Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 20 Tháng 8 2020 06:46

Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia


20. 8 Thứ Năm tuần XX Thường niên

Ez 36, 23-28; Mt 22, 1-14

Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia

Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.

Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.

Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Chúa Giêsu đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục. Có người đã nằm mơ thấy mình được dự hai bữa tiệc: một tiệc trên thiên đàng và một tiệc trong hỏa ngục và thuật lại sự khác biệt giữa hai nơi như sau:

Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục đều có đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa đều dài quá khổ, đến nỗi tuy người ngồi ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa được đồ ăn vào miệng của mình.

Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha bác ái, nên biết quan tâm đến người khác và muốn làm vui lòng người khác, nên họ gắp đồ ăn phục vụ cho nhau, nên mọi người đều được ăn no và không khí bàn tiệc rất vui vẻ bình an và hạnh phúc. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đều ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Vì không thể tự gắp đồ ăn cho mình, và do thói ganh tị nên họ cũng không muốn phục vụ người khác, nên mọi người đều bị đói và thù ghét đánh lộn nhau. Kết quả là người thì đau khổ khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn.

Nhà vua trong dụ ngôn hôm nay chắc chắn là cảm thấy bị mất mặt, thậm chí bị xúc phạm nặng nề. Dọn tiệc cưới cho con, nhưng khách mời lại không chịu đến. Để cứu vãn tình hình, ông đành ra lệnh mời tất cả mọi người ngoài đường phố vào dự tiệc. Tuy nhiên, trong số những khách được mời bất chợt này vẫn có người không chịu mặc y phục thích hợp được chuẩn bị cho lễ cưới. Ông buộc phải ra lệnh tống người đó ra ngoài. Tiệc cưới cho hoàng tử, nhưng niềm vui của vua đã không được trọn vẹn vì khách mời đã coi thường bữa tiệc vui quan trọng này.

Dưới con mắt người đời, chương trình của Thiên Chúa tưởng chừng bị phá hủy. Nhưng trái lại Tin Mừng ấy, bữa tiệc Nước Trời ấy lại được mở rộng và mời đón hết mọi người khắp nơi vào dự tiệc. Và chính con cũng đang được hưởng tình thương và ân sủng vô giới hạn của Chúa. Con được gia nhập vào Hội Thánh, được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy. Con được giữ tiệc Nước Chúa hằng ngày mỗi khi dự thánh lễ. Ngay cả khi trở về đời sống thường nhật cũng là lúc con đang sống bữa tiệc ấy. Chúa muốn niềm tin của con phải bao trùm trọn cả đời sống con. Chiếc áo cưới mà Chúa trao cho con khi rửa tội thật đẹp, thật tinh tuyền. Chúa muốn con sống đức tin và gìn giữ chiếc áo cưới để con mặc ra đón Chúa trong ngày Chúa đến.

Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta đã được mặc một áo trắng, và vị chủ lễ đã chúc chúng ta giữ cho nó được tinh tuyền cho đến ngày Phán xét. Nếu chúng ta đã làm hoen ố bộ áo rửa tội này, chúng ta vẫn có thể đến trình diện trước tòa của lòng từ bi thương xót, đo là bí tích hòa giải. Tại đây Chúa Giêsu lại giặt sạch bộ áo cưới của chúng ta và lại mời chúng ta vào tham dự bữa tiệc vương giả của Người, trong niềm vui của tình thân mật đã tìm lại được.

Như thế, cũng đừng bao giờ tự hào rằng mình đã “tới nơi”, cũng đừng phê phán ai. Không phải vì ta đang “ở trong” mà ta đã được bảo đảm, và có quyền xét đoán những người “ở ngoài”, những người chưa biết mà đi vào, hoặc thậm chí những người đã từ khước. Cho dù có ở trong Hội Thánh hay Nước Thiên Chúa, chúng ta vẫn chỉ là “khách được mời”, do ân huệ nhưng không.

Huệ Minh

Read 628 times Last modified on Thứ năm, 20 Tháng 8 2020 20:17