Thánh nữ Maria Madalena, Tông đồ của các Tông đồ
Posted by Ban Biên Tập(Ga 20,1-2.11-18)
Hôm nay Giáo hội mừng kính lễ thánh nữ Maria Mađalêna, là con một gia đình phú quý sang trọng. Sau khi cha mẹ mãn phần, Ngài được hưởng một lâu đài kếch xù. Với cái gia tài to tát này, Maria sống xa hoa, đài các, sa đọa, làm cớ cho cả vùng Galilê dèm pha khinh dể. Nàng sa đọa, trụy lạc đến nỗi trở nên nô lệ ma quỷ, bị ma quỷ ám hại. Sau này được Chúa Giê-su trừ cho khỏi bảy quỷ, và theo chân Chúa Giê-su trên hành trình rao giảng và phục vụ Người. Là người đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu. Thánh nhân là nhân chứng đầu tiên của biến cố Đức Giêsu phục sinh kể lại những gì Chúa nói với bà. Ngài đặt cho tước hiệu Apostolorum Apostola – “Tông đồ của các Tông đồ”. Vì ngài đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.
Bài Tin mừng của Thánh Gioan hôm nay cũng tường thuật lại cảnh Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với Maria Madalena khi vừa tảng sáng bà đã ra thăm mồ Chúa, thì thấy ngôi mộ trống và xác Chúa không còn nữa, bà chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Mađalêna cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Mađalêna ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau về kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì?” Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Đấng Phục sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Điều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
Quả thật, Đấng Phục sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay.
Để tin nhận Ngài, chúng ta phải làm bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh, đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, của bệnh tật, của đại dịch Covid chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.
Câu chuyện kể rằng một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa. Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế. Người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:
Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau: Con ơi làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện bởi những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đâm qua xỏ lại, chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.
Lm Giuse Hồ Quang Hân, SDB