Chúa đồng thân đồng phận với con người


Thứ Ba tuần 3 MV.

St 49:2.8-10; Mt 1:1-17

THIÊN CHÚA ĐỒNG THÂN ĐỒNG PHẬN VỚI CON NGƯỜI

Trang Tin Mừng hôm nay nói về gia phả của Chúa Giêsu. Làm người thì có tổ có tông, và Chúa Giêsu làm người nên Chúa cũng có gia phả. Tuy vậy, việc nói đến gia phả của Chúa, Tin Mừng muốn nói gì với chúng ta cách đặc biệt?

Bản gia phả, dịch sát nghĩa là « cuốn sách về nguồn gốc » : « Gia phả của Đức Giêsu Kitô, con vua Đavít, con tổ phụ Abraham ». Một bản gia phả luôn luôn là khô khan, xa lạ và đều đặn (theo nghĩa là người này sinh ra người kia). Nhưng nếu chúng ta chịu khó dừng lại để « ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng », chúng ta sẽ khám phá cả một lịch sử sống động ở bên dưới hàng chuỗi những tên gọi, thậm chí cưu mang những tên gọi. Khi đó, chúng thấy mình thật gần gũi và có thể cảm nếm được ; bởi vì, Đức Kitô cũng phát xuất từ một lịch sử đầy thăng trầm như chúng ta và còn hơn thế nữa cùng « nguồn gốc » với chúng ta : Đức Ki-tô là con Adam, và « Adam là con Thiên Chúa » (Lc 3, 23-38).

Trước hết, Chúa Giêsu là dòng dõi của những người tin. Gia phả của Chúa không bắt đầu từ Adam nhưng từ Abraham là người cha của những người tin. Điều này có ý nói rằng, niềm tin mới là quan trọng. Bao nhiêu thế hệ trước Abraham không cần biết đến, và cũng không cần gì phải điều tra ghi chép, chỉ khi có lòng tin mới đáng để ghi vào.

Và quả vậy, khi lãnh nhận phép rửa, tức khi tin nơi Chúa, con người được sinh ra, và sẽ mang tên mới. Dù người đó đã sống bao năm, nhưng chỉ kể từ khi tin thì mới kể như người ấy được sinh ra và hiện hữu. Chúa cũng nói đến việc mỗi người phải được “sinh lại”, tức đón nhận đức tin. Hơn nữa, Chúa cũng nói rất nhiều lần : Lòng tin của con đã cứu con. Như thế, Chúa Giêsu là dòng dõi những người tin, và Chúa Giêsu cũng là gương mẫu tuyệt đình của lòng tin.

Điều thứ hai đó là có ba lần “14 đời”, và việc lưu đày tại Babylon cũng được tính làm cột mốc. Điều này cho thấy việc Chúa Sinh hạ được tính toán và chuẩn bị kỹ. Ngẫu nhiên không thể tạo ra ba lần 14! Đây là sự can thiệp của Chúa trong lịch sử để cho có ba lần 14. Và điểu này cho thấy việc Chúa Giáng sinh là sự can thiệp mạnh mẽ, hết mình, hết tình của Thiên Chúa. Điều này còn cho thấy, dù lịch sử có như thế nào, dù có đen tối như khi bị lưu đầy, thì Thiên Chúa vẫn biết, vẫn yêu, vẫn tha thiết, vẫn tính toán, vẫn chuẩn bị, vẫn can thiệp. Thiên Chúa bận tâm đến từng sợi tóc trên đầu con người! Ba lần 14, và 14 làm liên tưởng đến “hai lần bảy” tức hai lần của sự “tròn đầy”, điều này có ý nói dù lịch sử có như thế nào, nhân loại có như thế nào, thì với sự quan tâm, chăm sóc, tận tình của Chúa, Chúa sẽ dẫn lịch sử nhân loại đến sự viên mãn tròn đầy nơi đức Kitô. Vấn đề về phía chúng ta là cần tin tưởng vào sự yêu thương chăm sóc của Chúa, cần đặt trọn niềm tin nới Chúa, cần sinh vào một dòng dõi mới, cần bước đi trong ánh sáng, trong niềm tin và hi vọng của Đức Kitô.

Ta thấy dân tộc Do Thái cũng đầy tội lỗi như bao dân tộc khác ; và tội nhân hiển nhiên là các ông, nhất là vua Đa-vít, một khuôn mặt tượng trưng cho lời hứa, vì gia phả được trình bày theo quan niệm phụ hệ.

Tuy nhiên, các bà vẫn có mặt trong gia phả của Đấng Cứu Thế. Điều này nhắc nhớ sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà E-và, bà Sara, và nhất là Đức Maria. Đặc biệt, lời hứa chiến thắng Sự Dữ được ban cho bà E-và và bà được ban cho danh hiệu cao quí : « Mẹ của mọi chúng sinh » (St 3, 15.20), cho dù đã vi phạm lệnh truyền ! Hơn thế nữa, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại của lịch sử cứu độ, là mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô, ngang qua thánh nữ Maria Magdala (x. Ga 20, 1-2. 11-18).

Vậy, các bà mẹ hiện diện trong gia phả của Đức Giê-su là những ai ?

Bà Ta-ma, phạm tội loạn luân với bố chồng (Mt 1, 3; St 38) !

Bà Ra-kháp, là cô gái đứng đường đất Canaan (Mt 1, 5; Gs 2) !

Bà Ruth gốc Moab, nghĩa là dân ngoại (Mt 1, 5; Rt 4, 12-22) !

Và bà Bátseva, vợ của tướng Uria, phạm tội ngoại tình với vua Đa-vít (Mt 1, 6 ; 2 Sm 11)!

Khám phá này làm cho chúng ta thật an ủi: Đức Giêsu bén rễ trong tội của dân tộc Ngài, dân tộc mà Ngài sẽ cứu vớt (Mt 1, 21) ; và cách Ngài cứu sẽ rất lạ lùng : Ngài sẽ mang lấy vào thân mình ngang qua dân tộc này, tội lỗi của tất cả mọi người :

Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

(Mt 8, 17 trích Is 53, 4)

Và chính trong một lịch sử như thế mà Thiên Chúa làm trào vọt những điều lạ lùng, trào vọt ra Thánh Gia của thánh Giuse, của Đức Maria và của chính Đức Giêsu, làm trào vọt ra ơn cứu độ.

Sứ điệp của bản gia phả không phải là xác định tương quan máu huyết, nhưng là Đức Kitô, ngang qua cuộc sống của mình, và nhất là với Mầu Nhiệm Vượt Qua, sẽ thực sự đảm nhận lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, lịch sử cụ thể của loài người và của từng người để đưa tới đích, là sự sống trong Thiên Chúa. Như thế, lịch của loài người, của từng dân tộc, của từng người trở nên có ý nghĩa và có hướng đi.

Huệ Minh

Read 415 times Last modified on Thứ tư, 18 Tháng 12 2019 07:28