24 13 Tr Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên.
Ca vịnh tuần IV.
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh, lễ nhớ.
Lễ nhớ có bài đọc riêng:
St 3,9-15.20 (hoặc Cv 1,12-14); Ga 19,25-34.
KẾT HỆP VỚI MẸ
Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mừng long trọng vào Chúa nhật sau lễ Thăng Thiên, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ Hội Thánh mừng lễ này liền kề với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội.
Từ sau Công đồng Vatican II, hạn từ Mẹ Hội Thánh được sử dụng rộng rãi, không chỉ vì đây là gợi ý của Đức Phaolô VI, mà còn là một kinh nghiệm đức tin được soi dẫn qua dòng lịch sử Hội Thánh. Điều này cũng mặc nhiên nói cho các tín hữu về một viễn kiến đầy hy vọng mà sách Khải huyền đã nêu lên, trong một cuộc chiến không khoan nhượng giữa con rồng và người nữ. Người nữ ấy chính là hình ảnh Đức Maria, tượng trưng cho Hội Thánh.
Cơ sở cho kinh nghiệm đức tin này là đoạn Thánh Kinh mà chúng ta đọc và suy niệm hôm nay. Hội Thánh đã được Chúa Giêsu thiết lập. Đã được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng, từ đó máu và nước chảy ra. Nhiều nhà thần học đã cho đây là hình ảnh tượng trưng cho giây phút Hội Thánh được sinh ra giống như trẻ sơ sinh được sinh ra từ cung lòng người mẹ. Máu và nước tượng trưng cho sự sống. Đó cũng là hình ảnh mang tính Thánh Thể của mầu nhiệm Hội Thánh, mà từ Thánh Thể, Hội Thánh được nuôi sống do chính Mình và Máu Chúa. Hội Thánh lại tiếp tục mọi ngày làm cho hình ảnh của hy tế Chúa Kitô được sống động qua việc hiện tại hóa mầu nhiệm yêu thương này trong mỗi thánh lễ cử hành.
Thế nên, một Hội Thánh non trẻ được Chúa Giêsu sinh ra và cưu mang, rồi trong giây phút Người chết trên thập giá đến việc trao phó thánh Gioan làm con Đức Mẹ, gợi lên cho chúng ta đầy hình ảnh mang tính biểu trưng về Hội Thánh. “Này là con Bà” và “Đây là mẹ con”, hai câu nói này hàm chứa một nội hàm sâu xa. Rằng Hội Thánh thực sự là con của Mẹ Maria. Chúa Giêsu chuyển giao Hội Thánh non trẻ và nhỏ bé ấy cho Đức Mẹ trong nom. Và “Đây là mẹ con”, đây thực sự là lời căn dặn, Hội Thánh chính là mẹ của chúng ta, Hội Thánh đó bao hàm tất cả mọi người chúng ta, những kẻ tin và cử hành mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô Con Mẹ.
Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn Công Đồng Vaticanô II tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ 3 Công Đồng (21.11.1964), Người cũng bảo: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.
Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống… và là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta.
Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, chiếc màn đen tối của đau khổ và chết chóc che phủ khắp trần gian, con người tự tách mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Bà Evà - Người đàn bà đầu tiên của nhân loại bị nguyền rủa một cách đáng thương. Vì thế Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian, mở ra cho loài người một chân trời hy vọng để nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. Như giọt sương sớm thanh khiết dịu hiền, Mẹ Maria chính là Eva Mới làm bừng nở đóa hoa sự sống nơi địa đàng. Mẹ là trời mới đất mới tinh tuyền đón Ngôi Lời nhập thể vào trần gian.
Mẹ Maria đã tham dự trọn vẹn vào sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu Kitô. Mẹ đã hiện diện và chia sẻ với Chúa trong mọi biến cố vui buồn của kiếp người. Vừa cất tiếng chào đời, Hài Nhi Giêsu đã phải chịu cảnh giá rét nơi đồng vắng, phải bôn ba chạy trốn sang đất khách quê người. Khi dâng trẻ Giêsu trong đền thờ, Mẹ Maria và cha thánh Giuse đã đau khổ vì lạc mất Chúa. Sống nơi làng quê nghèo Nagiarét, trong mái ấm gia đình có Mẹ Maria làm “nội tướng”, Chúa Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và nhân đức. Mẹ luôn hiện diện một cách âm thầm bên Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng.
Ngay từ đầu sách Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại khung cảnh tiến dâng trẻ Giêsu trong đền thánh, Mẹ Maria gặp gỡ ông già Simêon và đã được tiên báo về vai trò của Mẹ và sứ mạng của Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35).
