Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 04 Tháng 9 2021 17:51

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe!


Tin Mừng Mac-cô hôm nay trình thuật về biến cố Chúa Giê-su chữa lành một người bị câm điếc. Họ dẫn đến trước mặt Chúa Giê-su một người bị câm điếc và nài xin Ngài chữa cho anh và Chúa Giê-su đã lắng nghe tiếng kêu xin của họ và Ngài đã nhậm lời. Vâng, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của những ai cần đến Ngài. Như Thánh Vịnh 34 có viết, "Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của người nghèo khổ."

Ngài sẽ làm gì sau khi lắng nghe thấy tiếng kêu của những người nghèo khổ trong thế giới hôm nay? Thưa Thiên Chúa sẽ đưa mắt tìm kiếm chúng ta, những người có thể giúp đỡ người anh chị em đó và Ngài mở tai để chúng ta nghe thấy tiếng kêu than của tha nhân. Và Thiên Chúa sẽ sai chúng ta đến giúp đỡ họ.

Ví dụ, Thiên Chúa sai những giáo dân trong giáo xứ đến làm việc với tổ chức Caritas, để tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ những người sống lang thang trên đường phố. Người cũng truyền ngọn lửa yêu thương để mọi người đóng góp cho các tổ chức thiện nguyện, để hỗ trợ thực phẩm cho các khu lao động nghèo. Người còn khơi gợi tình thương trong tâm hồn của người trẻ để các em đóng góp sức mình trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát này bằng việc trở thành tình nguyện viên trong các bệnh viện và trung tâm cách ly, và còn nhiều thật nhiều điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đang làm cho con người ngang qua bàn tay của con người.

Khi Thiên Chúa nghe thấy tiếng kêu của người nghèo khổ, Ngài liền mở tai và kêu gọi chúng ta cùng cộng tác với Ngài, không chỉ những người lang thang không chỗ nương thân hay những người lao động nghèo đói mới cần giúp đỡ. Có những người nghèo về tinh thần đang ở xung quanh cũng cần sự nâng đỡ của chúng ta. Nhà văn Harry Kemp đã nói: “Người nghèo không phải là người không có một xu, mà là người không có ước mơ.” Hãy dành một vài phút để suy nghĩ về ý nghĩa của câu nói ấy.

Người nghèo là người không có ước mơ.

Điều đó có nghĩa là…
* Họ là người nghèo khi họ không biết mục đích và không thấy cuộc đời mình có ý nghĩa gì.
* Họ nghèo khi họ đang bối rối và không biết nên làm gì.
* Họ nghèo khi họ đang chán nản và không có hy vọng.
* Họ nghèo khi họ sống trong sợ hãi và nhát đảm.
* Họ nghèo khi họ sống trong cô đơn, không người thân, bạn bè.
* Họ là người thua kém người khác và không được xem trọng.

Vâng, tất cả họ là những người nghèo không có ước mơ. Giống như người điếc trong Tin Mừng theo Thánh Mac-cô hôm nay, Chúa Giê-su mở tai chúng ta để nghe tiếng kêu của những người không có mục đích, bối rối, chán nản, sợ hãi, cô đơn, và không được tôn trọng.

Khi nghe thấy tiếng kêu than ấy, chúng ta cần làm gì? Trước hết, hãy đưa họ đến gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể trong Thánh lễ. Vì chỉ ở nơi đây họ hiểu được ý nghĩa cuộc đời của họ. Mỗi khi chúng ta đọc lời kinh Lạy Cha, "Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
...,
" chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều được sai đến cùng Chúa Giê-su để trở thành người thợ làm vườn nho trong nước trời, nơi mà hòa bình, công lý và tình yêu được hiển trị. Và đó là cùng đích của mỗi người chúng ta trong cuộc đời này.

Với những ai đang bối rối và thiếu khôn ngoan, Thánh Phao-lô nói: “Vì bất cứ điều gì được viết vào thời trước đều được viết ra để hướng dẫn chúng ta” (Rô-ma 15: 4). Sự khôn ngoan được thể hiện rất rõ qua từng chữ trong Kinh Thánh và phụng vụ Lời Chúa là nguồn năng lượng tốt cho người bối rối để họ thấm nhuần và sống trong sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn.

Đối với người đang chán nản… Một lần nữa, Thánh Phao-lô nói, “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta thêm kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rô-ma 15: 4). Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su cho chúng ta vững tin vào sự sống chiến thắng sự chết, ánh sáng chiến thắng bóng tối, niềm vui sẽ chiến thắng nỗi buồn. Với những người sợ hãi ... Trong Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta đã đọc, “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân.

Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su” (Công vụ 4:13). Chúng ta đến đây để ở với Chúa Giê-su, để lãnh nhận lòng can đảm từ nơi Ngài.

Đối với những người cô đơn, những người không có bạn bè, Chúa Giêsu nói, “Ta là Mục Tử nhân lành. Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” (Gio-an 10: 14). Tại đây, cộng đoàn Ki-tô hữu chào đón những người cô đơn như những người bạn, như chiên con quây quần bên Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa và chúng ta thuộc về nhau nơi đoàn chiên này. Với người được không đón nhận, Chúa Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mat-thêu 11:28). Chúa Giê-su đón nhận tất cả những gì chúng ta làm để phục vụ dân của Ngài, vì chính khi chúng ta phục vụ tha nhân, cũng là lúc chúng ta phục vụ Thiên Chúa.

Trong giao tiếp giữa người với người một trong những khó khăn lớn nhất đó là lắng nghe, lắng nghe với sự thấu hiểu. Trong bối cảnh rộng lớn của thế giới hôm nay – trong khi nhân loại đang phải đối mặt với đại dịch khủng khiếp Covid-19 và tổn thất từ những cuộc chiến tranh gây ra ở trung đông, vâng thật khó để có thể lắng nghe và thấu hiểu hết tiếng kêu của người nghèo, là những người đang đói khát, không nhà cửa, không có mục đích sống, mất người thân. Cũng như người đàn ông trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thân thưa với Chúa "Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết lắng nghe." Và Chúa Giê-su đã trả lời, "Ephrata!" "Hãy mở ra." "Hãy lắng nghe tiếng kêu than của dân Người - và yêu mến họ." Amen.

Lm GB Nguyễn Thái Sơn, scj

Read 312 times Last modified on Chủ nhật, 05 Tháng 9 2021 11:48