Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 02 Tháng 3 2020 06:58

Lời kinh dễ thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lời kinh dễ thương


3.3.

Mt 6, 7-15

LỜI KINH DỄ THƯƠNG

Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.

Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.

Mặc dầu người ta đã nói nhiều về kinh này, nhưng nhắc lại một lần nữa ở đây, thiết tưởng cũng là điều tốt. Kinh Lạy Cha gồm hai phần. Trong phần đầu ta lo đến những sự thuộc về Chúa. Ta cầu xin cho điều Chúa muốn được thực hiện: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Từ phần thứ hai của kinh, ta mới quan tâm đến những chuyện thuộc về ta: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ …”.

Muốn cầu ngụyện nên, phải cầu nguyện theo cách này. Việc của Chúa phải được đặt lên hàng đầu. Việc của ta phải ở hàng thứ yếu. Nếu ta đặt những lợi ích của ta lên trên và trước những lợi ích của Chúa, nếu ta nghĩ đến ta trước khi nghĩ đến Chúa, là ta cầu xin điều trái ngược. Và Thiên Chúa không ưa điều gì làm trái ngược.

Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin".

Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.

Và ta thấy Chúa cũng dạy ta tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, và tinh thần đơn sơ khiêm tốn nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng: “Khi anh cầu nguyện, thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều”. Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng, nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, thánh Phanxicô có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục bên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ như sau: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”.

Khi dạy kinh Lạy Cha, không những Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng Ngài còn muốn cho chúng ta ý thức địa vị của con người chúng ta. Ngài nói rằng: sự viên mãn của thân phận chúng ta, và của hạnh phúc chúng ta là ở chỗ tự vượt lên khỏi mình nơi Thiên Chúa, trong ý muốn và trong Nước Ngài; nhưng để đến đó, chúng ta có thể tin cậy ở nơi Ngài. Đàng khác ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực thi sự hòa giải với nhau giữa con người, hòa giải mà Thiên Chúa ban cho qua mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Địa vị con người đặt chúng ta trong hai mối tương quan mà thực ra chỉ là hai nhịp điệu của cùng một đời sống duy nhất. Đối với Thiên Chúa, tương quan của chúng ta là tương quan con thảo; đối với con người lại là tương quan huynh đệ.

Cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình. Thánh Phaolô tông đồ giãi bày như sau: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu van không thể diễn tả được” (Rm 8,26)

Chính Chúa nói cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúa đã đề ra những cách thức phải cầu nguyện làm sao: cầu nguyện nơi kín đáo, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện với lòng tin, cầu nguyện chung nhau hai ba người họp lại. Bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta một điểm nữa khi cầu nguyện là “chớ có lải nhải nhiều lời như dân ngoại.” Sở dĩ Chúa đưa ví dụ này ra là vì các thầy Biệt phái đã làm sai mục đích việc cầu nguyện, và họ gán cho việc cầu nguyện có một giá trị như cái máy, hễ đọc lên là được ơn, không kể gì đến nội tâm cõi lòng. Nhưng Chúa nhấn mạnh đến tâm hồn.

Cầu nguyện nói lên một mối tương giao giữa Thiên Chúa và con cái Ngài, cho nên không phải xin xỏ mới là cầu nguyện hay mới là tương giao với Chúa. Một đứa con trong gia đình, dù không xin gì nhưng vẫn có một tình nghĩa đậm đà, và cha mẹ vẫn chuẩn bị những thứ cần cho tương lai của chúng. Thiên Chúa Cha trên trời há lại không hơn thế ư? Một vị thánh đã nói, khi thấy chúng ta cần điều gì thì chính Thiên Chúa làm chúng ta cảm động nhớ tới điều đó. Như vậy thì việc chúng ta cầu nguyện lại bắt đầu từ chính Thiên Chúa chứ không từ chúng ta đâu.

Nhờ bí tích Rửa tội mà ta đã lãnh nhận, mỗi người Kitô hữu sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần, để phát triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu ta không phải là người cầu nguyện thì không ai tin ta làm việc vì Chúa

Ta phải học cho biết cầu nguyện đúng chỗ. Cầu nguyện đúng chỗ, là quan tâm trước hết đến Chúa, là dành cho Người địa vị hàng đầu, còn ta đứng hàng thứ yếu. Nếu ta không có khả năng làm được như vậy, thà rằng chú ý và thành tâm đọc kinh Lạy Cha nhiều lần còn tốt hơn.

Huệ Minh

Read 680 times Last modified on Thứ tư, 04 Tháng 3 2020 06:26