16 13 Tm Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng.
Lc 7, 24-30
GIOAN TẨY GIẢ
Chúa Giêsu khen ông: ‘trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan’; nhưng lời khen lại bị giới hạn khi Người nói thêm: ‘người nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông!’ Điều Chúa Giêsu muốn nói là gì?
Chúa khen ông phải chăng vì: ‘Toàn thể dân chúng đã nghe ông, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của ông’; nhưng sự giới hạn phải chăng là do: ‘còn những người biệt phái và luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, vì họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho’. Bản văn trình bày là như thế, nhưng qua sự kiện này giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu hơn như thế nào?
Có lẽ chúng ta xem lại câu trả lời của Chúa Giêsu trong trường hợp: ‘Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8, 19-21; Mt 12, 46 -50; Mc 3, 31 -35 ); và trường hợp thứ hai: ‘Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 27-28).
Chúng ta dễ có cảm giác ‘chưng hửng’ với những câu nhận định của Chúa Giêsu thuộc loại này! Bởi ai trong chúng ta cũng cùng một quan niệm với lời phát biểu của người phụ nữ về Đức Maria. Không ai chối cãi vị trí độc tôn của Mẹ, nhưng Chúa Giêsu xem ra không đồng tình cho lắm! Bởi thay vì công nhận việc cưu mang và cho Thầy bú mớm là có phúc thì Chúa Giêsu lại lái sang việc ‘lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa’ mới là có phúc.
Dĩ nhiên Đức Maria là Người hơn ai hết đã ‘lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa’, có nghĩa Mẹ đã ‘cưu mang Lời Chúa’ trước khi cưu mang ‘Ngôi Lời Nhập Thể’. Cũng vậy, khi Mẹ và anh em Người đến tìm Người thì mọi người rất trân trọng. Bởi người ta ‘tâm phục khẩu phục’ Người bao nhiêu thì hẳn mọi người cũng kiêng nể Mẹ và anh em Người bấy nhiêu! Sự ‘kiêng nể’ phát sinh do ‘dây mơ rễ má’ với Thầy!
Vậy mà Người lại lái sang một mối tương quan khác, tương quan của những người cùng ‘lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành’. Khi chuyển trọng tâm sang một tương quan mới thì không phải Chúa Giêsu có ý phủ nhận những tương quan trước là kém quan trọng. Bởi lịch sử không lặp lại, thì những tương quan trước vẫn giữ vị trí quan trọng của nó; nhưng khi hướng sự chú ý của người nghe sang tương quan mới là Chúa Giêsu mở ra những cơ hội mới cho người nghe được tham dự vào tương quan với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn, gắn bó hơn như họ từng ngưỡng phục tương quan giữa Mẹ Maria với Chúa Giêsu cũng như anh em họ hàng với Người.
Tương tự như vậy, khi Chúa Giêsu nhận định sự cao trọng của ông Gioan Tẩy giả: ‘trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan’, đồng thời Người cũng mở ra một sự cao trọng khác cho mọi người: ‘người nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông’.
Thật vậy, chính ông được cưu mang trong lúc bà Êlizabét son sẻ già nua! Việc ông nhảy mừng trong bụng mẹ lúc được 6 tháng, khi đặt tên cho ông thì Giacaria, bố ông hết câm! Ông là tiếng kêu trong hoang địa như tiên tri Isaia đã loan báo, ông mặc áo lông Lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông rao giảng, làm phép rửa, bị tù đầy và bị chặt đầu trong bữa tiệc vui. Ông là Êlia phải đến trước. Ông là kết tinh của Cựu Ước, là người đã chỉ vào Chúa Giêsu mà giới thiệu: ‘đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian’.
Vì thế, trong số con cái người nữ sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn ông! Nhưng không phải vì thế mà ông chặn lối tiến đức của người khác. Bởi ‘người nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông’. Vậy ai muốn như ông hay hơn ông thì hãy làm người nhỏ nhất trong Nước Trời.
Gioan Tẩy giả không phải là một cây sậy mềm yếu phất phơ trước gió: ông đã cương trực, nghiêm khắc lên án việc ngoại tình của vua Hêrôđê, dẫu biết rằng sửa lỗi nhà vua là một điều nguy hiểm đến tính mạng của mình. Gioan cũng không phải là người ăn bận gấm vóc lụa là sống nơi cung điện. Ông chọn lối khổ hạnh: sống trong hoang địa, mặc áo da thú và ăn châu chấu. Chúa Giêsu xác nhận căn tính của Gioan: là người còn hơn cả ngôn sứ nữa, là sứ giả của Thiên Chúa, được sai đi trước dọn đường cho Con Một Ngài. Ông xứng đáng được ca tụng là “ngọn đèn cháy sáng” soi chiếu cho mọi người.
Chúng ta hãy nhìn lại sứ mạng ngôn sứ của mình. Thay vì nhát đảm chúng ta mặc lấy tinh thần mạnh mẽ, trung kiên sống theo chân lý, bảo vệ chân lý. Thay vì đam mê hưởng thụ theo xu hướng thời đại, chúng ta chọn sống thanh đạm, giản dị. Sống như thế chúng ta mới thực thi được sứ mạng ngôn sứ của mình, và giới thiệu được Đức Kitô cho người khác.
Huệ Minh