23.2 Chúa nhật VII TN
Mt 5, 38 - 48
YẾU NHƯ CHÚA YÊU
Thời Cựu Ước, luật yêu thương được hiểu là không hại người anh em, phải yêu thương đồng loại: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Trong sách Huấn Ca, tác giả cũng dạy không được oán hờn, giận giữ anh em mình, vì nếu thù ghét đồng loại mình và không tha thứ cho nhau thì không xứng đáng được Chúa tha thứ cho mình.
Tuy nhiên, luật Cựu Ước, theo lẽ công bằng thì yêu tha nhân là những người đồng chủng, đồng bào, nghĩa là chỉ người Do thái. Còn tất cả mọi người khác là ngoại bang, là kẻ thù, không được thương mà cũng không được giúp. Ngược lại, còn khuyên tránh xa, và nếu cần có thể giết nữa (Đnl 20, 13-17; 23,4-5; 25,17-19). Luật công bằng cũng hiểu là: “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Chúa Giêsu đã khẳng định, ngài đã không đến hủy bỏ Lề Luật, mà là kiện toàn khi đưa nó đến chỗ hoàn hảo của nó. Ngài nói, sự công chính của những người kitô hữu phải vượt qua sự công chính của những người biệt phái và luật sĩ. Như thế, lý tưởng được Chúa Giêsu đề nghị dẫn đi rất xa và rất cao. Phúc Am hôm nay cũng đi theo đường hướng đó, khi thoáng mở cho thấy: đâu là những đòi hỏi của tình yêu đối với một người muốn dứt khoát đi theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật bằng việc thổi vào đó tinh thần của tình yêu, lòng bao dung và tha thứ. Vì thế, theo giáo huấn của Chúa Giêsu về luật yêu thương tha nhân, thì sự bao dung đại lượng còn phải đi tới chỗ yêu thương luôn cả thù địch nữa, Ngài nói: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: ‘Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con’” (Mt 5, 43-44).
Thánh Phaolô cũng tiếp lời giáo huấn của Chúa Giêsu khi nói: “Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ... Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát hãy cho nó uống [...]Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 14, 20-21). Rõ ràng, Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải khước từ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù, bởi vì: “Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Ngài mời gọi các môn đệ hãy tha thứ vô điều kiện: “Không phải chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7”. Như vậy, vị chi là 490 lần, tức là yêu thương không ngừng.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, và trong khi tạo dựng nên chúng ta, ngài đã để lại nơi chúng ta dấu ấn linh thánh của ngài. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh ngài và giống như ngài. Chúng ta không phải là Thiên Chúa, nhưng trong chúng ta có sắc thái thần thiêng của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là Thiên Chúa, nhưng chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
Ta thấy ta không phải là Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta về với ngài, gắn bó với ngài, để chúng ta càng ngày càng trở nên giống ngài hơn. Chúng ta không phải là Thiên Chúa, nhưng thần khí của Thiên Chúa ngự trong chúng ta, đến nỗi những tư tưởng của Thiên Chúa có thể trở thành những tư tưởng của chúng ta; những chương trình, dự án của ngài có thể trở thành của chúng ta; đến nỗi chính tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta có thể trở thành tình yêu mà chúng ta có thể biểu lộ cho nhau.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, là câu then chốt của đoạn Tin Mừng này, tức lả “bắt chước Thiên Chúa”, như Fray Luis giải thích: “Phẩm chất đầu tiên của nhân đức này chính là nó làm cho con người nên giống Thiên Chúa và giống đức tính vinh quang nhất ở nơi Người, lòng từ bi nhận hậu của Ngài (Lc 6, 36). Vì chắc chắn sự hoàn thiện bậc nhất một thọ tạo có thể có là phải nên giống Đấng Tạo Hóa của mình; và càng nên giống Người, càng nên hoàn thiện”
“Hãy yêu kẻ thù”. Đó là lệnh truyền đã được Chúa Giêsu nhắc lại hai lần trong bài tin Mừng hôm nay. Đó cũng là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Người. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Người đã làm gương cho chúng ta khi Người xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Hơn nữa, Người còn minh oan cho họ : “Vì họ lầm chẳng biết”.
Trong thực tế ta thấy ta không bao giờ chúng ta sẽ yêu mến như chúng ta được Thiên Chúa yêu mến, và không bao giờ chúng ta sẽ tha thứ như ngài tha thứ cho chúng ta. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để, mỗi ngày, trong suốt cuộc đời, chúng ta không tìm kiếm thực hiện một bài ca tình yêu của lòng thương xót, cho những người chung quanh chúng ta, bằng những hành động cụ thể, cho dù rất nhỏ bé. Trên mặt đất, không bao giờ chúng ta sẽ thánh thiện như Cha trên trời là Đấng thánh, và không bao giờ chúng ta sẽ hoàn hảo như ngài. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chúng ta tự bằng lòng vói cái ít ỏi của mình, và để chúng ta không hướ
Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong, nhưng sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công và bạo động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện pháp chế tài hình sự.
Thật ra đây chính là lối sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chết vì không nhường bước trước các áp lực của sự thận trọng hoặc của lương tri. Khi làm như thế, Người không đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố các tương quan giữa con người với con người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là bắt chước Chúa Giêsu, là quy tắc duy nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con đường duy nhất để vượt qua nền luân lý Pharisêu.
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ". Đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Nhưng Ngài đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá “lạy Cha, xin tha cho họ vì nó lầm chẳng biết”. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may hầu sám hối và canh tân để được cứu độ.
Huệ Minh