Hành Hương Giáo Hạt Quảng Đức I - Bài Giảng Của Đức Giám Mục Vinh Sơn
Posted by Ban Biên Tập
Bài Giảng Của Đức Giám mục Vinh Sơn
Anh chị em thân mến.
Sách Isaia quyển thứ 2 (ch.40-55) được chia làm 2 phần: phần đầu tập trung nói về việc dân Israel bị lưu đày ở Babylone,phần 2 nhắm đến việc xây dựng lại Giê-ru-se-lem sau khi được thả về từ nơi lưu đày, mà chương cuối của phần 2 nầy (c.55) nói về ơn cứu độ do Đấng Messie đem lại.Để có thể theo sát được lý luận của Isaia trong đoạn cuối của phần 2 nầy, chúng ta cứ thử tưởng tương đến hoàn cảnh của những người dân Do Thái đang bị lưu đày ở Babylone; thời gian lưu đày đã gần 50 năm trôi qua, bao nhiêu hy vọng được trở về quê cũ hầu như không còn nữa, thì bất chợt được nghe nhưng lời tiên tri đầy an ủi rằng: “Chúa sẽ lập với họ một giao ước vĩnh cửu, như đã hứa với nhà Đa-vít. Từ trong dòng dõi nầy sẽ tổi lên một vị thủ lãnh chỉ huy các nước. Muôn dân nước sẽ chạy đến với họ, vì Thiên Chúa, Đấng Thánh của Israel sẽ làm cho họ được vinh hiển”(c.3-5).
Một lời hứa dễ nghe nhưng làm sao có thể thực hiện được? Làm thế nào Chúa có thể tái lập giao ước với họ, vì họ đã phạm tội nặng nề, đã từng bỏ rơi Lề Luật Chúa mà chạy theo các thần ngoại và sự khôn ngoan của người đời? Làm sao Chúa có thể tha thư tội lỗi quá nặng nề của họ mà bỏ qua hình phạt mà họ đáng phải chịu?
Vị tiên tri mở đường cho sự hoán cải: “ Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa- và người sẽ xót thương-,về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ”. Điều kiện để được tha thứ thật đơn giản, mà cũng là một đòi hỏi cương quyết: phải từ bỏ. “ Hãy bỏ đường lối mình đang theo…hãy bỏ tư tưởng mình đang có”để “trở về với Đức Chúa”, để được Người thứ tha.
Đứng trước thái độ hoài nghi của dân chúng, tiên tri đã phải thốt lên lời nầy để bảo đảm là Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng mà thực hiện điều Ngài đã hứa: “ Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải lá tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta-sấm ngôn của Đức Chúa.Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cung4cao hơn đương lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
Tại sao Chúa lại nói: “ tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi”? Có lẽ Ngài muốn nói đến sự khác biệt giữa cách suy nghĩ của con người và cách hành động của Chúa. Ví dụ như người Pha-ri-siêu nghĩ rằng họ là người công chính, còn người tội lỗi thì bị loại trừ. Vì thế, khi thấy những người thu thuế và người tội lỗi đến với Chúa Giê-su để nghe Người giảng, mà Người đón nhận họ chứ không xua đuổi, thì những người Pha-ri-siêu khó chịu, xầm xì với nhau: “Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Ý của họ là Chúa Giê-su không nên giao thiệp và giảng dạy cho những hạng người tội lỗi như thế, vì họ là những kẻ bị loại trừ.
Cách suy nghĩ của Chúa Giê-su thì khác, Người là vị mục tử nhân lành, thí mạng sống vì đàn chiên ( Ga 10,11). Người là vị thầy thuốc đi tìm những bệnh nhân để chữa lành. Người là kẻ đi tìm và cứu chuộc những gì đã hư mất. Người nhìn thấy nơi con người, không chỉ những giáng vẻ bên ngoài, những điều xấu tốt họ làm, nhưng Người còn nhìn thấy thiện chí và những yếu đuối của họ, để tạo điều kiện cho họ được làm lại cuộc đời.
Người con thứ trong bài Tin Mừng đã sai lầm khi nghĩ rằng anh có quyền xử dụng phung phí những đồng tiền mà người cha già đã chắt mót suốt cả đời bằng mồ hôi nước mắt. Người con cả đã sai lầm khi nghyi4 rằng lỗi lầm của người em phung phí là không thể tha thứ được. Anh đòi hỏi một sự công bằng. Anh là người ở cận kề hầu hạ cha chẳng khi nào trái lệnh, nhưng không được ân huệ của cha bằng người em phung phá.
Cách suy nghĩ của người cha thì khác, ông thương cả hai người con của mình. Người con cả ở kề cận bên cha, thì: “tất cả những gì của cha đều là của con”.Còn người con thứ, ông không nhìn bằng ánh mắt của người con cả: “Còn thằng con cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng”, nhưng ông ăn mừng vì: “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Hiểu được lòng yêu thương của người cha và ý thức về hành vi tội lỗi của mình, người con thứ quyết tâm trở về xin lỗi cha.Anh không dám nhận mình là con của cha, chỉ xin được sống bên cha như một người làm công thôi. Nhưng người cha đã đối xử với anh tuyệt vời hơn lòng anh mong đợi. Ông đã dành cho anh tất cả tình yêu, như là anh chưa từng làm cho ông buôn lòng, vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy”
Để có thể quay trở về với cha, người con thứ đã đặt hết niềm tin vào người cha và chấp nhận mọi điều cha muốn. Chính việc anh lên đường trở về với cha nói lên niềm tin nầy. Niềm tin đó bao gồm việc ý thức điều mình đã xúc phạm đến cha, quyết tâm tìm đến phương cách sửa chữa, biểu thị bằng hành động và chấp nhận làm theo điều cha đòi hỏi.
Anh chị em thân mên.
Là những người con cái sống trong Giáo Hội, chúng ta hiểu được tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta qua Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người. Giáo Hội, cũng như mỗi người chúng ta điều muốn đem tất cả khả năng để đáp đền tình yêu Chúa qua việc loan báo Tin Mừng và giúp nhau sống đạo cách tốt đẹp hơn; nhưng đôi khi cách chúng ta trình bày về Chúa hoặc biểu lộ tình yêu thương với anh chị em mình, bằng những cách thế chủ quan, làm mất đi tác dụng của lời chứng. Chúng ta can đảm nhìn về quá khứ để nhận ra những điều chúng ta cần phải quyết tâm hơn nữa để vượt qua và tim ra những phương thế thích hợp để sống niềm tin trong xã hội hôm nay. Chúng ta cũng cần nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm của mình, với tính cách cá nhân hay tập thể, để được ơn thực sự trở về với Chúa và hòa giải với anh chị em đang sông chung quanh mình.
Khiêm tốn nhận ra những lỗi lầm, can đảm để Chúa sửa dạy, và quyết tâm sống đời sống mới, mà những điều mà chúng ta cần làm trong Năm Đức Tin nầy, để chúng ta thực sự được sống hạnh phúc trong tình con thảo với Chúa, hiệp thông với anh chị em, và làm chứng cho Chúa một cách sống động nhất. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em
Đức Giám Mục Vinh Sơn
Mời xem clip bài giảng
Ban VHTT giáo xứ