11 27 Tm Thứ Sáu tuần 2 MV.
Thánh Đamasô, Gh.
Is 48,17-19; Mt 11,16-19
ĐỪNG CHAI CỨNG
Qua hình ảnh mấy đứa trẻ ương ngạnh không hưởng ứng trò chơi, Chúa Giêsu khéo léo ám chỉ dân Do thái là dân “cứng đầu cứng cổ”, luôn khước từ ý Chúa nhưng lại bắt Chúa phải theo ý mình. Họ phê phán sự khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, họ lại chỉ trích lòng nhân hậu của Chúa Giêsu. Cách nào họ cũng không hài lòng, thật đúng như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”! Chúa dạy chúng ta không nản lòng trước những lời phê phán bất nhất, nhưng hãy làm chứng đức tin bằng những hành động thiết thực.
Chúa Giêsu đã so sánh đám dân chúng thời Người với lũ trẻ ngoài chợ. Cũng như bọn trẻ ở bất cứ đâu, chúng quy tụ lại để cùng chơi một trò chơi. Lát sau chúng chán và quay sang chơi trò khác. Chúng đâu có cần quan tâm đến điều gì ngoài những trò chơi. Chúa ví thế hệ ấy với đám trẻ ngoài chợ nghĩa là gì? Nghĩa là họ nhởn nhơ không quan tâm đến ý nghĩa mục đích của cuộc đời và cũng chẳng đếm xỉa gì đến sứ điệp từ trời.
Không những thế, họ còn phủ nhận lời kêu gọi của Chúa. Họ không muốn nghe lời Gioan Tẩy Giả hướng dẫn vì cho rằng ông ấy bị quỷ ám. Họ cũng bưng tai bịt mắt trước giáo huấn của Chúa Giêsu vì coi Người là bạn của phường tội lỗi. Họ chỉ quan tâm đến “trò chơi” của mình và đòi người khác cũng phải chia sẻ “cuộc chơi” với họ.
Chúa Giêsu đã phải than phiền, trách móc những kẻ khôn ngoan giả thời Ngài. Thế hệ mà Ngài đã đến, rao giảng lời Chân lý, nhưng họ đã trở thành người khuyết tật của đôi tai, đôi mắt, thành những kẻ cứng lòng tin. Rao giảng thế nào, họ cũng chẳng tin. Nếu Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám.
Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài.
Chúa Giêsu đã phản ứng lại và chỉ rõ cho thấy sự giả tạo của những kẻ khôn ngoan thông thái thời ấy. Cái khôn ngoan mà họ tự hào, dương oai tự đắc, thật ra là sự dốt nát, vì nó không chỉ bảo cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Thiên Sai. Sự chai lì trong tâm hồn đã phá đổ hạnh phúc, mà lẽ ra, con người có quyền được thừa hưởng.
Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với.
Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa.
Một cuộc trở về với niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy sẽ đưa con người đến cánh cửa của Chân Lý, của hạnh phúc thật. Niềm tin ấy sẽ vực dậy con người từ những hố cách ngăn của tội lỗi, xoa dịu những vết đau hằn sâu trong tâm hồn. Niềm tin vào Thiên Chúa cho con người hy vọng sống tròn đầy, chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu. Niềm tin ấy hướng dẫn con người đi trên nẻo đường ngay chính, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay tại trần thế và ngưỡng vọng về đời sau.
Niềm tin vào Thiên Chúa, phải là điều căn bản của người Kitô hữu. Niềm tin ấy phải được thể hiện một cách sống động, hiện thực, cụ thể. Tin trong lòng, và tuyên xưng ngoài miệng chưa đủ, nhưng còn phải sống niềm tin ấy bằng cách thức riêng của mỗi cảnh đời chúng ta đang có.
Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi.
Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".
Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Huệ Minh