Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 01 Tháng 2 2022 10:30

Đừng đợi-Mồng Hai Tết Nhâm Dần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỪNG ĐỢI-Mồng Hai Tết Nhâm Dần

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ “đợi". Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn... Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Ở đời người ta nói có 5 điều không thể chờ đợi:

- Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

- Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

- Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

- Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

- Thời gian không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy!

Ngày xuân ta chúc cho người đang sống được bình an khỏe mạnh. Ta cũng nhớ đến những người đã chết. Thế nên, ngày xuân người Việt thường có thói quen ra viếng phần mộ của tổ tiên, của những người thân đã qua đời. Và mỗi khi:

Đứng bên những ngôi mộ

Nghiền ngẫm cuộc đời mình

Tưởng nhớ người quá cố

Ta thấy đời phù vân.

Đọc tên người trên mộ

Chợt như thấy tên mình

Mai này ra thiên cổ

Đi vào cõi lặng thinh.

Cầu cho người trong mộ

Là cầu cho chính mình

Hôm nay Mồng Hai tết chúng ta hãy nhớ tới cách đặc biệt là ông bà, cha mẹ, tổ tiên củachúng ta. Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:

“Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

Giáo huấn của Chúa cũng dạy rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và khi cầu xin sẽ được Chúa nhận lời.

Trong tâm tình ấy chúng ta cùng mượn lời kinh nguyện Thánh Thể để cầu nguyện cho các bậc tiền nhân của chúng ta hôm nay: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT). Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Read 1179 times Last modified on Thứ hai, 25 Tháng 4 2022 18:25