Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD
Tác giả Khắc Bá, SJ (dòng Tên) trên trang CTV Vatican News có bài viết: “Mùa Chay: lời mời gọi hướng về Thiên Chúa trong bối cảnh sự dữ”, trong phần đầu, ngài nêu ra và phân tích rằng: hiện trạng thế giới trong những ngày này, từ dịch bệnh đang hoành hành, đến những xung đột chính trị, sự lọc lừa, ô nhiễm môi trường… đang khiến chúng ta rơi vào một bức tranh ảm đảm, nhuốm màu tối sẫm bởi sự dữ. Trong bối cảnh đó, nhiều người rơi vào trạng thái bi quan, hoang mang, mất động lực, mất sức sống, vì không còn tin vào viễn tượng tốt lành của thế giới và ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đời. Đáng sợ hơn, sự ám ảnh đó làm cho chúng ta mất dần cảm thức, niềm tin và hy vọng vào sự thiện hảo cũng như vào một Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Đứng trong guồng máy đó, và thiêng liêng hơn là trong sự liên đới với anh chị em đồng loại. Chúng ta, những Ki-tô hữu nói riêng và thế giới nói chung được mời gọi trở về, trở về với chính mình, với tha nhân và đặc biệt là trở về với Thiên Chúa nhân lành.
Để thấy rằng, chúng ta có một phần trách nhiệm ở trong đó, khi ta chưa sống đúng với ơn gọi, với phẩm giá của những người con cái Chúa. Lời mời gọi trở về, đặc biệt trong Mùa Chay này cũng đòi hỏi mỗi chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn về con người, về Thiên Chúa và về cuộc sống hiện sinh này. Dù trời đất và lòng người có đổi thay, thì Chúa vẫn là Người Cha luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta, như lời bài hát “Tình Chúa trung kiên” của Giám mục Nguyễn Năng: “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm biến thay, dù lòng ta nghi nan hững hờ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Kính thưa cộng đoàn,
Đó cũng là tinh thần mà sứ điệp Mùa Chay năm nay, công bố ngày 24/02/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu/ đón nhận mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa để hoán cải, và để cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Từ đó, dấn thân trong đời sống cầu nguyện, đồng thời cảm thương_ những vết thương của Chúa Kitô nơi các nạn nhân vô tội.
Tất cả mọi việc tốt lành mà Giáo hội khuyên chúng ta làm: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Tất cả đều nhằm mục đích đó, là để tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
Ăn chay không chỉ là nhịn một miếng ăn, nhưng sâu xa hơn là nhằm giảm bớt tính xác thịt, sự ích kỷ. Vì chúng ta luôn tìm cách thỏa mãn chính mình và ít khi quan tâm người khác. Do đó, chay tịnh là phương thế giúp ta làm chủ bản thân và hướng chúng ta sống theo ý Chúa, lớn lên trong tình liên đới với Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện giúp hướng lòng chúng ta lên với Chúa, để sống gần gũi với Chúa hơn. Để làm gì? Để chiêm ngắm Chúa là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Và để lòng thương xót của Chúa thấm vào trong cách suy nghĩ của chúng ta, trong tâm trí, trong từng cái nhìn, trong cách sống, cách ứng xử của chúng ta. Từ đó, chúng ta nhận ra bản tính mỏng dòn nơi chính mình/ mà luôn biết biết khiêm tốn và tín thác vào Ngài.
Bố thí giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với tha nhân, xem người đồng loại như chính mình, từ việc mở trí óc, mở lòng, mở con tim, mở mắt và mở đôi tay, để trao ban của cải đến việc trao ban chính bản thân mình. Việc trao ban chỉ có thể bắt đầu, sau khi chúng ta đã cảm nghiệm được sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Vì thế, tất cả những việc làm tốt đẹp trong Mùa Chay mà Giáo hội mời gọi các Ki-tô hữu thực thi: ăn chay, cầu nguyện, bố thí, nhằm mục đích là tập cho chúng ta dần dần bước vào quỹ đạo của lòng thương xót, để chúng ta trở nên những con người biết thương xót, biết cảm thương những vết thương của Chúa Kitô. Nghĩa là làm sao? Theo Đức Thánh Cha Phanxicô là hãy biết “đặt Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống của mình, nghĩa là cảm thương đối với những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh đang hiện diện, nơi bao nhiêu nạn nhân vô tội vì chiến tranh, vì những lạm dụng chống lại sự sống, từ các thai nhi cho đến người già, những hình thức bạo lực, các thảm họa môi trường, sự phân phối bất công các tài nguyên của trái đất, những vụ buôn bán người dưới mọi hình thức, và sự miệt mài tìm kiếm lợi lộc vô độ, vốn là một hình thức tôn thờ thần tượng”.
Và con thiết nghĩ, cụ thể trong dịp này, chúng ta hãy đặt mình _ nơi những nạn nhân của đại dịch covid-19, corona virus, để mang lấy và ấp ủ họ trong từng lời cầu nguyện, trong từng Thánh lễ và trong từng việc tốt lành mà chúng ta làm trong Mùa Chay thánh này, để dâng lên Thiên Chúa là cha nhân lành, xin Ngài xoa dịu và cứu chữa họ, chữa lành thế giới chúng ta đang sống.
Cuối cùng, xin mượn ý lời nguyện của Thứ Tư Lễ Tro trong sách Kinh Thần Vụ để kết thúc: “Lạy Chúa, hôm nay, chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khổ chế, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.” Amen.