10.2.2020
Mc 6, 53-56
LÀ CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA CHÚA
Chúa đã chữa lành nhiều người mà bệnh tật đã khiến họ phải sống cuộc sống nặng nề, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Người đã đến bên họ với lòng xót thương, đưa họ trở về hòa nhập với cộng đoàn, cho họ tham dự vào cuộc sống xã hội và phục hồi phẩm giá cho họ. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục công việc chữa lành, Người thực hiện điều này qua chính những môn đệ của Người.
Trang Tin Mừng hôm nay nói về việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, tại Giênêsarét. Đoạn này được Thánh sử viết kế tiếp việc Chúa Giêsu nuôi đám đông dân chúng hơn 5000 người bằng lương thực hằng ngày (bánh và cá), và Ngài đã khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các Tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi.
Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm: “…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Chúa Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27). Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta, nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen. Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này: “Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Qua đoạn Mc 6, 53-56, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo. Ngài loan báo tin lành bằng cả lời nói và hành vi chữa lành của Ngài. Ngài đuổi xa bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quĩ.
Chúa Giêsu- vị lương y tốt lành đang bước ra khỏi thuyền để lên bờ. Họ liền đi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài đến. Ghennêxarét là Thành Phố thuộc phía Tây Nam Caphácnaum, như thế Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện tại phần đất dân Do Thái. Sự nổi tiếng của Ngài đã khiến người ta tuôn đến để xin chữa bệnh. Họ đặt những bệnh nhân nằm la liệt bên các vệ đường, nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua. Họ mong chờ bóng Ngài ngả lên họ, được Ngài đặt tay trên mình hoặc được đung chạm đến tua áo Ngài là họ được chữa lành.
Trong thế giới Sêmít, Y phục tượng trưng cho chính bản thân con người . Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Hơn nữa, ở đây, tác giả muốn diễn tả rằng: từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ (c. 56) và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường. Chúa Giêsu để cho bệnh nhân chạm đến Ngài nghĩa là vai trò của vị Mục Tử nhân lành được thực hiện cụ thể và thời Mêsia chữa lành đã xuất hiện; Ngài đến chăn dắt những đoàn chiên bơ vơ, (6, 34) không người chăm sóc, dưỡng nuôi.
Thánh Maccô nêu rõ từng quá trình đi lên của niềm tin mà dân chúng dành cho Chúa Giêsu . Đó là: họ nhận ra - họ đi theo - họ được chạm đến và họ được khỏi . Đây là một niềm tin “ tập thể” qua từ “ họ, người ta”. Có lẽ họ nhận ra đây là vị Cứu Tinh nhân trần, được sai đến để cứu họ, nên quyết tâm đi theo Ngài đến bất cứ nơi nào để được chữa lành, Họ muốn gặp gỡ, đụng chạm tới Ngài dù chỉ là tua áo và tin khi tiếp xúc như vậy, họ được chữa lành.
Người ra khỏi thuyền, lên đất liền rồi đi vào các làng mạc, thành thị và thôn xóm. Hẳn nhiên đây không phải là sự nhộn nhịp và sống động của phố chợ hoặc bán buôn. Bầu khí sống động được kiến tạo bởi rất đông người ta và những kẻ ốm đau. Sự nhộn nhịp được tôn tạo nhờ vẻ đẹp của những nét mặt căng tràn tươi vui và hy vọng, của những tiếng cười nói động viên nhau chờ đợi và cố tìm cách đến với Chúa Giêsu, của những lời trầm trồ và kinh ngạc vì hồng ân khỏi bệnh quá lớn và quá bất ngờ, nhất là của chính con người Chúa Giêsu: ân cần, tận tụy, dịu hiền, nhanh nhẹn và đầy quyền năng; sẵn sàng để cho con người quấy rầy, réo gọi và đụng chạm.
Chúa Giêsu có sức thu hút mãnh liệt đối với dân chúng. Họ tin tưởng vào quyền năng và tình yêu thương của Ngài. Họ không mong gì hơn là được chạm vào tua áo của Ngài. Chắc chắn sự đụng chạm này không chỉ sơ sài nơi tua áo, mà là cái đụng chạm của lòng tin, của Trái Tim với trái tim ; mà là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Đấng Chữa Lành và phận người toang vỡ vì đau khổ, bệnh tật và tội lỗi.
Sự đụng chạm ấy, cuộc gặp gỡ ấy đẹp đẽ và xúc động làm sao. Đẹp vì Con Thiên Chúa làm người đã sẵn sàng hiện diện, sẵn sàng ở ngay bên để con người có thể chạm vào bất cứ lúc nào. Xúc động vì con người đã tìm gặp được Đấng đáng cậy tin để họ hân hoan mở cửa lòng mình và vui nhận hồng ân được tái sinh, được chữa lành. Họ hạnh phúc biết bao ! Hạnh phúc vì phận người mỏng dòn yếu đuối nay được tiếp sức bằng Sự Sống của Đấng ba lần Thánh. Hạnh phúc vì kiếp tục trần nay được chạm vào thánh thiêng.
Chuyện đụng chạm, chuyện gặp gỡ, chuyện mở cửa lòng, chuyện chữa lành hôm xưa vẫn tiếp diễn hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thiên Chúa vẫn có đó, trong mọi biến cố đời thường, trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của giáo hội, trong kinh nguyện và nhất là trong mỗi Thánh Lễ. Người vẫn đi giữa nhân loại, vẫn rảo bước khắp làng mạc thôn xóm, vẫn ở đó với con người trong mọi phút buồn vui cuộc đời, vẫn sẵn sàng cho những quấy rầy và đụng chạm của con người. Liệu ta có muốn chạm vào Người và mở lòng cho những cuộc gặp gỡ thần diệu ấy chăng ? Liệu ta có muốn Người chữa lành những tật bệnh tinh thần và thiêng liêng cho ta chăng ?
Trên những bước chân âm thầm dấn thân phục vụ, Mẹ Têrêsa và các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái đã bồng ẫm, đón nhận biết bao người bị vất bỏ, sống vất vưởng nơi các đường phố, cống rãnh, hố rác. Mẹ và các chị em của Mẹ đã mang họ về để lau chùi, tắm rửa, chăm sóc, chữa lành. Chính qua công việc dấn thân phục vụ ấy, những con người khốn cùng, mất hết niềm hy vọng đã tìm lại được niềm tin và phẩm giá của mình.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa, cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáonhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Nhờ Đức Giêsu Kitô, cùng với Người và trong Người mà Mẹ Têrêsa và biết bao tâm hồn quảng đại khác đã và đang sẵn sàng hy sinh tất cả để dấn thân phục vụ cho những con người khốn cùng. Các vị ấy chính là những cộng sự viên đắc lực của Chúa mà thế giới ngày nay đang cần. Ta có sẵn sàng trở nên những cánh tay nối dài, những cộng sự viên đắc lực của Chúa không?
Huệ Minh