Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 01 Tháng 5 2021 20:33

Theo đạo nào cũng tốt có đúng không?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  THEO ĐẠO NÀO CŨNG TỐT CÓ ĐÚNG KHÔNG?

(Acts 9:26-31; I Jn 3:18-24; Jn 15:1-8)

Anh chị em thân mến

Có nhiều người nói rằng đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Vậy chúng ta là người công giáo ta có suy nghĩ gì khi gặp câu nói này. Khi nói đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành thì người này chỉ mới hiểu đi đạo là chấp nhận và tuân giữ một số luật lệ đạo đức luân lý mà thôi, hay chỉ chấp nhân theo một hệ tư tưởng chẳng hạn tôi theo đạo công giáo thì tôi phải đi theo đạo công giáo, anh theo đạo phật thì theo hệ tư tưởng của đạo phật. Đúng vậy đi đạo là tuân giữ luật lệ đạo đức luân lý và chấp nhận theo một hệ tư tưởng nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, nhưng là một Ki-tô hữu của đạo công giáo thì đi đạo là đi theo Chúa để sống hiệp thông mật thiết với Ngài. Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta một hình ảnh thân thương “đó là cây nho và cành nho” gắn liền sự sống với nhau để cho ta thấy theo Chúa không chỉ tuân giữ một hệ thống luật lệ đạo đức luân lý. Nếu đạo chỉ day ăn ở ngay lành thì Thánh Phao-lô trong bài đọc I không cần trở lại đạo Ki-tô giáo vì ngài là người Pha-ri-siêu rất đạo đức và giữ luật lệ một cách nghiêm khắc và tỉ mỉ, rồi ngài trở lại không phải đạo công giáo có một hệ tư tưởng sâu sắc, nhưng thánh Phao-lô trở lại vì một con người mang tên Giê-su, ngài muốn “theo Chúa để được hiệp thông sự sống của Ngài như cành nhận lấy sự sống của thân cây để nhựa sống của cây luân chuyển và mang lại sự sống cho cành” và cành nào tách lìa khỏi thân cây thì cành này sẽ bị khô héo, rồi chết và không sinh hoa trái. Chúa Giê-su dùng hình ảnh rất cụ thể để diễn đạt điều cốt lõi trong đạo. Vì thế chúng ta tin vào Chúa không phải chỉ để sống một đời sống luân lý tốt, cũng không phải chấp nhận Phúc âm như là một hệ ý thức tốt hơn hệ tư tưởng khác, nhưng cái chính yêu và cốt lõi là được kết hợp với Chúa để nên một với Ngài trong tình yêu và trong sự sống.

Chúa Giêsu chính là Cây Nho và mỗi chúng ta là cành. Điều mà Thiên Chúa là Chủ vườn mong đợi nơi mỗi chúng ta là tất cả chúng ta khi đón nhận được nhựa sống từ gốc nho Giêsu thì đều phải sinh trái và tiếp tục được cắt tỉa để có thể sinh nhiều hoa trái hơn. Để có thể sinh trái, cần phải có một điều kiện vô cùng quan trọng, đó là: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em”. Thánh Gioan đã dùng 8 lần động từ “ở lại” trong 7 câu để nhấn mạnh rằng “Ở lại” có nghĩa là gắn kết, là đối thoại thân mật, là hiệp thông. Ở lại còn là đón nhận sự sống từ chính gốc nho Giêsu, là nên cùng một chủng, một loại, một gen với gốc nho Giêsu. Có như thế chúng ta mới có thể trở nên một cành nho khỏe mạnh và có thể sinh nhiều hoa trái. Trái lại, nếu ta tự mình tách lìa khỏi thân cây Giêsu, ta sẽ bị khô héo; nếu ta chỉ gắn kết với thân nho Giêsu cách hờ hững, ta sẽ không đón nhận được sức sống từ nơi Chúa, sẽ trở nên èo uột, sẽ bị chặt đi, và bị ném vào lò lửa. Một điều Chúa Giêsu bảo đảm cho tất cả chúng ta, đó là khi ta ở lại trong Chúa, để cho Lời Chúa cắt tỉa, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

Ở lại trong Chúa Giêsu, ta sẽ sinh những hoa trái nào? Saolô trước đây chưa được ở lại trong Đức Giêsu, ông chỉ là một cành cây hoang dại, sinh trái chua, quả đắng, gây đau khổ chết chóc cho nhiều người. Nhưng từ khi bị Chúa Giêsu quật ngã trên đường Đamas, Phaolô đã được tháp nhập vào gốc nho Giêsu, đón nhận được nhựa sống từ Chúa phục sinh, được Tin Mừng của Chúa cắt tỉa, ông đã trổ sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời và làm trổ sinh rất nhiều hoa trái cho Chúa và cho Giáo hội. Ông miệt mài đem Tin Mừng của Chúa đến cho dân ngoại, thành lập nhiều giáo đoàn và còn để lại cho Giáo Hội một kho tàng suy tư thần học sâu sắc về Thiên Chúa. Lúc này thánh Phao-lô thấy được rằng “Tôi sống nhưng không phải là tôi nhưng chính Đức Ki-tô sống trong tôi”.

