TMĐP- Đức Tin là kinh nghiệm về Thiên Chúa của mỗi người, nên Đức Tin ở mỗi người có mức độ khác nhau, tùy theo độ dầy của tương quan, chiều sâu của kinh nghiệm.
Đức Tin là tương quan giữa mỗi người với Đức Giêsu Thiên Chúa làm người. Tương quan này sống động, vì liên kết Thiên Chúa hằng sống với con người đang sống; tương quan thiết thân, gắn bó đến mức trở nên một trong nhau, như kinh nghiệm đức tin của thnáh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).
Vì Đức Tin là kinh nghiệm về Thiên Chúa của mỗi người, nên Đức Tin ở mỗi người có mức độ khác nhau, tùy theo độ dầy của tương quan, chiều sâu của kinh nghiệm… như Tin Mừng đã kể lại kinh nghiệm sâu sắc về Đức Giêsu của các môn đệ qua biến cố “biển bất ngờ nổi sóng gió làm các ông sợ hãi, mà Đức Giêsu vẫn ngủ giữa các ông”.
“Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! …. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4,35.37-39).
Qua kinh nghiệm Đức Tin vừa cùng nhau sống với Đức Giêsu, các môn đệ hiểu ra nhiều điều:
1/ Đi với Đức Giêsu là chấp nhận liên lỷ sống đòi hỏi Vượt Qua của Tin Mừng:
Như Ítraen đã bất ngờ bỏ đất Ai Cập làm cuộc Vượt Qua để về đất Thiên Chúa hứa, người môn đệ cũng liên lỷ được mời gọi Vượt Qua để “xuống thuyền sang bờ bên kia” còn xa lạ, xa xôi, xa cách; “sang bờ bên kia” còn lạ lẫm, lạ người lạ cảnh, “lạ nước lạ cái”, lạ từ thời tiết, khí hậu đến của ăn, phong tục, văn hóa, và rời bỏ “bờ bên này” đã “quen tay quen chân”, quen người quen cảnh, ổn định, an toàn, tiện nghi, thoải mái. Và không người môn đệ nào đã không trải nghiệm đòi hỏi Vượt Qua của đức tin trên hành trình loan báo Tin Mừng, mà vượt qua cam go, khó khăn nhất chính là vượt qua chính mình để đến với anh em và gặp được Thiên Chúa trong mọi người.
Đây là những lần Vượt Qua đòi nhiều hy sinh quên mình, và liều lĩnh mất mạng, như Đức Giêsu đã muốn các môn đệ của Ngài xuống thuyền sang bờ bên kia, khi trời đã về chiều, bất kể nguy hiểm của cuồng phong, sóng gió, như chính Ngài đã chấp nhận lên Giêrusalem, dù biết ở đó Ngài sẽ “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ lục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” – Mt 16,21), chỉ vì vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, Cha Ngài.
2/ Đi với Đức Giêsu là vui lòng đón nhận những khoảnh khắc Yên Lặng của Thiên Chúa:
Như Đức Giêsu đã sống kinh nghiệm “yên lặng của Chúa Cha” giờ hấp hối trên Thánh Giá (x. Mc 15,34), mặc dù chính Chúa Cha đã muốn Ngài chịu chết để cứu chuộc nhân loại, và Ngài đã tuyệt đối vâng phục thi hành Thánh Ý, các môn đệ hôm ấy đã sống kinh nghiệm đức tin rất cam go này, khi hốt hoảng trước cuồng phong, bão tố, đồng thời sững sờ, không hiểu gì trước “yên lặng” của Đức Giêsu.
Các ông không hiểu gì, vì chính Đức Giêsu truyền cho các ông “sang bờ bên kia”, nhưng khi sóng gió nổi lên đe dọa mạng sống mọi người, Ngài lại yên lặng “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.
