Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 03 Tháng 1 2020 06:12

Đến mà xem

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đến mà xem

Thứ Bảy Mùa Giáng Sinh

1 Ga 3, 7-10; Ga 1, 35-42

ĐẾN MÀ XEM

Hôm nay, ta nghe lời mời gọi Chúa Giêsu gửi đến Anrê và một môn đệ khác của Thánh Gioan Tẩy Giả « Hãy đến mà xem nếu như các anh muốn biết Ta ở đâu và Ta sống như thế nào ! » Cũng như hai ông « đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy », tôi cũng đã đến, xem, sống và trưởng thành trong Hội dòng ấy với Đức Kitô đến ngày hôm nay.

Đến mà xem : Dịch sát là “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe. Mệnh lệnh cách erchesthe có thể hiểu theo nghĩa điều kiện là “nếu như, với điều kiện”. Còn opsesthe là thì tương lai của động từ horaô, có thể hiểu như một lời hứa của Đức Giêsu: TM IV có bốn động từ để diễn tả cái nhìn, từ cái nhìn thể lý nhất đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất, đó là: blepein, theasthai, theôrein, horan [idein]. Động từ sau cùng thuộc về lãnh vực đức tin. Trong Ga 1,39, Đức Giêsu mời các ông di chuyển về phía Người và có cái nhìn đức tin.

Câu trả lời của Đức Giêsu ở đây cũng có một mức sâu hơn: việc khám phá ra nơi ở trần thế của Người tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá ra nơi ở thiêng liêng của Người. Bước đi theo Người theo cách thể lý, các môn đệ thấy nơi trú ngụ của Người; hơn nữa, đã bước đi theo Người cách thiêng liêng bằng lòng tin, họ cũng bắt đầu thấy được nơi ở thiêng liêng của Người, tức Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9).

“Hãy đến mà xem” … đó là lời mời gọi dành cho tất cả những tâm hồn khao khát tìm kiếm gặp gỡ Chúa. Chúng ta có thể nghe kể rất nhiều về Đức Kitô, nhưng nếu chúng ta không một lần mở trang Thánh Kinh ra để đọc, để suy niệm, để lắng nghe tiếng Chúa, thì tất cả những gì chúng ta nghe được đều dừng lại ở sự thích thú, tò mò và không có chiều sâu. Chúng ta có thể theo học nhiều lớp giáo lý, nhiều buổi hội thảo về đức tin và ơn gọi, nhưng nếu chúng ta không dành thời gian để cầu nguyện, để ngồi bên chân Chúa, để « ở lại trong tình yêu Chúa » thì chúng ta vẫn không thể « gặp Đấng Messia » như hai môn đệ ấy. Và nếu chúng ta không « gặp » được Chúa, liệu chúng ta có thể loan báo cho anh chị em sống xung quanh chúng ta về niềm vui có Chúa trong đời, được Chúa yêu thương ?

“Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”. Các môn đệ đã không ngần ngại rời bỏ Gioan để đi theo Đấng mà Gioan gọi là « Chiên Thiên Chúa ». Các ông không ngần ngại bày tỏ ước muốn được biết nhiều hơn về Đấng mà Thầy các ông luôn tôn kính. Và các ông cũng không ngần ngại bước theo Đức Giêsu, dành thời gian để khám phá về Ngài và để Ngài dẫn dắt. Vì ước muốn của các ông cao đẹp, và vì trái tim các ông rộng mở, các ông đã thực sự gặp được Đấng mà lòng các ông khao khát mong chờ. Niềm vui trong tim dâng trào, các ông không thể giữ cho riêng mình, các ông muốn san sẻ cho người thân, bạn bè niềm hạnh phúc được « ở lại bên Chúa ».

Anrê không gặp Simôn Phêrô tình cờ, nhưng đã chủ ý đi tìm ông này, để đưa ông tham dự vào kinh nghiệm mới mẻ và lạ lùng của ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Anrê không chỉ giới hạn vào việc làm chứng, ông còn dẫn Simôn đến gặp Đức Giêsu. Có vô số nẻo đường cụ thể đưa người ta đến với Đức Giêsu: tôi nghĩ đến những nẻo đường đã đưa tôi đến với Người. Trên các nẻo đường này, có lời chứng và gương sáng của những người khác góp vào. Nhưng chắc chắn phần quan trọng vẫn là kinh nghiệm thiết thân tôi có về Đức Giêsu.

Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức quan trọng: “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Tất cả mọi chuyện đều nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không giao cho những kẻ đi theo Người một quyển sách chứa đựng các giáo thuyết và điều luật phải học và phải tuân giữ, nhưng Người kêu gọi họ đi vào một tương quan riêng tư với Người, đi vào hiệp thông với Người. Phần họ, họ không được giữ một khoảng cách an toàn với Người để mà chỉ việc quan sát, nhưng phải dấn thân vào, phải đi với Người, phải đưa bước trên nẻo đường Người đi.

Hãy đến mà xem: Đức Giê-su không hối thúc người ta phải tin Người mà chỉ nới với họ: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến, đã xem thấy lối sống thân thiện, niềm nở, nồng ấm của Người. Họ biết mình đã gặp được một con người tuyệt vời, và thế là phát sinh một tình cảm. Khi ở với Đức Giê-su, họ cảm thấy bình an thoải mái trong tâm hồn. Nhờ tiếp xúc với Đức Giê-su, họ còn khám phá ra chính bản thân mình và quyết tâm sống theo lối sống của Người.

Khác biệt giữa sự áp đặt và tự nguyện theo Chúa: Những người hành quyền trên người khác thì muốn chế ngự người khác, biến họ thành nô lệ theo ý mình. Trái lại, Đức Giê-su không gò ép ai. Người cho người ta tự do lựa chọn theo hay không theo làm môn đệ Người. Chính thái độ sống và gương sáng của Đức Giê-su đã khiến các ông tự nguyện theo làm môn đệ Người

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người suy nghĩ về ơn gọi Kitô hữu của chính mình. Liệu chúng ta có thật sự là một người môn đệ luôn kiếm tìm Chúa từng ngày trong cuộc sống chúng ta ? Liệu chúng ta, giữa bộn bề của công việc, biết dành những giây phút quý giá để đến với Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa không ngừng thì thầm « Ta yêu con, hãy theo Ta, hãy đến để cảm nghiệm tình yêu Ta dành cho con » ? Liệu chúng ta có biết quảng đại và sẵn sàng chia sẻ với tất cả mọi người niềm hạnh phúc được làm con Chúa ?

Huệ Minh

Read 705 times Last modified on Thứ bảy, 04 Tháng 1 2020 07:29

Related items