Rồi “ở lại” trong Chúa chúng ta sẽ dành cho nhau tình yêu cụ thể là hoa trái ngọt ngào được trổ sinh từ những cành nho gắn liền với thân nho Giêsu như thư Gioan trong bài đọc II dạy rằng: “Anh em đừng yêu thương bằng lời nói trên môi, nhưng yêu thương cách chân thật bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó để biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật”.

Anh chị em thân mến

Qua hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho sẽ sinh hoa trái, Lời Chúa mời gọi chúng ta ở lại với Chúa, sống gắn bó với Chúa Giêsu một cách bền chặt như cành gắn liền với cây. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô, song thực tế, chúng ta vẫn chỉ là những cành èo uột, không phát triển, vì ta chưa gắn bó cách “liền da liền thịt” với cây gốc Giêsu. Chúng ta sống hờ hững, không đón nhận ân sủng và sức sống của Chúa qua các Bí tích; chúng ta từ chối không để cho Tin Mừng cắt tỉa mỗi ngày. Vì thế chúng ta không sinh được hoa trái thánh thiện tốt lành cho mình và cho mọi người.

Thiên Chúa là Chủ vườn nho. Ngài mong muốn và chờ đợi chúng ta sinh nhiều hoa trái. Ngài không ngừng yêu thương chăm sóc chúng ta từng ngày; Ngài tưới gội trên chúng ta bằng tình yêu thương và chăm bón cho chúng ta bằng ân sủng. Thiên Chúa muốn chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu như Phaolô đã gắn bó một đời với Đức Giêsu và đã sinh ra một mùa hoa trái cho Giáo Hội. Đức Giêsu cũng muốn chúng ta gắn bó với Ngài để đón nhận được sự sống và tiếp tục sinh ra những hoa trái yêu thương, đem lại hương vị ngọt ngào cho đời.

Mỗi gia đình là một cây nho trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Vì thế các cha mẹ cần được tháp nhập cách mật thiết với Chúa mỗi ngày. Chỉ khi dám tháp cuộc đời, mọi sinh hoạt, mọi công viêc của gia đình vào gốc nho là Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể sinh ra những hoa trái ngon ngọt cho gia đình cho Giáo Hội. Chúng ta tháp nhập mình vào gốc nho Giêsu có nghĩa là ở lại trong sự thân tình với Chúa qua cầu nguyện, nghe Lời Chúa, đón nhận các bí tích và làm các việc hy sinh vì Chúa và vì vợ, vì chồng vì con cái. Chúa sẽ làm cho hoa tình yêu đơm bông và trái hạnh phúc trổ sinh trong gia đình ta.

Chúa Giêsu khao khát và mong muốn các bạn trẻ và mỗi người ở lại trong Ngài để Ngài cũng ở lại trong chúng ta. Chúa muốn ta ở lại trong vòng tay của Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn. Đừng cố gắng tách mình ra khỏi vòng tay của Chúa, cũng đừng tự mình quyết định cuộc đời mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa, hoặc xem nhẹ giới răn lề luật của Chúa. Một khi ta dám sống gắn bó với Chúa, Chúa không lấy đi điều gì của ta, nhưng Chúa sẽ làm cho cuộc đời, tuổi trẻ của ta thêm phóng phú và ý nghĩa. Chúa sẽ làm cho cuộc đời ta trở nên có ích cho mình, cho gia đình và cho mọi người.

Xin Chúa giúp chúng ta đón nhận tình yêu thương của Chúa nơi Thánh thể để tin tưởng rước lấy hầu Thiên Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa. Nhờ có Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa, chúng ta được sống trong tình yêu và sinh hoa trái là niềm vui và hạnh phúc Chúa ban.

Lm. Giuse Hồ Quang Hân,SDB

Read 598 times Last modified on Thứ hai, 03 Tháng 5 2021 06:45