7.9 Thứ Hai
1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11
HIỂU Ý NGHĨA NGÀY SABAT
Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện như sau: một ông bố hỏi chàng thanh niên đến xin cưới con gái của mình: Anh có thể cho con gái tôi tất cả những gì nó mong ước hay không? Chú rể tương lai mau mắn đáp lại bố vợ của mình rằng: Thưa bác, chắc chắn rồi. Nàng nói rằng tất cả những gì nàng mong ước chính là cháu đây.
Câu chuyện trên đây phần nào giúp chúng ta hiểu điều mà Đức Giêsu muốn dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài hỏi: “Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”
Theo những người luật sĩ và biệt phái thì ngày Sabat là ngày nghỉ “không làm gì cả”. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tùy trường hợp nào đó rất cụ thể, thì con người mới được phép làm.
Nếu như thế, thì người luật sĩ và biệt phái quá câu nệ vào việc tuân giữ luật ngày Sabat, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sabat là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.
Ông bố vợ tương lại trong câu chuyện trên cũng ngộ nhận như những người biệt phái và luật sĩ trong Tin Mừng hôm nay. Ông quá đặt nặng vấn đề tiền bạc của cải mà quên rằng điều con gái ông mong ước chính là chàng thanh niên, người yêu của nàng.
Người luật sĩ và biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.
Lễ nghỉ của đạo Do Thái là ngày Sabat, lễ nghỉ của người Công Giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự Thánh Lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.
Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tâm tình mến Chúa và lòng yêu thương con người. Cho nên, nếu có trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ cho tình thương ấy.
Mở đầu vớí câu 6, Thánh sử giới thiệu một ngày làm việc của Chúa Giêsu : Ngài vào hội đường và giảng dạy. Đó là công việc của vị ngôn sứ và cũng vì việc này mà Ngài được Chúa Cha uỷ thác xuống trần. Ngài không nói lời của Ngài nhưng là lời phát xuất từ Chúa Cha và chính Ngài là Ngôi Lời hằng hữu muôn đời. Ngài nói lên tiếng nói Tình Yêu Thiên Chúa muốn chia sẻ hạnh phúc với con người.
Bài giảng của Chúa Giêsu hôm nay được gắn kết với hành động. “Ở đó có một người khô bại tay phải”: Bàn tay con người là dụng cụ lao động để kiếm sống. Bàn tay cũng là cách diễn tả tâm trạng: vui buồn, chúc phúc, thề hứa và cũng để cầu nguyện thờ lạy. Tay anh bị khô bại nên mất đi hết hiệu lực trên và đó là một thiệt thòi, một lỗ hỗng trong cuộc sống của anh. Hôm nay anh là nhân vật chính. Anh là nơi để Thiên Chúa thi ân giáng phúc nhưng anh cũng là nguyên nhân để người Pharisêu phản đối và tố cáo một con người: Chúa Giêsu. Họ đang rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho anh không, chỉ để tố cáo.
Trong đầu chương 6, người pha-ri-sêu chỉ dám mon men đến xem xét và lên án các môn đệ của Chúa Giêsu phạm luật sa-bát: bứt bông lúa. Nhưng hôm nay, họ đã cố ý rình mò hành vi của ông thầy và muốn tiêu diệt “Tận gốc”. Chúa Giêsu hiểu được tâm địa của họ, Ngài muốn dạy cho họ về luật yêu thương, luật để cứu sống để chữa lành, đối lại cách sử dụng luật của họ, luật được đặt thêm ra trong luật Môsê, chỉ để hại nhau, để lên án tố cáo và để giết chết.
Vì thế, Ngài nói với người bại tay: “ Anh chỗi dậy ra đứng giữa dây!” ( c.8). Hình ảnh chỗi dậy như rũ bỏ giữ luật vì luật, giữ luật theo nghĩa đen trong hằn học, bực bội mà thiếu vắng tình yêu đồng loại. Lần này, Chúa Giêsu đi trực tiếp vào vấn đề và quyết định nói rõ, nói thẳng cho họ biết cốt lõi và tinh thần của luật: “ Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?”
Chúa Giêsu muốn đưa ngày sa-bát về ý nghĩa nguyên thuỷ của nó “ Ngày sa-bát được lập ra vì người ta...” (Mc 2, 27) vì bổn phận bác ái trổi vượt trên hình thức tuân giữ ngày nghỉ. Đàng khác, Ngài cũng nhận là Ngài làm chủ ngày sa-bát (Mc 2, 28) khi làm việc lành, việc thiện trong ngày sa-bát là chúng ta bắt chước Thiên Chúa yêu thương tạo dựng vũ trụ, và Thiên Chúa còn tiếp tục cai quản vũ trụ và ban sinh khí cho con người. Ngày sa-bát đích thực là ngày con người sẽ nghỉ ngơi như Thiên Ch và cộng tác với Ngài, hiệp thông với tâm tình của Ngài.
Sau khi đã giáo huấn và nhắc nhở họ về mục đích của ngày sa-bát, Chúa Giêsu đã rảo mắt nhìn họ tất cả. Một cái nhìn như nhắc nhở sự trở về, sự thức tỉnh lương tâm chai lỳ khô cứng của họ. Chúa Giêsu liền bảo người bại tay: “ Giơ tay ra!” Anh ta làm theo và tay anh được lành. (c. 10). Lời Ngài có uy quyền trên bệnh tật và lời Ngài đã chứng minh Tình Yêu Thiên Chúa qua hành vi cụ thể chữa lành. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đã đưa anh khô bại tay trở về cuộc sống đời thường nhưng lại là lúc làm cho mầm mống ghen tỵ, hiềm khích của người pha-ri-sêu gia tăng. Thánh sử Luca viết tiếp, họ giận điên lên và bàn nhau xem có làm gì được Chúa Giêsu không ( c.11). Một kế hoạch được lập ra. Một âm mưu được khởi đầu chỉ vì lòng ghen ghét.
Thái độ của người pha-ri-sêu xưa cũng là hành vi của chúng ta ngày nay. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi công sở, nhà máy, trường học, chúng ta vẫn có nhiều âm mưu diệt trừ lẫn nhau: một lời nói xấu, gièm pha, một hành vi phản đối hoặc thái độ “ mackeno”. Thậm chí một vài người có hành vi loại trừ Thiên Chúa như: tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo hội như : đặt điều vu khống, bắt bớ, bách hại những người ngay lành, thấp cổ bé miệng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em...
Xin Chúa cho chúng ta biết ngày nào cũng là ngày niềm vui của hân hoan trong tình yêu Chúa và tình mến anh chị em, đồng thời cũng biết dùng luật yêu thương để xóa bỏ hận thù.
Huệ Minh