Đôi khi chúng ta thèm được nghe một lời xin lỗi từ bề trên, từ lãnh đạo nhưng ở cuộc đời này thật hiếm hoi. Có mấy khi cha mẹ sai mà lại đi xin lỗi con của mình? Có mấy khi cha xứ sai khi chửi mắng ai đó mà lại can đảm xin lỗi một cách công khai? Có mấy khi lãnh đạo từ tôn giáo đến chính quyền sai mà dám xin lỗi vì sai lầm của mình mà gây nên tổn thất cho cộng đồng chung?
Ở đời chúng ta rất dễ dàng đấm ngực và đọc chung với nhau câu “lỗi tại tôi,lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng khi phải thốt ra với một ai đó, ta thường cảm thấy "nghẹn nghẹn" trong cổ họng, như ai đó đã từng nói: "Xin lỗi ai đó thật lòng, dường như là từ khó nói nhất".
Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái - dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: "Mình cảm thấy vô cùng ân hận và giày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!".
Xin lỗi đòi hỏi bản thân phải nhìn nhận sự nhỏ bé, bất toàn nên mới có sai lỗi. Xin lỗi là mong tha nhân tha thứ và bản thân sẽ quyết tâm không tái phạm và sống hoàn thiện hơn.
Như vậy, xin lỗi còn là cách để hoàn thiện mình và cải thiện các mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững hơn.
Năm cũ sắp qua đi và năm mới sắp đến luôn là khoảng thời gian để mọi người thay đổi bản thân, làm mới con người của mình. Nếu bạn mong muốn có được một sự tốt đẹp cho những ngày tháng tới, nhưng lúc nào cũng giữ toàn những điều xấu, thói quen không tốt trong người thì khó có thể thăng tiến và đạt được hiệu quả cao hơn. Hãy thay đổi bản thân trong năm mới theo những hướng tích cực nhất mới mong tương lai được tươi sáng và nhiều thành công sẽ chờ đón chúng ta.
Chúa Giê-su khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Ngài đã bắt đầu bằng lời kêu gọi “hãy sám hối”. Sám hối là nhìn nhận cái sai của mình và can đảm nói lời xin lỗi với người, với việc mà ta đã làm, đồng thời còn phải hướng tới sự thay đổi cách sống phù hợp với giáo huấn của Chúa.
Nhưng xem ra chúng ta cũng chỉ đọc những lời sám hối chung chung trong các kinh đọc hằng ngày theo thói quen. Và tệ hơn, khi con người quá đề cao tự do cá nhân sẽ không còn thấy có lỗi với tha nhân để thực tâm xin lỗi. Điểu đáng buồn là người càng làm lớn thì thói gia trưởng càng cao nên càng khó khiêm tốn nhận sai và sửa sai.
Chính Chúa Giê-su khi rao giảng sám hối, Ngài cũng gặp rắc rối với người tội lỗi thì ít nhưng với người chức cao trọng vọng thì nhiều hơn. Tại sao vậy ? Thưa vì kêu gọi người tội lỗi sám hối thì dễ, vì họ biết mình tội lỗi ; còn kêu người chức cao trọng vọng thì cái tôi càng lớn, khiến họ càng khó nhìn lại bản thân để thấy sai mà sửa.
Bởi thế, để đáp lại lời kêu gọi sám hối thì trước hết ta phải thật khiêm tốn để thấy sự yếu đuối mỏng dòn của kiếp người. Vì “nhân vô thập toàn” , thế nên, “ai nên khôn mà không dại một lần” để rồi luôn biết lắng nghe sự góp ý hay những lời trái chiều mà thay đổi cách sống cho phù hợp.
Tiếp đến, sám hối còn đòi phải có can đảm : can đảm không tự lừa dối mình nữa, và can đảm đối diện với thực tại phũ phàng của bản thân mình. Can đảm chấp nhận tội lỗi của mình và can đảm thay đổi. Sự can đảm này rất cần thiết, bởi vì con người thường thích đi trên những đường xưa lối cũ, con người thường lún sâu trong những thói quen đã ăn sâu, cho nên thay đổi rất là khó. Dẫu vậy, con người vẫn phải thay đổi để trở về với hình ảnh ban đầu của tạo dựng là giống hình ảnh Thiên Chúa. Một hình ảnh tốt lành, thánh thiện, tinh tuyền.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn để nhận ra sự yếu hèn của mình mà ăn năn sám hối và cậy dựa vào ơn Chúa để hòan thiện con người của mình mỗi ngày được tốt hơn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền