Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 11 Tháng 8 2020 13:04

Sửa lỗi cho nhau

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sửa lỗi cho nhau


Ngày 12 tháng Tám
Thánh Gioana Phanxica Chantal, nữ tu

Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31; Mt 18, 15-20

SỬA LỖI NHAU

Thánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.

Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.

Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà.

Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđictô, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.

Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên Thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.”

Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên Thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.

Trở về với Tin Mừng hôm nay. Chương 18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: "Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ". Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta, vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời.

Một điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi phạm.

Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn.

Lời Chúa cho ta phương thức về cách sửa lỗi anh em mình. Sửa lỗi cho người khác quả là điều không dễ, vì, hoặc ta viện lý “tôi là ai mà dám làm điều đó ?”, hoặc thái độ lạnh cảm “đâu can gì đến tôi”, hoặc sợ “làm ơn mắc oán”, hoặc lên mặt sửa lỗi một cách quá đáng để rồi nhấn chìm người anh em của mình!
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, những người theo Ngài, phải và biết sửa lỗi cho anh em của mình khi biết họ đang đi lạc hướng. Nhưng phải sửa như thế nào ? Quả là một vấn đề !

“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi”. (18, 15) Đây là phương thức đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy. Khi sửa lỗi cho anh em, ta phải có tâm tình đơn sơ, nhẹ nhàng, tế nhị và phải tâm niệm rằng : “nhân vô thập toàn”. Trước tiên hãy nói chuyện với người anh em của mình như một người bạn. Không gì dễ nghe hơn là những lời tâm sự nhẹ nhàng, tế nhị và đầy tôn trọng.

Đó cũng là điều dễ hiểu thôi, vì con người có lòng tự ái và thích được cảm thông, tôn trọng, hơn là phải lắng nghe những lời chỉ trích cay cú. Nếu không tế nhị trong chuyện này, thay vì mang một người tội lỗi trở lại với cộng đoàn, ta lại vô tình đánh mất người anh em của mình trong giây lát. Thiết nghĩ trong việc này cần có cả một nghệ thuật lẫn một tình yêu cao thượng!
Nếu không có tấm lòng yêu thương, chúng ta khó mà làm được bất cứ điều gì, huống chi khi chúng ta muốn đưa người anh em của mình trở về với yêu thương và sống trong sự thật. Thánh giáo phụ Augustinô khuyên dạy: "Hãy yêu và làm những gì bạn muốn ; nếu bạn thinh lặng, hãy thinh lặng vì yêu ; nếu bạn nói, hãy nói vì yêu ; nếu bạn sửa lỗi, hãy sửa lỗi vì yêu ; nếu bạn tha thứ, hãy tha thứ vì yêu ; hãy nắm giữ trong sâu thẳm con tim bạn gốc rễ của tình yêu … ".

Chúa Giêsu giới thiệu một phương pháp sửa lỗi anh em. Sai lỗi là điều không thể tránh trong cuộc sống hàng ngày (có “chung” thì phải “đụng”!), giữa những người vốn thân thiết như vợ chồng, anh em, huống gì trong tập thể rộng lớn hơn như hàng xóm láng giềng, cộng đoàn xứ đạo. Có sai thì phải sửa. Thông thường ai cũng ngại sửa lỗi người khác, vì chính mình cũng sai lỗi lúc này lúc khác. Chúa Giêsu giới thiệu ba bước sửa lỗi nhau: bằng cá nhân giữa ta với người ấy; nếu không được, thì nhờ đến người thứ ba để phân giải; nếu vẫn không ổn, thì mới đưa ra cộng đoàn. Trong mọi bước, luôn luôn biết tôn trọng người anh em và với tình bác ái. Thiết tưởng chỉ có người cố chấp mới không nhìn thấy thiện chí của người hết lòng muốn cho mình nên tốt hơn.

Trong cộng đoàn các tín hữu, mọi người đều được liên kết vào các quy tắc chung và mọi người phải cảm thấy mình có trách nhiệm về việc không được để một ai bị hư mất. Khởi đi từ mối quan tâm huynh đệ này, là một hình thái cốt yếu của tình yêu đối với người thân cận tùy thuộc ý muốn của Thiên Chúa, có thể là cần phải nhắc đến đòi buộc quan tâm đến một người anh em lầm lạc và mời người ấy hoán cải.

Vâng, tình yêu là cội nguồn, là chìa khóa của tất cả và có thể chắp cánh cho những thứ khác vươn xa!
Huệ Minh

Read 527 times Last modified on Thứ năm, 13 Tháng 8 2020 06:37