Đó là kinh nghiệm đức tin trong tương quan với Đức Giêsu mà những ai đi theo làm môn đệ Ngài từng trải nghiệm. Có những hoàn cảnh không thể hiểu được, khi tận tâm, tận lực làm việc cho Giáo Hội, nhưng chính Giáo Hội lại thờ ơ, coi thường, xử tệ; có những truờng hợp bị Bề Trên cố tình áp đặt, o ép, cắt nghiã sai lệch, tìm cách buộc tội, đổ lỗi cách bất công, dù đã hết lòng chu toàn sứ vụ, hoàn thành trách nhiệm được trao; có những giai đọan dường như tất cả những người chung quanh từ Đấng Bản Quyền cho đến đồng nghiệp, đồng song, đồng hương, đồng đạo đều lạnh lùng làm ngơ, tỉnh bơ không quan tâm đếm xiả, dù đã hy sinh đến cùng cho cộng đoàn, anh em. Và quả thực, Đức Giêsu đã muốn những ai thuộc về Ngài, những người Ngài yêu thương chia sẻ kinh nghiệm đắng đót “tưởng như bị bỏ rơi, bạc đãi, bị hắt hủi, loại trừ, bị bán đứng, phản bội” bởi chính Đấng đã sai mình, và những anh em cộng sự với mình trong sứ vụ.
Như thế, không chỉ những người ở xa Chúa, chối bỏ Chúa mới cảm nghiệm sự yên lặng, vắng mặt của Thiên Chúa, mà ngay cả những người ở trong nhà Chúa, giữa thánh điện của Chúa, kề cận bên Chúa, cùng thuyền với Chúa, làm việc cho Chúa, đang thi hành ý muốn của Chúa cũng phải trải qua kinh nghiệm của “thinh lặng đầy thử thách” này.
3/ Người môn đệ nhận ra Thiên Chúa, nhờ sống kinh nghiệm về sự “Yên Lặng, ngủ quên” của Thiên Chúa:
Đức Tin là hành trình khám phá từng ngày Con Người Thiên Chúa của Đức Giêsu. Hành trình sẽ dẫn người môn đệ đến xác tín: Đức Giêsu là Thiên Chúa và Con Người thật, và Ngài luôn có mặt trên thuyền đời của mỗi người, cũng như thuyền Giáo Hội của Ngài.
Tin Mừng kể: ngay giữa cuồng phong, bão tố, các môn đệ đã hốt hoảng, sợ hãi và tất cả đều thấy sự chết gần kề. Chỉ riêng một mình Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối. Ngài bình an như không có gì xẩy ra, vì Ngài là Đấng mà “gió và biển cũng phải tuân lệnh” im hơi, lăng tiếng khi Ngài truyền cho chúng im đi (x. Mc 4,39.41), chỉ có các môn đệ mới hoảng sợ vì chưa biết Ngài là ai…
Tin Mừng còn ghi lại một chi tiết ấn tượng, đó là Đức Giêsu “đang ở đàng lái”, mặc dù “Ngài dựa đầu vào gối ngủ”, như muốn nói với chúng ta: Người điều khiển con thuyền luôn là Đức Giêsu, và Ngài không bao giờ rời tay lái cuộc đời chúng ta, và Giáo Hội, dù chúng ta thấy Ngài đang ngủ.
Thực vậy, cho đến khi Đức Giêsu bị đánh thức và lên tiếng truyền cho sóng biển im đi, và cuồng phong, bão tố lập tức êm ả, nhẹ nhàng, các môn đệ vẫn không tin Ngài là Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ Ngài cũng là con người như họ. Bằng chứng là các ông chỉ báo cho Ngài biết nguy cơ sắp chết hết cả đám, kèm theo “lời trách nhẹ” hàm ý: nguy hiểm đến thế, mà sao Thầy vẫn tỉnh bơ, vô tâm, vô tình? Và chỉ khi Đức Giêsu bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4, 40), các ông mới tin Ngài là Đấng Thiên Sai, khi “hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41).
Vâng, mục đích của hành trình đức tin với những kinh nghiệm về Đức Giêsu trong tương quan với Ngài là để chúng ta biết rõ Ngài là ai. Và một khi đã biết rõ Ngài, chúng ta được Ngài biến đổi nên thụ tạo mới, như thánh Phaolô đã viết: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” 2Cr 5,17), tức là được hoà giải với Thiên Chúa nhờ Ngài.
Cùng đòan thể đông đảo các thánh trên trời và những người đang đi theo Đức Giêsu trên hành trình Đức Tin, chúng ta cùng cất lời ca tụng Thiên Chúa qua lời Thánh Vịnh:
“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
Sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
họ vui sướng, vì trời yên bể lặng,
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.
Ước gì họ dâng lời cảm tạ, vì tình thương của Chúa,
Và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 106,28-31)
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/kinh-nghiem-song-voi-thien-chua-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-12-nam-b/