Chúa nhật
VI Phục Sinh
17.5.2020
Ga 14, 15-21
LỬA TÌNH YÊU
Với bối cảnh chia ly, các môn đệ cảm thấy đau lòng bởi cuộc chia cách. Các ông tự hỏi là làm thế nào các ông có thể tiếp tục sống với Chúa Giêsu nếu Người ra đi. Chúa Giêsu hứa là Người sẽ không bỏ các môn đệ một mình, không người che chở, không ai hướng dẫn. Người loan báo có mộtsự trợ giúp khác sẽ đến, đó là Thần Khí sự thạt (14,15-17) và chính Người cũng sẽ đến (14,18-21). Người tuyên bố rằng tất cả những giáo huấn Người đã ban cho các ông từ trước đến nay sẽ không bị lỗi thời, nhưng vẫn có giá trị mãi mãi. Chỉ người nào gắn bó với các giới răn của Người mới có thể nhận được Thần Khí và mở ra với tình yêu của Chúa Giêsu và của Chúa Cha.
Chúa Giêsu hứa sai một Đấng Bầu chữa. Danh xưng lạ lùng này, vốn không có trong cách dùng thông thường của ngôn ngữ chúng ta, là chữ phiên dịch từ một kiểu nói Hy lạp có nghĩa được kêu tới bên cạnh…”; các tiếng đồng nghĩa với nó có thể là: người trợ giúp, trạng sư, kẻ nâng đỡ… Khi Chúa Giêsu nói đến một vị Bầu chữa khác, ta có thể nghĩ rằng chính Người là Đấng Bầu chữa đầu tiên là Vị rồi đây được sai đến với các sứ đồ sẽ làm cho họ hiểu hơn về Người; Ngài sẽ là kẻ mặc khải, bảo vệ Chúa Kitô trong tâm hồn người tín hữu chống lại các cơn cám dỗ và bách hại của thế gian.
Ta thấy Thánh Thần là hồng ân được ban cho chúng ta như hoa quả mà Chúa Kitô thâu lượm được nhờ cuộc Tử nạn của Người. Chính khi làm cho chúng ta đồng hóa với Chúa Kitô mà Thánh Thần đặt trong chúng ta tâm tình con thảo mà Chúa Cha mong đợi nơi chúng ta. Như thánh Phêrô nói: “Tất cả những ai được Thần khí tác sinh, đều là con cái Thiên Chúa”.
Chính vì Tình Yêu nên Ba Ngôi đã hiệp nhất nên Một Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm Ba Ngôi cực thánh. Một Chúa Ba Ngôi đã thể hiện rõ ràng trong Ngôi Lời nhập thể ở tất cả những hoạt động cũng như lời giảng dạy của Người. Điều đó cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn hiệp cùng Chúa Cha ở trong Chúa Con vậy. Ngay từ trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần đã là “Lời và Hơi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống mọi thụ tạo.” (Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2; 2, 7; Gv 3, 20-21; Xh 37, 10).
Đến với Tân Ước thì Đức Ki-tô luôn dạy dỗ môn đệ về Thần Khí Sự Thật. Không những chỉ là Lời giảng dạy, mà chính Chúa Giêsu cũng chịu sự tác động mãnh liệt của Thần Khi (khi Người sinh ra tại hang đá Bê-lem, khi Người chịu phép rửa trên sông Giođan, khi Người được Thàn Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ, khi Người biến hình trên núi Tabo, khi cầu nguyện kể cả khi Người tử nạn trên Gôngôtha).
Quả vậy, không phải anh em đã nhận lấy Thần khí của hàng nô lệ để mà phải sợ hãi; nhưng anh em đã nhận lấy Thần khí của hàng nghĩa tử làm cho chúng ta thốt lên: Abba, Cha! Chính Thần khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa (Rm 8, 14- 16). “Ta sẽ không để các con mồ côi. Ta sẽ trở lại với các con”. Chúa Giêsu đã đến làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Cha Người. Người đã đến bằng con đường nhập thể để thực hiện kế hoạch tình yêu đó.
