Mỗi Thánh Lễ - tái hiện hy tế Bàn Thờ Thập giá, sau lời kinh Tiền Tụng, cộng doàn cùng hướng về linh mục chủ tế với tâm tình :
Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa
Là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Lời tôn vinh thống thiết về Thiên Chúa Ba Ngôi trong Thánh Lễ được tiếp nối với lời nguyện xin :
"Thầy để lại bình an cho các con,
Thầy ban bình an của Thầy cho các con".
Xin đừng chấp tội chúng con,
nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa;
xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an
và hợp nhất theo thánh ý Chúa.
Chắc có lẽ kinh qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc dời, của biến cố lịch sử để rồi Mẹ Hội Thánh vẫn luôn tha thiết xin cho được sự bình an và sự hợp nhất theo thánh ý Chúa.
Thánh ý Chúa và nhất là Chúa đã sống tâm tình kết hiệp với nhau và luôn luôn yêu thương nhau cũng như hướng về nhau.
Thật thế ! Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn kết hiệp mật thiết với Cha và Thánh Thần. Ngược lại, Cha và Thánh Thần luôn luôn ở cùng với Chúa Giêsu trong mọi biến cố của ucộc đời.
Để khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu dã vào hoang địa chịu cám dỗ. Chúa vào đó không phải đi một mình nhưng Thần Khí của Chúa theo Chúa Giêsu cũng như ở cạnh Chúa Giêsu để Chúa Giêsu vượt qua thử thách gian nan mà có lúc tưởng nhưng quỵ ngã với những cơn cám dỗ về vật chất, danh vọng, quyền lực.
Khi bước chân xuống dòng sông Giođan để lãnh phép rửa từ tay Gioan, Chúa Giêsu cũng dìm mình trong dòng nước lạnh với Thần Khí và Chúa Cha. Từ trời, tiếng Chúa Cha đã phán ra : "Này là con ta yêu dấu ! Đẹp lòng ta mọi đàng !"
Rồi cứ như thế, trên con đường loan báo Tin Mừng, với những phép lạ Chúa Giêsu làm, ta bắt gặp Chúa Giêsu lại cứ mãi kết hiệp với Chúa Cha và ca tụng Chúa Cha. Đẹp lắm lời nguyện cầu trong đoạn Lời Nguyện Hiến Tế của Tin Mừng Gioan chương 17 “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con (Ga 17,20-23).
Theo gương Chúa Giêsu sống hiệp nhất, ta thấy thế giới cũng muốn tiến về hiệp nhất. Ðiều này được nhận ra qua nhiều dấu chỉ. Các tổ chức quốc tế phát sinh sau Thế Chiến thứ II như một toan tính tập hợp thế giới. Khoa học và kỹ thuật, các trao đổi văn hóa và mậu dịch, sự du hành dễ dàng, những biến cố thể thao, các phương tiện truyền thông xã hội, cho đến sự lan tràn mau lẹ của Internet... tất cả yếu tố này giúp các dân tộc xích lại gần nhau và gia tăng các cuộc gặp gỡ giữa cá nhân và các nền văn hóa. Thực vậy, thế giới ngày nay, trong các cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội của nó, dường như lệ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết và có hệ thống.
Ðang tiếc là bao nhiêu lần, sự hướng về hiệp nhất như thế - ngày nay nó được mặc dưới lớp áo toàn cầu - lại do những tính toán lợi lộc khổng lồ hướng dẫn. Và trong khi một đàng người ta đề ra những dự án chung rất đẹp đẽ, thì đàng khác, hàng triệu hàng tỷ người lại bị gạt ra ngoài lề.
Vì thế, chính con người và ngay cả các Giáo Hội ngày nay đều yêu cầu một cách mạnh mẽ như một tiếng kêu gào đòi hỏi một cách thế toàn cầu hóa khác, không do lợi lộc hướng dẫn, nhưng do luật yêu thương. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã đặt trong tâm hồn của con người ngày nay khát vọng hiệp nhất như thế, và cũng chính Ngài thúc đẩy Giáo Hội sống tình hiệp thông, để có thể đáp ứng khát vọng đó của nhân loại.
Thánh Phaolô, có lẽ hơn ai hết Ngài khát khao sự hiệp nhất : “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau”.(Ep 4, 3) ...“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. (Cl 3, 14)
Và ta thấy Ngài tha thiết khuyên điều này: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu kitô Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau.”(1Cr 1, 10)
”Họ kiên trì trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ và trong sự hiệp nhất huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong các lời cầu nguyện” (Cv 2,42).
Và mỗi người chúng ta được mời gọi luôn luôn nhìn lên Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm tình Chính người Người, với Người và trong Người để hiệp nhất yêu thương. Thật vậy, chúng ta bảo vệ sự hiệp nhất khi chúng ta kính trọng và yêu thương những người lãnh đạo và phục vụ chúng ta. Chúng ta được mời gọi, “Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quí trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy vì công việc họ làm” (1Tx 5, 12 – 13a).
Lm. Anmai, CSsR