15 29 Tr Thứ Năm tuần 28 Mùa TN.
Thánh Têrêxa Giêsu, Đttsht. Lễ nhớ
Ep 1,1-10 hoặc Rm 8,22-27; Lc 11,47-54
LOẠI BỎ TÂM ĐỊA XẤU
Thánh nữ Têrêxa Avila qua đời tại Alba de Tormes, Tây Ban Nha, ngày 5 (theo lịch cũ Julien) hay ngày 15 tháng 10 năm 1582, ngày bắt đầu lịch mới Grégoire. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh năm 1622, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên dương là tiến sĩ Hội Thánh năm 1970.
Têrêxa Giêsu, gọi là Avila (tên Tây Ban Nha là Teresa de Ahumada y Cepeda), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 ở Avila (Tây Ban Nha), trong một gia đình quí tộc gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Được thấm nhiễm những câu truyện và những bài đọc đạo đức, lúc 8 tuổi, cô bé trốn nhà đến sống “giữa người Maures” với hi vọng được tử đạo để “thấy Thiên Chúa”.
Sau khi bị bắt về nhà, cô đã sống những năm hạnh phúc trong gia đình. Rất xinh đẹp và có duyên, cô cũng phần nào thích làm đỏm và vướng vào một chuyện rắc rối ngây thơ với một người anh họ. Bấy giờ – cô khoảng 16 tuổi – cha cô phải gửi cô đến ở nhà dòng thánh Augustine ở Avila ; tại đây cô đã có quyết định trở thành nữ tu. Vì thế, sau khi trở về nhà, cô bị cha chống đối ơn gọi, nên cô đã trốn nhà để đi vào dòng Carmel Chúa Nhập Thể ở Avila ngày 2 tháng 11 năm 1537. Tại đây cô đã tuyên khấn trọng thể ngày 3 tháng 11 năm 1537, lúc 22 tuổi.
Thánh Têrêxa Avila đã để lại cho chúng ta một kho văn chương vô cùng phong phú, có giá trị tuyệt vời. Các tác phẩm của thánh nữ được xếp theo trình tự thời gian gồm : Sách cuộc đời (tiểu sử tự thuật) ; Con đường hoàn thiện ; Các tư tưởng về Tình yêu Thiên Chúa ; Các lời cảm thán ; Hiến pháp Dòng ; Lập các tu viện ; Cách thức kinh lý tu viện ; Lâu đài nội tâm hay Bảy nơi cư trú của linh hồn (hành trình của ân sủng trong bảy nơi cư trú của linh hồn) ; Các lời khuyên ; Các tư tưởng và các bản văn ngắn khác ; Các vần thơ ; Thư từ (khoảng 650 lá thư). Tính cách của thánh Têrêxa Avila được phản ánh trong các tác phẩm của ngài mà ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với các tín hữu và người ngoại đạo. Những tác phẩm nay tạo cho thánh Têrêxa Giêsu một chỗ đứng độc đáo, không những trong lãnh vực tôn giáo, mà cả trong lãnh vực văn chương miền Castille và thế giới.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết “người chết không nói”, bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người.
Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như những mồ mả bên ngoài tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Hành động ấy tố cáo họ chính là kẻ đồng lõa với cha ông để làm những sự xấu xa. Chúa Giêsu tiên báo họ sẽ bị đòi nợ máu của các Ngôn sứ và Tông đồ, một món nợ từ thời cha ông họ để lại. Điều này cho thấy án phạt của Thiên Chúa rất công thẳng, Người không dung thứ cho những hành động xấu xa dù điều ấy xảy ra từ thời xa xưa.
Chúa Giêsu nhắc đến cái chết của ông Aben và Dacaria như để nhấn mạnh sự gian ác đã hoành hành trong trần gian từ thuở tạo thiên lập địa và còn kéo dài mãi gây bao oan trái cho con người. Sự gian ác xấu xa của người Pharisêu lên đến tột độ khi họ bắt giết các Ngôn sứ và Tông đồ là những người đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Họ giết những người được Thiên Chúa sai đến nghĩa là họ gián tiếp từ chối tình thương của Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn “cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết”, ngăn cản người công chính không thể đến nghe về Mầu Nhiệm Nước Trời.
Lời Chúa Giêsu khiển trách Pharisêu cũng chính là lời khiển trách đối với mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng sống giả dối, làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ cật vấn lương tâm mỗi người và “đòi nợ” nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Chúa Giêsu đã lên án thái độ giả hình của nhóm biệt phái: cha ông họ đã sát hại các tiên tri, họ xây lăng để tưởng nhớ các ngài, nhưng lại tiếp tục đi vào dấu chân của cha ông họ bằng cách sát hại các tiên tri thời đại. Lời Chúa nhắm vào các biệt phái và luật sĩ thời Ngài cũng có giá trị cho người Kitô hữu chúng ta ngày nay: vì đôi khi chúng ta tự mãn về những kiến thức tôn giáo nhưng lại không thực hành tinh thần tôn giáo. Ỷ lại vào những hiểu biết về tin mừng nhưng lại không thành tâm thiện chí sống theo tin mừng. Ỷ lại vào danh nghĩa người công giáo năng đi nhà thờ nhưng lại sao lãng việc công bình, bác ái đối với tha nhân. Rất nhiệt tình tổ chức những thánh lễ quan thầy, những lễ trọng, nhưng lại sao lãng việc chuẩn bị tinh thần và đời sống để mừng lễ. Rất nhiệt tình với những công việc đạo đức, nhưng lại không sống tinh thần đạo đức trong đời sống hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội.
Ngày mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặp ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặp niềm vui an hòa.
Huệ Minh