Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 06 Tháng 12 2020 08:29

Quyền năng Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quyền năng Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài


07 23 Tr Thứ Hai tuần 2 MV.

Thánh Ambrôxiô, Gmtsht. Lễ nhớ

Is 35,1-10; Lc 5,17-26

QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA VÀ ƠN THA THỨ CỦA NGÀI

Một trong các người viết tiểu sử về thánh Ambrôsiô nói rằng: Vào ngày Phán xét chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của những người cùng thời. Ngay cả các bậc vua chúa cũng nằm trong số những người chịu những hình phạt thần linh nặng nề vì đã cản đường của Ambrôsiô.

Vào năm 33 tuổi, thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự – một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.

Và rồi vị Giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, có tới 3 lạc giáo muốn tiêu diệt Giáo hội. Vị cố Giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Ariô chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị – người Công giáo hay người của phe Ariô? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.

Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nảy và chọn lựa Giám mục mà không cần phải xô xát.

Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, “Bầu Ambrôsiô làm Giám mục!” Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, “Ambrôsiô là Giám mục!”

Khi thánh Ambrosiô định qua nước Pháp làm phép Rửa tội vua Valentinianô II, thì hay tin vị vua trẻ này bị ám sát bởi kẻ soán quyền là Eugenius. Ngài đã khóc ông vua bé nhỏ này và trong đám tang ngài đã nói đến cái chết của một vị tử đạo được rửa tội trong máu của mình. Eugenius, tên tiếm quyền, là một kẻ ngoại đạo trong trái tim hắn, và hắn thề sẽ tái hồi phục lại nền ngoại giáo. Nhưng chẳng bao lâu hoàng đế Theodosius đã đem quân sang tiêu diệt hắn vào mùa xuân năm 391.

Sau đó ông đã xin vị thánh Giám mục cử hành Thánh lễ tạ ơn cho cuộc chiến thắng, nhưng chỉ sau đó vài tháng ông qua đời tại Milan, có thánh Ambrosiô ở bên giường, và ông chết khi thốt lên tên của Ambrôsiô. Chính thánh nhân đã phải thú nhận: “Ngay cả khi cái chết làm tan rữa thân xác của hoàng đế, ông vẫn mãi mãi là người lo cho Hội Thánh nhiều hơn lo cho chính sự an nguy bản thân của ông. Tôi yêu mến ông, và tôi xin Chúa sớm đưa ông về thiên đàng!”. Thế rồi chỉ hai năm sau, đức Giám mục Ambrôsiô cũng ra đi để hai tâm hồn vĩ đại của một hoàng đế và một Giám mục mãi mãi ở bên nhau!

Đức Giám mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng 12, là ngày ngài “bị” tấn phong Giám mục.

Và ta thấy Thiên Chúa tình yêu vẫn luôn hiện diện sống động ngay trong thế giới hôm nay, qua mỗi con người và từng biến cố hay qua các dấu chỉ thời đại. Thế nhưng có mấy người biết nhìn ra sự hiện diện thân thương của Ngài.

Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha, Ngài đến trần gian để thi thố lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Lời giảng dạy kèm theo các phép lạ Chúa làm đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa luôn ở với Ngài.

Tin Mừng hôm nay là một trình thuật tuyệt vời diễn tả về Ơn tha thứ và niềm tin cộng đồng. Đó là một trình thuật phép lạ có dụng ý giáo huấn, trong đó phép lạ được thực hiện như một dấu chỉ của ơn tha thứ. Và cao điểm của bản văn cho thấy Chúa Giêsu có quyền tha tội.

Với bút pháp sắc sảo, nghệ thuật khéo léo, thánh Luca đã dẫn mỗi người chúng ta cùng đi vào trải nghiệm của niềm tin cộng đồng, để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bởi đó, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lòng của mỗi chúng ta cũng được khơi lên tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta cũng muốn bảo nhau rằng: “Hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”!

Thật vậy! câu chuyện lạ kỳ khi xưa, người bại liệt được chữa lành mà những người từ khắp các làng mạc miền Galilê, GiuĐê, và Giêrusalem đã chứng nghiệm, vẫn là câu chuyện lạ kỳ của mỗi chúng ta hôm nay, nếu chúng ta biết lắng đọng lòng mình để chiêm ngưỡng.

Hãy thử nhìn vào khung cảnh: Thầy Giêsu đang giảng dạy nơi một căn nhà tư gia quá nhỏ bé, so với lượng người đông đảo từ khắp các miền lân cận đổ về, bao gồm rất nhiều hạng người, trong đó có mặt cả những con người xem ra rất thế giá đạo đức và thông thái như các vị luật sĩ, biệt phái.v.v. Họ chăm chú lắng nghe và được chứng nghiệm quyền năng diệu kỳ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Điều gì ở nơi thầy Giêsu đã cuốn hút những người từ khắp các làng mạc đổ về ? Điều gì đã khiến cho anh bại liệt tin rằng Thầy Giêsu có khả năng chữa lành căn bệnh nan giải của anh ? Và hơn nữa, điều gì khiến cả những người khiêng anh đã tin, đã cùng nhau tìm cách vượt qua rào cản của đám người đông đúc để sáng kiến đưa người bại liệt từ trên mái nhà xuống gặp được Chúa Giêsu ?

Đứng trước niềm tin cộng đồng, lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đã thể hiện. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”.

Điều đáng nói hơn ở đây là Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chữa lành cho người bại liệt, nhưng Ngài đã chọn phép lạ chữa lành như một dấu chỉ của ơn tha thứ: “Để các ông biết ở dưới đất này con người có quyền tha tội… Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà”.

“Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Phải chăng niềm tin của người bại liệt được chữa lành đã được chứng nghiệm thêm ? Và cùng với trải nghiệm được chữa lành nơi thân xác, anh đã thật hạnh phúc để cảm nhận ơn tha thứ nơi tâm hồn.

Như một sự tác động lan tỏa trong niềm tin cộng đồng, việc chứng nghiệm người bại liệt được chữa lành đã làm cho tất cả mọi người đều sửng sốt, và cảm nhận sự tác động của Thiên Chúa, họ “tôn vinh Thiên Chúa” và bảo nhau “hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”.

Đó là những chuyện lạ kỳ của ơn tha thứ, và chính họ đã gặp được Đấng có quyền tha tội. Thật là một điều kỳ diệu khiến cho giới luật sĩ và biệt phái phải thắc mắc trong lòng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?"

Quả vậy, ơn tha thứ chỉ có thể được Thiên Chúa ban cho mà thôi, và ơn đó cũng chỉ được đón nhận từ niềm tin. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết tin vào Chúa, tìm cách đến với Chúa, để cảm nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Để chúng ta cũng được Chúa chữa lành những căn bệnh tâm hồn, hầu chúng ta tôn vinh Chúa mỗi ngày, hăng hái đứng dậy, đổi mới, và bước đi trong ân sủng của Thiên Chúa như lòng Ngài mong muốn.
Huệ Minh

Read 294 times Last modified on Thứ hai, 07 Tháng 12 2020 10:44