Thiên Chúa luôn đi bước trước, yêu thương con người trước và khi con người tuân giữ luật Chúa, họ chứng tỏ họ đã đón nhận, muốn triển nở tình yêu, thăng hoa tình yêu nơi bản thân của mình và trân trọng tình yêu ấy, do đó, họ tuân giữ những điều Chúa dạy để tình yêu của Chúa không bị ứ đọng mà tình yêu của Chúa được lan tỏa đến với mọi người. Chúa Giêsu hiểu giá trị của Lời Ngài, Lời ban sự sống, cứu độ và dẫn đưa con người tới hạnh phúc.
Tuy vậy, Lời của Chúa không thể sinh hoa kết quả nếu con người chỉ nói trên đầu môi chóp lưỡi, nói cách suông, ơ hờ, hời hợt, nhưng những điều Chúa nói cần phải đem ra thực hành với lòng yêu mến. Xưa, Chúa đã trấn an các môn đệ : “Đừng xao xuyến, đừng lo âu”. Ngài ra đi về cùng Chúa Cha nhưng ngài sẽ xin Chúa Cha sai Đấng phù trợ đến. Thánh Thần sẽ hiện diện để hướng dẫn, soi đường chỉ lối cho các môn đệ, cho mọi người. Ngày nay, Chúa cũng nhắc nhở chúng ta : “Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì phải tuân giữ giới răn của Chúa”.
Tất cả lề luật chỉ tóm gọn trong hai điều : “mến Chúa và yêu tha nhân” (Mt 22, 40). Đây là điều chính yếu. Bởi vì đó là chân lý. Chúa đã xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để gìn giữ Giáo Hội đi trong sự thật. Chỉ khi nào chúng ta tuân giữ giới răn Chúa, thực hành những điều Ngài dạy với lòng yêu mến.Chúng ta mới được hưởng dồi dào ân sủng, bình an và sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi tâm hồn và nơi cuộc sống trần thế này.
“Ai yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu mến”. Chúng ta gặp lại ở đây, dưới hình thức rõ ràng và đánh động hơn, một trong những chân lý cơ bản thường năng được trình bày trong Tân ước. Tương quan giữa chúng ta với Chúa Giêsu cấu tạo nên tương quan với Chúa Cha. Vâng giữ lệnh truyền của Chúa Giêsu là vâng phục Chúa Cha; cầu nguyện với Chúa Giêsu là cầu nguyện với Chúa Cha; ca tụng Chúa Giêsu, tức nhìn nhận thực thể của Người trong niềm thán phục và vui mừng, là phó thác vào Chúa Cha.”Các con sẽ phải khốn quẫn, nhưng hãy vững lòng! Ta đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Yêu mến… thì sẽ thực thi… phải luôn gắn liền với nhau. Yêu mến Chúa Giêsu thì hẳn phải thực thi lệnh truyền của Ngài, mà lệnh truyền đó đã được ChúaGiêsu gói trọn trong hai giới răn: “Mến Chúa và yêu người”. Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em đồng loại là hai mặt của một tình yêu. Thánh Gioan đã nói rất rõ: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ là phải yêu và thực hành tình yêu đó cách chân thật, vô vị lợi, dán chấp nhận hy sinh vì người mình yêu. Tình yêu đó được chính Đức Giêsu đã hành động, đi qua và Ngài đưa ra lời mời gọi: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như chính thầy là gì, nếu không phải là một tình yêu tự hủy, khiêm tốn, phục vụ và hiến dâng mạng sống vì người mình yêu.
Và Lời Chúa ngày hôm nay dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa Giêsu để được ban Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, được Chúa Cha và Chúa Giê-su yêu thương và được Chúa Giê-su tỏ mình ra. Yêu mến Chúa Giêsu không phải bằng tình cảm ủy mị, ướt át mà bằng những việc làm cụ thể là tuân giữ các giới răn, thực thi các lệnh truyền của Người.
Huệ Minh