Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 16 Tháng 3 2021 21:04

Tin thì được sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Tin thì được sống


17Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay
– Thánh Pa-tric, Giám mục

– Các bài đọc Lời Chúa: Is 49,8-15; Ga 5,17-30.

TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG

Sự thánh thiện của một con người chỉ có thể nhận biết qua kết quả của họ. Thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm thì điều đó có ích lợi cho chúng ta. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.

Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.

Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.

Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như "mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay" đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.

Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn.

Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.

Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho các người biệt phái, đã trách Ngài làm việc lành chữa người đau liệt chờ bên bờ giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa là người Cha nhân từ luôn luôn làm điều tốt lành cho con cái mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây, đến phiên mình xuống trần gian để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabat. Ngày Sabat là ngày cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat.

Một người bệnh nằm 38 năm để chờ một cơ hội, chờ một lần được là người đầu tiên xuống nước khi thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên để được khỏi bệnh, một tia hy vọng mong manh. 38 năm dài đằng đẵng, không một ai giúp: tôi không được ai giúp, không có người đem tôi xuống hồ, tôi không có ai cả…

Câu trả lời dường như chứa đựng cả 38 năm đau khổ, gánh nặng và thất vọng, vì anh ta chỉ có một mình với thân thể tật nguyền. Gia đình, bạn bè, chẳng có ai quan tâm, chẳng ai giúp đỡ. Những người bệnh khác cũng chẳng thèm nhường anh ta. 38 năm trời không một cánh tay giúp đỡ, trong khi ở đó không thiếu những người khỏe mạnh. Câu trả lời dường như là một lời kết án một xã hội vô cảm.

Nhưng anh ta vẫn hy vọng. Kéo dài 38 năm trời. Trong khi không còn niềm hy vọng vào con người, thì Đức Kitô đến…và lòng thương xót Chúa hoạt động…Đỉnh cao của sự vô cảm, và của thói nệ luật là ở đây: một con người 38 năm trời nằm ở đó không ai để ý, chỉ để ý khi anh ta vác chõng ra về vào ngày sabát, và kết án anh ta…

Cũng trong dịp này, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Ngài, đồng thời Ngài mời gọi họ hãy nhìn lên cõi đời đời, hãy tin nhận Ngài và đặt đời sống của họ trong ánh sáng Lời Ngài.

Tình yêu thương nối liền giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu thương đó được thể hiện bằng lòng nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chương trình tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả và cộng tác đắc lực với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe Lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì sẽ được sống đời đời", khỏi bị xét xử nhưng từ cõi chết mà qua cõi sống.

Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu miệt mài làm việc nhằm thi thố quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa cho những con người khốn khổ về đang thể xác lẫn tâm linh, nhưng người ta chẳng mấy bận tâm đến điều đó; trái lại, người ta còn tìm đủ mọi mưu mô, cạm bẫy để tiêu diệt Ngài cho khuất mắt người ta!

Hình ảnh Ađam chẳng thiết tha gì với Thiên Chúa giàu lòng xót thương, thậm chí còn trở nên thù nghịch với Thiên Chúa, hình ảnh ấy có trong bạn và tôi. Mỗi khi chúng ta đắm đuối trong những đam mê, dục vọng trần gian, xác thịt mà chẳng thiết tha gì với thực tại thiêng liêng tốt lành trên trời cao, là khi ấy chúng ta đang để cho con người Ađam cũ nơi mình trỗi dậy và đẩy chúng ta xa Chúa.

Nhìn vào đời sống đạo của người Kitô hữu, chúng ta cũng được biết về Chúa, cũng tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, Đấng Chúa Cha sai đến để cứu độ con người nhưng đôi khi chúng ta vẫn chưa sống đúng với những điều mình tuyên xưng. Ngoài miệng chúng ta vẫn tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng trong cách sống, nhiều khi chúng ta vẫn chưa dám trao phó trọn vẹn cuộc sống cho Người.

Một câu thường được lập đi lập lại trong Tin Mừng Gioan, đó là “tin để sống”. Chúa Giêsu thường kêu gọi người ta tin, bởi vì Ngài muốn cho người ta sống. Ngài đến để cho người ta sống và sống dồi dào.
Huệ Minh

Read 335 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 3 2021 21:23