12/01/2020
Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Mt 3, 13-17
DÌM MÌNH NHƯ CHÚA
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ta mừng hôm nay được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (Cv 1, 21-22; 10, 37-41). Bởi thế, vào những thời kỳ đầu các Giáo phụ đã đặc biệt quan tâm, vì tính cổ thời quan trọng của nó. Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, tượng trưng cho tất cả hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế.
Để cứu rỗi nhân loại, dù vô tội, Chúa Giêsu đã đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mang trên mình tội lỗi của thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này được Chúa Cha chứng dám: " Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Lc 3, 22). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô."(Cl 2,12-13).
Chúa Giêsu chịu phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.
Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.
Nơi Chúa Giêsu, phép rửa hay phép thanh tẩy đã không còn là một nghi lễ, mà đã trở thành một cuộc sống. Tội lỗi đã bị đánh bại không phải bằng nước của phép rửa mà là bằng máu của sự sống. Bí tích thanh tẩy làm cho Kitô hữu trở thành con Thiên Chúa cũng không thể chỉ là một nghi lễ được lãnh một lần rồi thôi, mà phải là chính cuộc sống làm con Thiên Chúa, cuộc sống từ bỏ và đẩy lui mọi tội lỗi. Không phải chỉ là đẩy lui tội lỗi ra khỏi cuộc sống của cá nhân mình, mà còn là ra khỏi nhân loại.
Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa hằng sống.
Bí tích Rửa tội chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như thánh Phaolô:“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Chính lúc Chúa Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.
Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì khi Ađam phạm tội, ông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cửa trời đóng lại và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Thêm một lần nữa Kitô-hữu nhận ra Đức Giêsu sống trọn thân phận con người, khi Ngài nhận mình đồng hàng với con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, chính khi Ngài yêu thương và đồng hóa mình với anh em, thì Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ chân tướng của Ngài qua hành vi và cung cách cư xử của Ngài.
Huệ Minh