4.2 Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Hc 47:2-11; Tv 18:31,47,50,51; Mc 6:14-29
Can trường như Gioan Tẩy Giả
Trang Tin mừng thứ Sáu tuần IV thường niên hôm nay nhắc đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Có vẻ như thánh sử Máccô không lôgic lắm khi đang trình bày sứ vụ công khai của Chúa Giêsu cùng với việc Ngài tuyển chọn và sai các môn đệ đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, thì bất ngờ ở đây lại nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.
Thực ra, việc đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy Giả là có dụng ý của thánh sử. Số mạng củaGioan Tẩy Giả báo trước số mạng của Chúa Giêsu cũng như định mệnh các môn đệ của Ngài. Con đường làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa là con đường chông gai, đau khổ, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Người ta thường nói sự thật thì mất lòng. Sự thật là chuyện rất khó nói bởi vì nó chỉ đem lại cho chúng ta những phiền toái, mích lòng nhau. Trong trường hợp của Gioan tẩy giả thì tệ hại hơn … Ông nói ra sự thật về tội loạn luân của nhà vua Hêrôđê : chiếm đoạt vợ của anh mình là Hêrôđiađê, nên ông Gioan tẩy giả đã bị thiệt thân. Lương tâm của vị ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi nhà vua hãy trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan tẩy giả đã bị vua chém đầu, bị chết vì công lý.
Khi ra lệnh chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả, vua Hêrôđê lo buồn, vì ông biết rằng thánh Gioan Tẩy Giả là một người chính trực, một vị tiên tri được dân chúng kính trọng. Nhà vua biết đây là việc rất sai trái nhưng vẫn làm, vì vua sợ bị mất thể diện hơn là sự dằn vặt bởi tòa án lương tâm, đến nỗi sau này khi nghe danh Chúa Giêsu, vua giật mình tưởng thánh Gioan sống lại.
Thánh Gioan Tẩy Giả thì ngược lại, khi quở trách vua Hêrôđê trong việc cưới bà Hêrôđia, có lẽ thánh Gioan biết rằng, việc làm ấy coi như là ngài đã tự ký bản án tử hình cho mình. Nhưng không vì thế mà ngài không dám nói lên sự thật, ngài đã can đảm mạnh dạn lên án điều xấu, dù biết rằng, nói lên sự thật thì phải chết.
Dù biết ông Gioan là người công chính và muốn che chở cho Gioan, nhưng Hêrôđê đã mềm lòng trước quyến rũ của sắc đẹp, ông đã giết người vô tội. Hình ảnh Hêrôđê cũng chính là hình ảnh của những con người nhu nhược trước tiếng nói của lương tâm. Con người ấy rất dễ có trong chúng ta. Khi những đam mê sắc dục và danh vọng làm lu mờ lý trí và lương tâm, thì người ta bất cần những lời khuyên nhủ và sự cảnh giác của người khác. Từ đó sinh ra đố kỵ, ganh tị, oán thù và nhiều việc gian ác…
Gioan Tẩy giả đã biểu lộ vai trò làm ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật, bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu.
Càng ngày càng có nhiều người mang tính Hê-rô-đê. Vì bươn chải với đời, người ta đã đối xử bất công với nhau. Họ sẵn sàng đổi lấy danh vọng, tiền tài bằng những chèn ép, mánh lới, bằng những thủ đoạn gian dối xảo quyệt. Đứng trước thực trạng đó, đôi lúc con không đủ can đảm để làm chứng cho sự thật, không dám hành động theo sự nhận thức của lương tâm, không dám nói lên chân lý của Phúc Âm, không dám ngăn chặn sự dữ. Ta thấy nhiều người giả điếc làm ngơ, giả mù không thấy, vì bản thân họ sợ phiền hà, sợ bị làm khó dễ, sợ mất việc làm, sợ người đời chê bai, dè bỉu, ghen ghét, trả thù.
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đóng vai trò làm ngôn sứ, chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu.
Khi chúng ta dám nói lên sự thật thì khi đó chúng ta đang giới thiệu cho thiên hạ thấy dung mạo của Đức Giêsu Kitô bởi vì Ngài nói Ngài chính là “sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Khi nói lên sự thật, khi làm chứng cho sự thật thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi, bị chống đối, bị hãm hại và có thể mất đầu giống như Gioan vậy. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã dạy rằng : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32).
Khi chúng ta dám nói lên sự thật, thì chúng ta đến cùng ánh sáng (Ga 3,21), và sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, sự xấu. Một khi chúng ta e ngại, sợ hãi, không đủ can đảm nói thật và sống thật, thì chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài thêm sức mạnh, để can đảm sống theo sự thật, đi theo ánh sáng của Chúa, và làm chứng cho chân lý của Phúc âm.
Muốn làm chứng cho chân lý của Tin Mừng, thì chúng ta hãy đổi mới bản thân và cuộc sống của gia đình theo ánh sáng của Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày.
Hãy để cho chân lý của Tin Mừng đi sâu vào tâm hồn và đời sống gia đình. Gia đình chúng ta hãy siêng năng đọc sống và sống Lời Chúa dạy, sống hòa thuận yêu thương nhau, mọi người biết tôn trọng nhau, phục vụ nhau, sống chân thành với nhau, và biết từ bỏ những thái độ xấu của bản thân, chẳng hạn như sống giả dối, lường gạt, làm ăn phi pháp, …
Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dân thấn vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. Nói như thánh Phanxicô Assisi: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!
Sống và làm chứng cho Tin Mừng không chỉ mang lại ơn ích cho gia đình, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình xung quanh, qua đời sống bác ái yêu thương của mỗi gia đình.
Huệ Minh