14.2.2020
Mc 7, 31-37
XIN CHÚA CHỮA LÀNH CHO TA
Duy chỉ có Tin Mừng Mác-cô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị câm điếc. Người thực hiện phép lạ này tại miền Thập Tỉnh, nơi cư dân hầu hết là dân ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc như sau: đặt ngón tay vào tai anh ta, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên lên một tiếng và nói “Épphatha!”-“Hãy mở ra!” Lập tức bệnh nhân được chữa lành: tai anh ta đã mở ra để nghe được và lưỡi anh ta đã được tháo cởi sợi dây ràng buộc để nói được rõ ràng.
Ta thấy người ta đem đến cho Người một người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7, 31-32). Người điếc là người mất khả năng nghe và ngọng là khả năng nói bị hạn chế hay nói không rõ ràng. Anh không nghe nên anh không hiểu được mọi người nói gì. Anh ngọng nên khả năng diễn tả của anh không rõ ràng.
Chúa Giêsu đã “hãy mở ra” với anh điếc câm, chính là Chúa muốn đưa anh từ một trạng thái bất toàn đi đến một sự hoàn hảo. Sứ vụ của Chúa khi đến thế gian là loan báo và chữa lành. chính Chúa cũng muốn khi được chữa lành, chúng ta phải là những người nói về Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta nói về Thiên Chúa như lòng Chúa mong muốn ?
Trong cử hành bí tích rửa tội trẻ em, có lời nguyện hãy mở ra như nhắc nhớ sự chữa lành của Chúa đã có ngay từ ban đầu và kêu mời chúng ta hãy ca tụng Thiên Chúa, nói về Ngài ngay từ tấm bé chứ không phải chỉ có lúc lớn khôn. Nhưng không hiểu sao lớn lên chúng ta dễ bị khiếm thính và câm lặng !? Nếu chẳng may có dấu hiệu khiếm thính, hãy cầu xin Chúa chữa ngay kẻo trở nên mạn tính sẽ phải chìm đắm suốt đời trong im lặng.
Điều đó khiến cho mọi người không hiểu được anh. Cuộc sống của người vừa điếc vừa ngọng bị đóng kín lại và các mối tương quan với xã hội, với con người bị cắt đứt và khép kín lại. Đặc biệt, người đương thời quan niệm bệnh tật là biểu hiện của tội lỗi. Điều đó làm cho mọi người có thành kiến không tốt về người bệnh, xem thường họ và xa tránh họ.
Sau khi hoàn tất mỗi công trình sáng tạo, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm đều tốt đẹp” (St 1, 31). Tội lỗi đã khiến cho con người sợ hãi và đi vào cõi chết. Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai đã đến và thực hiện những việc chữa lành và khôi phục lại phẩm giá con người. Nhờ hành động của Chúa Giêsu, thế giới được tạo thành đã bị hỏng do tội nay được tái thiết tốt đẹp.
Tạo thành mới đã được bắt đầu qua hành động cứu độ của Chúa Giêsu, Người đã làm người để con người được làm Con Thiên Chúa. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ chữa lành cho từng người, “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”( Is 35,5-6). Chính Chúa Giêsu đã đưa tay kéo anh thanh niên ra khỏi đám đông. Người dùng tay sờ vào tai và chạm vào lưỡi để chữa lành anh. Lập tức tai anh mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh nói được rõ ràng.
Thời Chúa Giêsu, nhiều người Do Thái cũng bị điếc trước Tin Mừng, họ cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì (Cv 7, 51), lòng họ đã ra chai đá và họ đã bịt tai nhắm mắt (Mt 13, 15) trước lời rao giảng của Chúa Giêsu và những phép lạ Người làm. Nhiều môn đệ sau một thời gian theo Chúa cũng quyết định bỏ Người vì lời Người chướng tai quá (Ga 6, 60), còn nhiều ông không hiểu được những lời rao giảng của Chúa Giêsu vì lòng họ còn ngu muội, họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (Mc 17-18).
Nhiều người Kitô hữu ngày nay mặc dù thể xác họ lành lặn, bình thường nhưng họ “có hai tai, mà chẳng thể nghe chi” ( Tv 135, 17). “Họ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4, 4). Họ để tâm đến những lời bất chính, lắng tai nghe những chuyện hại người. Họ sống khép kín với những người thân chung quanh, dửng dưng với những con người nghèo hèn bên lề xã hội, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác.
Và có thể đôi khi chúng ta cũng có khuynh hướng sống như những người câm điếc, khi chỉ quan tâm đến chính mình. Rơi vào tình trạng đó, chúng ta tự tách biệt, xa lìa anh em. Chúng ta bị câm điếc khi để mất khả năng lắng nghe người khác; vì thế, không hiểu biết, cảm thông và chia sẻ. Chúng ta bị câm điếc, khi nghe người khác, nhưng lại cố tình không hiểu, hoặc hiểu sai, hay hiểu theo ý mình, bóp méo sự thật, làm sai lạc chân lý. Chúng ta bị câm điếc, khi chúng ta không dám mạnh dạn sống đức tin, e ngại tôn trọng sự công bình, chính trực, thiếu nghị lực thực hiện đức bác ái, yêu thương, không biết thương cảm, giúp đỡ những người bất hạnh, khổ đau. Xa lià anh em cũng là dấu chỉ cho biết không gần gũi với Thiên Chúa. Bởi vì, sống với anh em bằng xương, bằng thịt hữu hình thế nào, chính là sống với Thiên Chúa vô hình như vậy.
Phải chăng hôm nay chính chúng ta cũng phải kêu cầu Chúa mở tai và miệng lưỡi để lắng nghe và rao truyền Lời Chúa ? Nhất là các gia đình ngày nay đang phải đối mặt với nhiều bão táp kinh khủng của tiền tài, vật chất, công việc, danh vọng, hưởng thụ như cuốn hút mọi người ra khỏi sự an toàn của những luân thường đạo lý… Nếu cứ để cho tai bị điếc, chúng ta sẽ không nghe thấy những nhức nhối, khao khát, ưu tư hay sự chuyển biến của gia đình và xã hội.
Người câm điếc nầy cũng là hình ảnh của thế giới chúng ta đang sống, một thế giới đang bị chi phối bởi cá nhân chủ nghĩa. Chỉ bo bo giữ chặt lấy những lợi lộc riêng tư, hay những đặc quyền, đặc lợi của riêng mình, trở thành câm điếc với tất cả những gì không phải là của mình, không thuộc về mình.
Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.
Huệ Minh