Lời nói tiên tri không làm Mẹ hoang mang sợ hãi bởi cả cuộc đời của Mẹ đã gắn chặt Chúa Giêsu và Mẹ tin rằng không điều gì xảy ra nằm ngoài kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã từng nếm trải cảnh sống “không có chỗ tựa đầu”, chịu đói khát, bị người đời chống đối và sát hại.
Trong cuộc thương khó, khi Chúa Giêsu vác cây thập giá lên Núi Sọ, đám người theo sau cuồng loạn, hò la, chế giễu. Sự yên bình, tĩnh lặng thường ngày nhường chỗ cho những âm thanh hỗn độn, nhốn nháo. Chen lẫn trong đám đông đang bừng bừng phẫn nộ, Mẹ Maria lặng lẽ dõi theo bước chân của Người Con Yêu. Bỏ ngoài tai những lời nhiếc móc, mỉa mai và những cái nhìn ác cảm, tâm hồn Mẹ hoàn toàn hướng về Chúa.
Khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, Mẹ đứng bên dưới lặng nhìn con yêu hiến tế chính mình cho Thiên Chúa. Đâu cả rồi, nhóm thân bằng quyến thuộc? Đâu cả rồi, đám dân ái mộ tôn sùng? Đứng dưới chân thập giá chỉ có mấy người phụ nữ là Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlôpát, bà Maria Mácđala và môn đệ Gioan. Họ đứng đó, im lặng thông phần khổ đau với Chúa Giêsu. Đây là giây phút trọng đại Con Thiên Chúa hiến thân vì nhân loại.
Từ trên cao ấy, ta thấy Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những con người trung kiên ấy. Một nỗi thân thương tràn ngập tâm hồn và Người thốt lên: "Thưa Bà, đây là con của Bà”. Giờ thì mọi sự đã hoàn tất, tình yêu đã trao trọn, Người có thể yên lòng ra đi. Nơi kia, Cha Người đang dang tay chờ đón lễ vật cao quý nhất được dâng lên. Suốt cuộc đời Chúa Giêsu đã sống theo thánh ý Cha, thì giờ đây Người cũng chết để chu toàn thánh ý đó: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha". Mẹ Maria đứng đó, can đảm lặng nhìn xác Chúa Giêsu treo trên thập giá, lòng Mẹ những ước ước ao được hiến tế chính mạng sống mình cùng với Con Mẹ. Lời tiên tri của cụ già Simeon năm xưa lại thêm một lần ứng nghiệm: “Này đây một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
Trong Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria (số 20), thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ như sau: “Toàn thể lịch sử cứu độ theo một nghĩa nào đó đã hướng tới lời chào của thiên sứ Gabriel “Vui lên đi, hỡi Đấng đầy ơn phúc!” Nếu như kế hoạch của Chúa Cha là qui tụ vạn vật trong Đức Kitô (Ep 1,10), thì toàn thể vũ trụ một cách nào đó đã được ân nghĩa của Thiên Chúa động chạm đến, ân nghĩa mà Chúa Cha đoái đến Đức Maria và làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu của Con Người. Ngược lại, toàn thể nhân loại được ôm ấp bởi lời thưa “Xin vâng”, nhờ đó Mẹ Maria sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện”.
Với tất cả tấm lòng khiêm tốn và phó thác, Mẹ Maria đã đón nhận Chúa Giêsu không chỉ trong những lúc tràn trề niềm vui hạnh phúc nhưng cả những lúc đứng bên bờ vực thẳm của khổ đau. Mẹ không hề tỏ thái độ tuyệt vọng nhưng luôn kiên vững trong niềm tín thác vào tình thương Thiên Chúa. Mẹ đã khiêm tốn để cho Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Số phận cuộc đời Mẹ gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, thăng trầm của đời Mẹ gắn liền với mọi biến cố vui buồn của Con Mẹ. Nhờ thánh giá Chúa mà những hy sinh của Mẹ trở nên ý nghĩa. Nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ và lời “Vâng phục” của Chúa Giêsu được nên trọn. Chúa Giêsu gieo rắc hạt giống sự sống trên thửa đất tốt của lòng Mẹ. Nhờ những giọt máu thánh Chúa đổ ra hòa với nước mắt của Mẹ làm nảy sinh hạt giống sự sống khai sinh nhân loại mới.
Mang thân phận con người, chúng ta không tránh khỏi những lầm lỗi yếu đuối, phải đau khổ và phải chết. Noi gương Mẹ, ước gì chúng ta biết kết hợp những đau khổ trong đời sống hàng ngày với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá như phương tiện thánh hóa chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Mẹ Maria là Đấng hiệp thông trong công trình cứu độ, Mẹ đã đồng hành với Chúa trong suốt cuộc đời, xin Mẹ dạy chúng ta biết can đảm bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đã đi, biết mở rộng cánh cửa con tim để yêu thương, dám trao ban chính bản thân mình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Huệ Minh