9.1 Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
1 Ga 4:11-18; Tv 72:1-2,10,12-13; Mc 6:45-52
ĐỪNG SỢ !
Ta thấy phép lạ này do Phúc Âm của Mátthêu, Máccô và Gioan ghi lại. Phép lạ này xảy ra sau phép lạ bánh hóa nhiều để minh chứng uy quyền của Chúa trên thiên nhiên. Sau khi được ăn bánh no nê, dân chúng hăng say bồng bột muốn tôn Chúa lên làm Vua. Có lẽ các môn đệ cũng muốn đồng tình như thế (Ga 6,14-15). Cho nên, Chúa cưỡng bách các môn đệ chèo thuyền ra khơi về sớm và đợi ở phía bên kia bờ biển, còn Chúa một mình ở lại lên núi cầu nguyện, tìm về Thiên Chúa Cha nguồn trợ lực. Dân chúng thì không hiểu gì vai trò cứu thế của Ngài; vua Hêrôđê Antipas cho là Chúa có âm mưu gì đen tối. Cho nên Chúa cô đơn đi tìm về Thiên Chúa Cha trong đêm vắng.
Từ đỉnh đồi, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy các môn đệ dưới ánh trăng. Họ chèo thuyền đi lạc hướng vì gió ngược. Các môn đệ đã ra xa biển hồ khoảng 5-6 cây số. Đáng lẽ chỉ mất khoảng hai ba giờ đồng hồ là họ về tới bờ bên kia vì biển hồ chỉ rộng có 12 cây số thôi. Nhưng từ chiều cho tới canh tư, khoảng 3 giờ sáng, mà các môn đệ còn đang loay hoay chèo chống ở giữa biển hồ.
Cũng chính lúc ấy, Chúa hiện đến và giả vờ đi ngang qua họ. Giữa biển hồ mà gặp một hình ảnh như thế người ta cho là xui mạt kiếp (Kn 17,4,14-15). Cho nên khi thấy vậy, giữa lúc trời tranh tối tranh sáng và mệt mỏi, các tông đồ đã “thét lên” vì ngỡ là ma quái. Nhưng ngay lúc đó họ nhận ra Chúa. Chúa phán: “Chính Ta đây đừng sợ!”
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no, Chúa Giêsu đã giục các môn đệ sang “bờ bên kia” (Mc 6,45). Cần phải sang “bờ bên kia” để các ông không dừng lại nơi những lời tán tụng và sự ngưỡng mộ của đám đông dân chúng, cũng như không tự trói buộc mình trong những vinh quang đầy hư ảo. Bước sang bờ bên kia với Bet-xai-đa là vùng đất của dân ngoại còn có nghĩa là bước ra khỏi chính mình để dấn thân cho sứ mệnh đến với muôn dân. Khi khước từ những vinh quang trần thế và những đòi hỏi mang tính thực dụng của dân chúng, để ưu tiên cho việc gặp gỡ Chúa Cha và rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu muốn huấn luyện và làm gương cho các môn đệ của Ngài.
Đối với Chúa Giêsu, sống kết hiệp thâm sâu với Chúa Cha là đỉnh điểm cuộc đời dương thế của Người. Vì thế, sau những lần rao giảng, chữa bệnh, làm phép lạ, hay trước khi tuyển chọn môn đệ, Người luôn lui vào nơi thanh vắng để tâm sự với Cha. Chu toàn thánh ý Cha là lương thực của Người, quyền năng và tình thương xót của Cha cũng đang được thi thố qua chính bản thân Người. Thế nên, đám đông theo Người đã được tận hưởng phép lạ bánh hóa nhiều, khi Người chạnh lòng thương xót họ (c.34).
Chúa bắt các môn đệ vượt biển trong cơn gió ngược. Vắng Thầy, các ông chèo chống vất vả. Những khó khăn trong cuộc đời đôi khi quá căng thẳng, nặng nề khiến người ta trở nên chai cứng, khép kín trong cô độc, thất vọng, không còn sẵn sàng mở lòng đón nhận những tia sáng hy vọng đến từ tha nhân. Tâm trạng đó đè nặng nơi các môn đệ khiến các ông sợ hãi đến độ không nhận ra Chúa khi Ngài đến với họ. Họ chỉ được bình an khi nhận ra tiếng Chúa: “Thầy đây, đừng sợ.”
Trong khi đàm đạo với Cha, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến các môn đệ, nên từ trên núi, Người đã thấy các ông phải vất vả chống chọi với gió ngược giữa biển hồ, và Người đã đi trên mặt biển mà đến với các ông (c.48).
