Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 12 Tháng 1 2021 07:01

Động lực của việc tông đồ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Động lực của việc tông đồ


13/1 Thứ Tư trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm

Dt 2:14-18; Tv 105:1-2,3-4,6-7,8-9; Mc 1:29-39

ĐỘNG LỰC CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ

Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Tin mừng thuật lại cho chúng ta thấy tình yêu của Người dành cho con người thật sống động, được biểu lộ tròn đầy qua việc Người chữa lành cho mẹ vợ ông Simon khi đang lên cơn sốt trên giường, cũng như “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám” khác. Hình ảnh Chúa Giê-su “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy” đã họa lại cho chúng ta hình ảnh về một Thiên Chúa vô cùng nhân từ đã vì thương yêu mà đưa tay cứu chữa. Người đã chạnh lòng thương đối với phận người mỏng manh yếu đuối, như người cha xót thương đứa con thơ dại, cho nên Người đã “cầm lấy tay” mà “đỡ dậy” con người – “những kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật”. Người đã đi vào giữa lòng biển khổ của nhân loại, đã chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, dù ngày đã xế chiều, mặt trời đã lặn xuống.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".

Ta thấy việc chữa lành cho mẹ vợ ông simon hôm nay cũng như nhiều bệnh nhân khác, không chỉ cho thấy tình Chúa thương con người, nhưng còn cho thấy uy quyền của Người trên mọi sự dữ, ngay cả sự chết cũng bị Người đè bẹp dưới chân Người. Chỉ một cử chỉ đụng chạm “cầm tay” và “đỡ dậy” của Người cũng đủ làm cho con người trở nên trong sạch, thoát khỏi mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Bởi đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể vì Người hằng để ý lưu tâm mọi sự. Vì thế tình thương Người trải rộng khắp muôn phương, cho muôn người. Ơn cứu độ nơi Người cũng vì thế mà không dành cho riêng ai, nhưng là dành cho tất cả mọi người, trong khắp mọi nơi. Chính Chúa Giê su đã khẳng định tình yêu chân thành ấy. “Hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.

Quả vậy, tiếp nối bước chân Chúa Giêsu, từ mười hai vị tông đồ của Chúa, Lời của Chúa đã được lan truyền khắp năm châu, bốn bể và ơn cứu độ của Người đã lan tràn khắp hướng. Tuy nhiên, những người tin vào Đấng Cứu Thế vẫn còn khá khiêm tốn, và cánh đồng truyền giáo của Hội thánh vì thế vẫn còn là mênh mông, rộng lớn.

Hôm nay đây, Chúa Giê-su vẫn đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Bởi thế giới hôm nay vừa phải đối diện với khổ đau, bệnh tật, vừa đói khát Thiên Chúa. Người cũng mời gọi chúng ta cùng nhau chia sẻ, cùng chung tay xoa dịu những khổ đau, đói khát của con người.

Không những thế, ta còn thấy một bức tranh rất thực về những việc hàng ngày của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Bức tranh sống động về một ngày làm việc của Chúa Giê-su, một con người năng động và nhạy bén trong tình yêu, trong mọi công việc rao giảng Tin Mừng; từ việc giảng dạy trong các hội đường đến những làng mạc xa xôi, từ việc chữa lành bệnh nhân cho đến việc trừ quỷ…, nhưng đâu đó trong bức tranh sống động ấy vẫn họa lên một không gian yên tĩnh mà ở đó ta bắt gặp một Chúa Giêsu khác – Chúa Giê su – con người của cầu nguyện.

Và rồi ta thấy khung cảnh đẹp ngay từ “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Cầu nguyện luôn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của Chúa Giêsu. Người đã kết hiệp trọn vẹn với Chúa Cha trong khi vẫn sống hết mình cho con người nhân thế. Bởi lẽ sống của Người là kết hiệp với Chúa Cha và thi hành thánh ý của cha mình. Mác-cô không chỉ dẫn ra cho chúng ta thêm một lần nữa về tình yêu của Chúa đối với con người, và sự cấp thiết trong việc rao truyền Lời Chúa cho mọi người, xong còn chỉ dạy cho chúng một bài học quý giá rằng không phải chỉ có công việc, nhưng cầu nguyện luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người. Cầu nguyện giúp mỗi người quân bình trong đời sống và có được sự sáng suốt trong các quyết định của mình.

Quan trọng hơnnữa , cầu nguyện giúp ta biết mình là ai trong mối tương quan với Chúa và anh em. Nó cũng sẽ giúp mỗi người chúng ta gặp gỡ Chúa và xây dựng mối liên hệ mật thiết với Người, khích lệ chúng ta học biết nơi tấm gương tuyệt hảo là chính Chúa Giêsu, người đã luôn sống một cuộc sống hài hòa giữa hoạt động và cầu nguyện.

Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
Huệ Minh

Read 357 times Last modified on Thứ tư, 13 Tháng 1 2021 14:30