Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 12 Tháng 9 2020 06:47

Tha mãi mãi-Tha luôn mãi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tha mãi mãi-Tha luôn mãi


Chúa nhật 24 TN
Mt 18, 21-35

THA MÃI MÃI – THA LUÔN LUÔN

Trong đời sống thường ngay, tha thứ dường như là điều cần phải có trong xã hội. Cuộc sống chung nào cũng đòi ta phải chấp nhận cái khuyết điểm của nhau trong yêu thương và tha thứ. Không tha thứ thì chỉ còn loại trừ. Một khi đã loại trừ lẫn nhau sẽ gây nên bao điều thị phi và bể dâu. Vì vậy, điều mà Chúa muốn nơi người Công Giáo là đã yêu thì phải tha thứ bao dung cho anh em của mình. Tha thứ không chỉ 7 lần mà là bảy mươi lần bảy nghĩa là không bao giờ để trong lòng những oán hận ghét ghen.

Tha thứ chính là từ bỏ mình và vác thập giá mình khi tháo gỡ mình khỏi mọi ràng buộc của “cái tôi”, để chỉ còn tư duy và hành động vì hạnh phúc của người khác, dù người khác ấy không “tử tế, xứng đáng, dễ mến, dễ thương”.

Việc tha thứ thật khó khi chúng ta chỉ nhìn vào chính mình. Trong kinh nghiệm của ông Phêrô, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” ( Mt 18, 21). Trong khi đặt vấn đề, ông Phêrô đã quy về bản thân mình: “nếu anh em cứ xúc phạm đến con”, phải chăng sự tha thứ của ông có giới hạn? Bởi ông nhìn vào vị thế của ông, ông muốn được tôn trọng, được yêu thương,… Do đâu ông có quyền sử dụng những gì ông đang có? Chính khi ông chú ý vào bản thân, ông quên rằng, tất cả những gì ông có, mạng sống, danh dự, của cải, … ông đã nhận từ Thiên Chúa và ông thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhớ cho ông cũng như mỗi người chúng ta, tất cả những gì chúng ta đang có là nhờ Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Hơn ai hết, là Thiên Chúa Tình yêu, Chúa Giêsu hiểu tình yêu phải đi đôi với hy sinh cao cả nhất là tha thứ, và tha thứ cho ai chính là chết đi cho người ấy, bởi có dám để “cái tôi ích kỷ, tự ái, quyền lực, danh dự” chết đi, chúng ta mới thật lòng tha thứ cho anh em khi bị họ xúc phạm, làm tổn thương; bởi có dám hy sinh những giá trị nhiều khi còn lớn hơn cả mạng sống để hạ mình, xoá mình tha thứ cho người đã táo tợn cướp đi tất cả những gì mình ôm ấp, nâng niu, và bằng mọi giá giữ gìn như danh dự, uy tín, chúng ta mới chân thành tha thứ “không giới hạn bẩy lần”, như thánh Phêrô trộm nghĩ, mà vô hạn, không tính toán, và nhiều đến “bẩy mươi lần bảy”, nghiã là không đếm nổi như Thiên Chúa muốn (x. Mt 18,21-22).

Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau, như Ngài đã tha thứ cho chúng ta, cũng như muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34), bởi yêu thương đòi tha thứ, và chỉ thực sự tha thứ khi yêu thương đạt đến độ quên mình, xóa mình, hiến mình, bỏ mình vì hạnh phúc của người mình yêu.

Đây là đòi hỏi rướm máu của đức ái Kitô, là điều kiện để được Thiên Chúa thương xót cứu độ, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Hiến Chương Nước Trời : “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7), và như sách Huấn Ca đã răn dậy : “Kẻ báo thù sẽ chuốc láy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,1-5). Trái lại, “chúng ta đừng xèt đoán nhau nữa” (Rm 18,13), mà “hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi của nhau” (Hc 28,7).

Trong trang Tin mừng, vị Thẩm phán được diễn tả như một vị vua và với cách gọi “tôn chủ”, thể hiện người đáng kính trọng và là một người liêm khiết. Vị tôn chủ đã chạnh lòng thương trước lời van xin của người đầy tớ và sẵn sàng tha cho hắn món nợ rất lớn là mười ngàn yến vàng. Chúng ta nhớ đến bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế (x. Mt 25,31-46).

Lúc đó, vị thẩm phán cũng được gọi là “Đức Vua” xét xử người lành cũng như kẻ dữ, tuỳ theo việc họ đã làm khi còn sống trên dương gian. Trước đó, vị thẩm phán cũng được dùng với danh xưng “Con Người”. “Con Người” hay “Con loài người” là danh xưng chính Chúa Giêsu đã dùng để chỉ bản thân Người. Như thế, vị thẩm phán sẽ xét xử loài người là chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Phải chăng chúng ta khó tha thứ là khi chúng ta để cho cái tôi làm chủ mà chưa để cho Thiên Chúa đi vào chính con người mình. Khi bị xúc phạm, chúng ta đã “thương xót phận mình” và “gặm nhấm những nỗi đau” mà chưa mở lòng để đón nhận ơn tha thứ của Chúa, để tình yêu của Thiên Chúa lấp đầy. Mỗi ngày, Chúng ta hãy thêm xác tín mạnh mẽ như Thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 8). Chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đón nhận luồng gió ân sủng của Chúa đang từng giây phút mong chờ để đổ vào trong con người của chúng ta. Tất cả mọi sự chúng ta đừng quy về chính bản thân mình, nhưng quy về Thiên Chúa và để tôn vinh Người, bởi chúng ta đã thuộc về Chúa.

Trong hành trình cuộc đời, con người sống với và sống cho tha nhân. Chỉ khi nào ý thức được điều này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc. Một cuộc sống biết chia sẻ cảm thông sẽ đong đầy niềm vui. Cũng vậy, ý thức sống hay chết đều thuộc trọn về Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài giữa những khó khăn trắc trở trong cuộc đời.

Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tâm tình phó thác. Người cũng là mẫu mực cho chúng ta triết lý sống vì hạnh phúc của tha nhân. Trên cây thập giá, Chúa đã xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Yêu thương và tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù, những đức tính này làm cho chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô.
Huệ Minh

Read 292 times Last modified on Chủ nhật, 13 Tháng 9 2020 12:35