Thật vậy, tình thương yêu của Chúa Cha luôn thể hiện sống động nơi con người Chúa Giêsu. Chính Người thấy rõ các môn đệ và cảm nghiệm sâu xa những gian nan vất vả các ông đang gánh chịu, dù các ông không nhận ra sự hiện diện rất gần gũi của Người (c.49).
Cảm thông được tâm trạng lo âu, hoang mang, bất an của các môn đệ giữa sóng biển sôi sục, Chúa Giêsu đã lên tiếng: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (c.50b). Thật là hạnh phúc cho các môn đệ, khi nghe được lời trấn an của Thầy Giêsu: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Và ngay lúc đó, “Người lên thuyền với các ông, và gió lặng” (c.51a).
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng giăng đầy muôn khó nguy thử thách, bao gian nan thách đố muôn mặt của sóng biển đời đang gào thét quanh ta. Làm sao chúng ta có thể vượt qua được những đợt sóng kinh khủng ấy, nếu không có bóng dáng yêu thương đầy quyền năng của Thầy Giêsu trên mặt biển trần gian này? Thầy chính là dung mạo tình yêu thương xót của Cha từ ái, luôn hiện diện sống động trong cuộc đời mỗi chúng ta, để chở che, nâng đỡ, giúp chúng ta an tâm vững bước trên hành trình về Quê Trời.
Xem ra các tông đồ quá chú tâm đến thành công bên ngoài vì dân chúng hứng khởi muốn tôn Chúa làm vua. Điều mà Chúa thực sự muốn bày tỏ qua phép lạ này là tỏ mình là ngôn sứ và thực thi quyền năng của Thiên Chúa, thì các tông đồ không nhận ra. Thánh sử Maccô nói rõ cho chúng ta biết: vì các ông đã không hiểu phép lạ bánh hóa nhiều: lòng các ông còn chai đá! Và vì không hiểu ý nghĩa của phép lạ, nên khi thấy Chúa đi trên mặt biển mà đến với mình, các tông đồ hoảng sợ la lên vì tưởng là ma. Chúa đã phải trấn an các ông: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!
Chúng ta đang ở trong tuần lễ Hiển Linh, nghĩa là Chúa tỏ mình ra. Do đó, những hành động và lời nói của Chúa được Hội Thánh trích đọc trong tuần này đều nhắm đến mục đích là giới thiệu Chúa Giêsu đang biểu lộ thần tính cho mọi người biết và mời gọi họ đặt lòng tin nơi Người. Phép lạ không đơn thuần chỉ là phép lạ, nhưng phép lạ phải dẫn đến lòng tin.
Đời sống con người thường được ví như là cuộc ra khơi đầy sóng gió, vấp phải nhiều chống đối bên trong lẫn bên ngoài, và chúng ta thường có mặc cảm rằng Chúa đã bỏ rơi chúng ta. chúng ta cho mình là bất hạnh, là cô đơn, là đồ bỏ. Nhưng hãy nhớ rằng: “Dù cha mẹ bỏ con rồi, vẫn còn có Đức Chúa trời đỡ nâng” (Is 49). Hãy an tâm và nhớ rằng Đức Kitô từ nơi cao cả đang dõi bước theo những gì chúng ta đang làm, đang cầu xin trong sự lo âu sợ hãi. Hãy nhớ trường hợp các môn đệ hôm nay... Nếu tự sức mình chèo chống thì đứng ở giũa đường mà thôi. Có Chúa, sóng gió im lặng, về tới bến lập tức. Chúng ta cần để Chúa đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời và trong mọi chi tiết của cuộc sống.
Con người hôm nay bị lôi cuốn bởi nhiều thứ vinh quang giả tạo. Có những vinh quang do chính mình tạo ra bởi sự thành công trong cuộc sống, nhưng cũng không thiếu những vinh quang được tô vẽ, gán ghép hay đổi trao… dù là chóng qua và không thật nhưng lại đủ mạnh để dìm chết và nô lệ hoá những người hám danh, tham lợi. Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay : hãy bước sang bờ bên kia để thoát khỏi tính tự mãn và những đam mê danh-lợi-thú, để có thể thanh thoát và toàn tâm toàn ý cho việc loan báo Tin Mừng. Sự “ra đi” như thế sẽ gặp phải khó khăn, thử thách như con thuyền vất vả vì gió ngược nhưng chúng ta vẫn an tâm vì xác tín rằng Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.
Huệ Minh