24 20 Đ Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên.
THÁNH AN-RÊ DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO, lễ trọng.
Kỷ niệm ngày Tòa Thánh thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960). Các tín hữu hãy cảm tạ Chúa và cầu cho Giáo Hội tại Việt Nam.
Thánh Phê-rô Bô-ri-e Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie), Giám mục (U1838); Thánh Vi-xen-tê Nguyễn Thế Điểm, Linh mục (U1838); và Thánh Phê-rô Vũ (Võ) Đăng Khoa, Linh mục (U1838), Tử đạo.
2Mcb 7,1.20-23.27b-29 (hoặc Kn 3,1-9); Rm 8,31b-39 (hoặc Kh 7,9-17); Lc 9,23-26 (hoặc Ga 17,11b-19).
GIỮ VỮNG ĐỨC TIN CỦA CHA ÔNG
Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh năm 1795, Trần An Dũng theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gửi gấm cho một thày giảng nuôi nấng dạy dỗ và rửa tội với tên thánh là Anrê. Ít lâu sau, cậu Dũng xin vào chủng viện Vĩnh Trị, ở với cha chính Lan. Ngay từ đó, cậu Dũng lại siêng năng cần mẫn, có khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người cách lịch thiệp hòa nhã. Có người nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng.
Sau 10 năm làm thày giảng và 3 năm thần học, ngày 15-3-1823, thày Dũng được lãnh chức linh mục (cùng với lớp thánh Ngân và Nghi), rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối giúp cha Khiết. Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Đoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Miêng. Cuối cùng, khi làm chánh xứ Kẻ Đầm thì bị bắt. Suốt cuộc đời linh mục, cha Dũng sống nhiệm nhặt.
Ngoài những ngày ăn chay theo luật của Giáo Hội, cha còn giữ chay suốt Mùa Chay, và nhiều khi cả các ngày thứ sáu, thứ bảy quanh năm. Thường xuyên cha chỉ dùng những thức ăn đơn giản. Cha Dũng hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, chẳng khi nào thấy cha ngại ngùng việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì, cha chia xẻ cho họ hầu hết.
Khi lệnh bách hại của vua Minh Mạng trở nên gay gắt qua chiếu chỉ toàn quốc ngày 6-1-1833, cha phải ẩn náu tại các nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một hôm, cha dâng lễ vừa xong thì quân lính ập tới, cha liền cởi áo lễ và ngồi lẫn trong tín hữu. Lính bắt cha như một trong 30 giáo hữu hôm đó, vì quan quân không biết cha là linh mục. Ông Tổng Thìn bỏ ra 6 nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ để chuộc về. Từ đấy cha đổi tên là Lạc.
Lần thứ hai cha bị bắt khi đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi theo thói quen hàng tháng. Lý trưởng Pháp bắt được hai linh mục và mặc cả với giáo hữu phải chuộc với giá 200 quan. Các tín hữu gom góp được 100 quan nên viên lý trưởng chỉ tha cha Lạc. Thế nhưng ngay trên đường về, vì gặp mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha đang trú lại đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện Bình Lục cùng với cha Thi.
Một lần nữa, giáo hữu cùng Đức Cha Retord Liêu tìm cách chuộc hai cha về, nhưng lần này cha Lạc thấy ý Chúa đã định cho mình, ngài nhắn về với Đức Cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Roma, và xin các tín hữu đừng lo liệu tiền chuộc làm chi nữa.
Quan huyện Bình Lục đối xử với hai vị linh mục một cách tử tế. Ông truyền dọn cơm cho hai cha bằng mâm bát của mình, bắt lý trưởng trả lại quần áo đã tịch thu và thanh minh rằng: ”Phép triều đình cấm đạo và giết các cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này”. Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền chuyển về Hà Nội. Các tín hữu thương tiếc đi theo rất đông, hoặc bằng thuyền, hoặc đi bộ trên bờ. Quan lấy làm lạ hỏi: ”Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc quá vậy?” Một phụ nữ gần đó đáp lại: “Thưa quan, các cha dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận thảo với chồng theo như giáo lý trong đạo”.
Hai vị linh mục khi thấy nhiều người khóc lóc tiễn đưa mình, đã dừng lại an ủi và khích lệ họ sống đạo cho tốt đẹp.
Tại Hà Nội, sau mấy lần tra hỏi, và dọa nạt hai vị chứng nhân Đức Kitô không thành công, các quan làm án xin vua xử trảm.
Thời gian trong tù, hai cha chiếm được tình cảm của lính gác, được tôn trọng và đối xử tử tế. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha chia cho lính canh, chỉ giữ lại những thứ tối thiểu. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, hai cha quỳ bên nhau cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu xin được phép đưa cơm vào tù mỗi ngày, hai cha vẫn tìm cách hãm mình dặn họ đừng mang thịt hay cá làm chi, các ngài vẫn tiếp tục giữ chay ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Những ngày đó, hai cha ăn thật ít, vừa đủ.
Lễ Các Thánh (1-11-1839), linh mục Trân đưa Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy ngài, cha Lạc đã ra chào đón: ”Xin chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi”. Sau đó, cha cung kính rước lễ, và trao Mình Thánh cho cha già Thi.
Cuối năm 1839, khi quân lính đến công bố lệnh xử án, hai cha vui vẻ đón nhận bản án như một phần thưởng trọng hậu. Trên đường đến pháp trường, hai cha yên lặng cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha Lạc chắp tay lại, hát lớn tiếng mấy câu La tinh chúc tụng Chúa. Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với cha: ”Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp”.
Cha Lạc tươi cười trả lời: ”Quan đã truyền anh cứ thi hành”. Sau đó, hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót, rồi nghiêng đầu cho lý hình chém.
Hai vị đã lãnh phúc tử đạo ngày 21-12-1839 tại bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy (Hà Nội), giáp đường lên tỉnh Sơn Tây. Thi hài của cha Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Quý gần đó.
Và rồi ta thấy truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền đạo, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt 3 thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu thời xưa. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc.
Để lấy một thí dụ: trong các vị tử đạo hôm nay, đi tiên phọng có thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đa Minh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1773. Rồi tới linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương, từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức linh mục năm 1823, được bổ nhiệm chánh xứ và đương nhiên thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt.
Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn giữ được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ được chết vì Chúa. “Những người chết vì đức tin ngài nói-thì phải tốn tiền đút lót cho quan quyền; thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không?” Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21.12.1839.
Máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng cho chúng ta trước tiên, để chúng ta thăng tiến trong đức tin. Giữa mỗi chúng ta, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai.
Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tới tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô.
Mỗi Kitô hữu Việt Nam đều ý thức rằng: lời kêu gọi của Tin Mừng vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1 Pr 2,13-17).
Huệ Minh