Ta thấy rong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…
Và rồi việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này.
Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng thuật lại rằng năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Thánh Gia cũng trẩy lễ Vượt Qua như các năm trước. Lễ Vượt Qua kép dài suốt bảy ngày. Ngày cuối cùng, khi mọi người phải ra về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào một cuộc thị kiến chí năng; giác quan Mẹ không còn cảm thấy gì xảy ra chung quanh nữa. Còn Thánh Giuse, Chúa nâng lên chiêm ngắm cao xa, trầm tư mặc tưởng những sự trên trời, cứ tin chắc rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ Maria.
Trong khi đó, ở ngay cửa thành, Chúa Giêsu đã rời khỏi cha mẹ mà ở lại, không về. Tại Do Thái thời đó có tục là trong cuộc kính viếng Đền Thờ ấy, lúc ra về, nam giới đi riêng một ngả, và nữ giới cũng đi riêng một ngã; còn trẻ con muốn đi với ai cũng được.
Lúc thôi trầm mặc, không thấy Chúa Giêsu đi với mình, Thánh Giuse nghĩ rằng Chúa đi với Mẹ Maria, vì tin thật rằng Chúa và Mẹ không thể rời nhau được bao giờ. Còn Mẹ, khi ra khỏi thị kiến, không thấy Chúa Giêsu, lại nghĩ rằng Chúa tặng cho Bạn Thánh của mình được cái vui đồng hành, với niềm tin đó, cả hai đều bình thản mà đi suốt một ngày đường, như thánh ký Luca đã thuật lại. Nhưng khi tới nơi đã định gặp nhau trước để qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới chết lịm vì Chúa chẳng đi với ai cả.
Và như thế thế là lạc mất Chúa rồi. Mẹ và Thánh Cả đau đớn qúa không sao nói được lên lời, ai cũng nhận là tại lỗi mình mà lạc mất Chúa. Đôi Bạn liền trở lại Thành Thánh ngay, hỏi han khắp nơi về Chúa. Không một ai đã gặp Ngài. Mỗi lúc đau đớn một tăng thêm, Mẹ đành hỏi thăm các Thiên Thần hầu cận các vị này trả lời một cách lững lờ không dứt khoát, làm lòng Mẹ càng thêm đoạn trường trăm khúc, nước mắt càng tuôn chảy tran hòa. Mẹ tự hỏi không biết có phải là Vua Arkêlau đã dò ra tung tích Chúa mà bắt giam rồi không; có lúc lại ngờ rằng Chúa đã vào sa mạc thăm Gioan tiền sứ của Ngài rồi. Mẹ nức nở trong lòng, than van những lời ảo não: “Ôi Con là Tình Yêu tha thiết của Mẹ, Mẹ biết tìm Con ở đâu bây giờ? Con lại muốn chia lìa Mẹ để Mẹ chết hay sao? Con hãy cho Mẹ biết phải làm gì để đáng tìm được con đi! Con đi đâu, Mẹ cũng muốn theo đến sống ở đó, dầu là nơi rừng thiên nước độc, dầu là nơi giáo nhọn gươm trần, dầu là chỗ ấy đầy đau thương khốn cực. Lúc con che khuất mắt Mẹ Thần Tính của Con, Mẹ còn được thấy ít là Nhân Tính của Con. Nhưng bây giờ, cả Thần Tính và Nhân Tính của con, Mẹ cũng không thấy. Mẹ chỉ biết sợ hãi khóc than thôi, Con ơi!”.
Ta thấy nỗi đau khổ của Mẹ trong những ngày ấy thật cao vượt hơn hết tất cả những khổ hình các vị tử đạo đã phải chịu. Nhưng một điều lạ lùng là Mẹ không bao giờ Mẹ mất sự bằng an trong tâm hồn, không ngớt ca tụng Thiên Chúa và trông cậy ở Ngài. Sau ba ngày tìm tòi uổng công, không ăn, không ngủ, không cả nghỉ ngơi, Mẹ có ý tưởng đi vào sa mạc tìm Chúa, nhưng các Thiên Thần ngăn cản lại. Mẹ liền định đi Bêlem, nghĩ rằng có thể Chúa Giêsu trở lại thăm nơi sinh hạ. Các Thiên Thần cũng khuyên Mẹ đừng đi thế là Mẹ phải quay về Giêrusalem. Vừa đi vừa hỏi thăm người ta, và tả ra dáng hình dung mạo Con mình.
Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không hiểu được lời nói mầu nhiệm đó. Có như vậy là vì Mẹ và Thánh Cả đến quá muộn, nên không hiểu được mối liên lạc giữa lời nói ấy với bài dài Chúa nói trước. Ngoài ra, còn vì Mẹ và Thánh Cả được tràn ngập trong hạnh phúc tìm lại được con mình; và sau cùng, vì tấm màn che khuất không cho Mẹ nhìn thấy nội tâm Con Mẹ, nội tâm mà một ít lâu sau mới được tỏ ra. Dầu vậy, khi Mẹ được ở một mình với Chúa, Mẹ đã ẵm hôn Chúa mà nói: “Con của Mẹ, nếu Mẹ đã lạc mất con vì lỗi của Mẹ, xin con tha cho Mẹ. Rồi, xin con từ nay đừng bắt Mẹ phải vắng mặt con nữa”. Chúa Giêsu thoả lòng nhận lời Mẹ xin, và hứa sẽ là Thầy dạy, là Bạn thiết của Mẹ suốt trong thời gian còn lại cho tới khi vâng ý Chúa Cha. Lúc Thánh Gia đã ra khỏi Giêrusalem một quãng xa, nơi cánh đồng vắng vẻ Mẹ mới xấp mình mình xuống xin Chúa ban phép lành cho, vì lúc còn trong thành Mẹ chưa làm việc ấy. Chúa nâng Mẹ dậy cách nhân từ, mà mở tâm hồn ra cho Mẹ xem. Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong suốt ba ngày Chúa vắng mặt và trong cuộc đàm luận với các luật sĩ. Sau một lát nghỉ ngơi, ăn uống chút ít, thánh gia lại lên đường, vừa đi Chúa vừa nói lại cho Mẹ nghe tất cả những gì Chúa đã nói với các luật sĩ, điều mà, Chúa vừa mới cho Mẹ nhìn thấy trong Linh Hồn mình. Chúa và Mẹ, trong cuộc trở về Nagiarét này cũng cải thiện một số lớn tội nhân và chữa lành nhiều người bệnh tật, theo thói quen vẫn có khi đi đường.
Và sau khi trở về nhà, Chúa Giêsu luôn luôn tùng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã ban xuống cho Mẹ Maria nhiều ân sủng đặc biệt, dàn dụa linh hồn Mẹ, tràn sang cả Thánh Giuse, Người Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, để hai Đấng có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất trong loài người. Về phía Mẹ, Mẹ đáp lại sự Chúa tuân phục Mẹ bằng một đức khiêm nhượng, một lòng biết ơn, một sự mau mắn, một niềm tỉ mỉ và một tình yêu mến tế nhị làm Tâm Hồn Chúa phải ngây ngất. Chúa có thể sẽ ban cho Mẹ tràn ngập những khoái vui còn lớn lao hơn nữa, Nếu Chúa chỉ nghe theo có xu hướng lòng yêu vô cùng của mình. Nhưng Chúa lại không muốn sự tràn ngập ấy ngăn cản Mẹ lập đầy những công nghiệp Chúa đã định cho Mẹ, nên Chúa không tỏ cho Mẹ hết mọi thoả nguyện như lòng Chúa mong muốn.
Mẹ Maria dù đau khô nhưng vân vui lòng đón nhận tất cả. Xin Mẹ cho mỗi người chúng ta biết nhìn lên Mẹ để học gương chịu đón nhận những đau khổ như Mẹ để mai ngày được hưởng Nhan Thánh Chúa
Huệ Minh